Việt Nam thể hiện vai trò tiên phong khu vực trong công tác phòng, chống mua bán người

Đó là nhận định của ông Jonathan Turley, Phó Giám đốc Văn phòng theo dõi và chống mua bán người (J/TIP) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vừa qua.

Ông Jonathan Turley, Phó Giám đốc Văn phòng theo dõi và chống mua bán người (J/TIP) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao đổi với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Long Vũ)

Ông Jonathan Turley, Phó Giám đốc Văn phòng theo dõi và chống mua bán người (J/TIP) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao đổi với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Long Vũ)

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Hà Nội từ ngày 13-14/1, ông Jonathan Turley, Phó Giám đốc Văn phòng theo dõi và chống mua bán người (J/TIP) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với Báo Thế giới và Việt Nam, chia sẻ cảm nhận về nỗ lực phòng chống mua bán người của Việt Nam trong những năm gần đây.

Xin ông cho biết những điểm nổi bật trong hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về phòng, chống mua bán người trong những năm qua?

Đầu tiên, xin được cảm ơn đã dành lời mời cho tôi tham gia cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Cá nhân tôi rất vui khi được quay trở lại Việt Nam. Cách đây 10 năm khi tôi còn giữ vai trò Trưởng phụ trách về các vấn đề Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì hai nước chúng ta đã kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ. Lần này được quay trở lại với Hà Nội, Việt Nam là một niềm vui, vinh dự với cá nhân tôi trong bối cảnh hai nước chúng ta sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, và một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng là di cư và đấu tranh phòng, chống mua bán người. Đây là thách thức chung của cả hai quốc gia và là ưu tiên chung của cả hai Chính phủ. Chúng ta đã hợp tác rất chặt chẽ với nhau trên phương diện song phương và cả các diễn đàn đa phương, bao gồm ASEAN về vấn đề này.

Trong những năm qua, Hoa Kỳ ủng hộ rất nhiều nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam. Ví dụ, chúng tôi có chương trình trị giá 10 triệu USD để hỗ trợ cho các cơ quan đối tác ở Việt Nam giúp xây dựng năng lực của chính phủ trong phòng, chống mua bán người. Đó cũng là lý do tôi thay mặt cho Văn phòng J/TIP có mặt tại đây ngày hôm nay, để cùng chung tay thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng hiệu quả hơn.

Thảo luận bàn tròn giữa Văn phòng theo dõi và chống mua bán người (J/TIP) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các cơ quan chức năng Việt Nam ngày 14/1 tại trụ sở Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Long Vũ)

Thảo luận bàn tròn giữa Văn phòng theo dõi và chống mua bán người (J/TIP) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các cơ quan chức năng Việt Nam ngày 14/1 tại trụ sở Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Long Vũ)

Ông đánh giá như thế nào về kết quả chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam?

Chúng tôi đã có một chuyến thăm, làm việc rất là hiệu quả với các cơ quan đối tác, các cơ quan chuyên trách tại Việt Nam liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người. Chúng tôi cũng đã trao đổi, thảo luận rất nhiều với các cơ quan chức năng Việt Nam trong chuyến thăm, làm việc này.

Xin được chúc mừng các cơ quan hữu quan Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất tốt, rất hiệu quả trong công tác phòng, chống mua bán người. Việt Nam đã ban hành rất nhiều văn bản quy định pháp luật và triển khai rất nhiều biện pháp khác nhau và những biện pháp này đều mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động đấu tranh phòng, chống mua bán người.

Chúng tôi đã ghi nhận những nỗ lực này trong Báo cáo về tình hình mua bán người (TIP) năm 2024. Ví dụ, chúng tôi ghi nhận sự gia tăng về số lượng các cuộc điều tra, truy tố và kết án tội phạm mua bán người, sự gia tăng về số lượng nạn nhân được sàng lọc, xác định và hỗ trợ so với những báo cáo trước đây. Đây đều là những tín hiệu tích cực rất quan trọng.

Tôi cũng xin dành lời khen về việc Việt Nam đã hoàn thành Hồ sơ Di cư năm 2023. Đây là một nỗ lực rất đáng khích lệ. Bên cạnh đó, Việt Nam đã hồi hương hơn 4.000 người có khả năng là nạn nhân của tội phạm mua bán người từ các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở các quốc gia ở trong khu vực. Mới đây, Việt Nam đã phê duyệt sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và tôi cho rằng đây là một văn bản pháp luật rất quan trọng.

