Việt Nam tham gia hiệu quả các chương trình đánh giá quốc tế về giáo dục

Tham gia chương trình đánh giá khu vực, quốc tế về giáo dục, Việt Nam chuẩn bị, triển khai tích cực, trách nhiệm, tuân thủ đúng các quy định.

Ảnh minh họa/Moet.

Ảnh minh họa/Moet.

Theo đó, đối với Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chu kỳ 2025, năm 2024 đã hoàn thành tổ chức khảo sát thử nghiệm 3 lĩnh vực (Toán, Khoa học và Đọc hiểu) trên máy tính tại 31 cơ sở giáo dục phổ thông có học sinh tuổi 15; với sự tham gia của 31 hiệu trưởng, 2152 học sinh và hiện đang thực hiện mã hóa bài khảo sát.

Đối với Chương trình Đánh giá quốc tế về dạy và học (TALIS) chu kỳ 2024, đã hoàn thành việc tổ chức khảo sát chính thức trên máy tính tại 202 cơ sở giáo dục thuộc 58 tỉnh/thành phố; với sự tham gia của 202 hiệu trưởng, 4.349 giáo viên. Hiện đã hoàn thành trả lời phiếu đánh giá sau khảo sát của OECD và đợi phản hồi các thông tin từ OECD sau khảo sát chính thức.

Đối với Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM), Việt Nam đã hoàn thành việc tổ chức khảo sát chính thức tại 152 cơ sở giáo dục có cấp tiểu học. Số lượng tham gia là 152 hiệu trưởng, 1.073 giáo viên dạy các môn học lớp 5 và 6.020 học sinh, 6.043 cha mẹ học sinh. Việc tập huấn và mã hóa bài khảo sát cả 3 lĩnh vực: Toán, Đọc hiểu và Viết đã hoàn thành.

Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin: Sau mỗi kỳ đánh giá, ngay sau khi có kết quả phân tích, đánh giá của Ban Tổ chức các chương trình đánh giá quốc tế, Việt Nam đã triển khai xây dựng các báo có phân tích kết quả đánh giá quốc gia để làm rõ các minh chứng; từ đó xây dựng, điều chỉnh các chính sách giáo dục quốc gia phù hợp với sự phát triển và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, triển khai các đợt tập huấn cho cán bộ, giáo viên nhằm vận dụng kỹ thuật, phương pháp đánh giá của PISA, SEA-PLM trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá tại các nhà trường phổ thông.

Để có kết quả tốt trong triển khai các chương trình đánh giá, ngay từ công tác chuẩn bị đã có sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm và chặt chẽ giữa Cục Quản lý chất lượng với các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông trong triển khai thực hiện.

Mặc dù có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, chế độ kinh phí trong triển khai nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên từ trung ương đến địa phương đã tham gia tích cực, trách nhiệm và tuân thủ đúng các quy định, yêu cầu của Ban Tổ chức các chương trình đánh giá; kết quả tổ chức đánh giá bảo đảm đúng quy trình và có độ tin cậy cao.

Để hoạt động đánh giá diện rộng ngày càng phát huy vai trò và ý nghĩa, “Đề án phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế của giáo dục phổ thông giai đoạn 2022-2030” cần được triển khai một cách hiệu quả từ trung ương đến địa phương.

Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của các chương trình đánh giá diện rộng.

Các cơ quan, đơn vị triển khai thuộc Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông cần làm tốt công tác tham mưu với cơ quan chức năng có thẩm quyền để ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện hoạt động đánh giá chất lượng giáo dục, đặc biệt là bảo đảm điều kiện về nhân lực và vật lực thực hiện đánh giá chất lượng giáo dục.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/viet-nam-tham-gia-hieu-qua-cac-chuong-trinh-danh-gia-quoc-te-ve-giao-duc-post693579.html