Trong chuyến thăm, chúng tôi đã có những cuộc họp, thảo luận rất hiệu quả với các cơ quan Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đã thảo luận về các lĩnh vực có thể hợp tác. Tôi khuyến khích Việt Nam tiếp tục và tăng cường nỗ lực trong các cuộc điều tra, truy tố, xét xử, cũng như công tác sàng lọc, hỗ trợ cho những người có thể là nạn nhân của tội phạm mua bán người, đặc biệt là đối với những nhóm người dễ bị tổn thương và được xác định là nạn nhân. Và tất nhiên, chúng tôi cũng trao đổi về các hướng dẫn thực hiện cho Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi năm 2024 .

Có thể nói, chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất hiệu quả với các cơ quan Việt Nam về các biện pháp để hai nước có thể tiếp tục hợp tác hiệu quả và đạt được những mục tiêu cao hơn nữa trong thời gian tới.

Phó Giám đốc J/TIP dành lời khen về việc Việt Nam đã hoàn thành Hồ sơ Di cư năm 2023. (Nguồn: IOM)

Phó Giám đốc J/TIP dành lời khen về việc Việt Nam đã hoàn thành Hồ sơ Di cư năm 2023. (Nguồn: IOM)

Qua chuyến thăm, ông cảm nhận như thế nào về nỗ lực phòng chống mua bán người của Việt Nam trong những năm gần đây?

Có lẽ xin được trả lời câu hỏi này bằng một nhận định chung đó là Việt Nam đã đạt được rất là nhiều kết quả đáng ghi nhận về công tác phòng, chống mua bán người trong những năm vừa qua. Tôi xin nêu một số kết quả nổi bật sau:

Thứ nhất, sự gia tăng số lượng các cuộc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người. Theo đó, Việt Nam đã xác minh, sàng lọc và hỗ trợ cho ngày càng nhiều nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Thứ hai, tôi cho rằng cũng không kém phần quan trọng đó là việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người vào năm 2024.

Thứ ba, việc tăng cường quá trình điều phối, hợp tác giữa các cơ quan chuyên trách, các cơ quan có thẩm quyền để xây dựng, nâng cao năng lực phòng chống mua bán người.

Chúng tôi mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục những nỗ lực này, đặc biệt là tăng cường điều tra, truy tố và xét xử, đẩy mạnh hoạt động sàng lọc, nhận diện và hỗ trợ cho nạn nhân, trong đó cần tập trung vào một số nhóm những nạn nhân dễ bị tổn thương hay nhóm yếu thế. Ví dụ như những người bị lừa bán sang các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở các quốc gia trong khu vực và một số người lao động làm việc ở lĩnh vực rủi ro cao như ngư nghiệp.

Trong bối cảnh di cư ngày càng gia tăng và tội phạm mạng ngày càng tinh vi, theo ông Việt Nam cần có những giải pháp gì để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người?

Trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, tội phạm lừa đảo trực tuyến đang trở nên rất phổ biến trong những năm gần đây. Đây là một thách thức nghiêm trọng trong khu vực ảnh hưởng đến cả Việt Nam và Hoa Kỳ, công dân của cả hai quốc gia chúng ta, cũng như ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong khu vực. Chúng tôi mong muốn hợp tác nhiều hơn nữa với Việt Nam để giải quyết thách thức này.

Thật không may, những kẻ mua bán người đang hoành hành, sử dụng các mánh khóe, thủ đoạn ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Các đối tượng tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ để lừa đảo và mua bán người sang các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở trong khu vực.

Loại tội phạm này tạo ra nguồn thu bất hợp pháp lên đến hàng triệu hay thậm chí là hàng tỷ USD mỗi năm. Rất nhiều công dân, cá nhân bị lừa sang làm việc ở tại các trung tâm lừa đảo trực tuyến đã trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, đồng thời bị cưỡng bức lao động. Đây rõ ràng là một thách thức lớn.

Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực chủ động của Việt Nam trong việc xác định nạn nhân, hồi hương công dân Việt Nam bị bán sang các trung tâm lừa đảo trực tuyến. Việt Nam đã thể hiện vai trò tiên phong, lãnh đạo khu vực trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người.

Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục được hỗ trợ Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực trong lĩnh vực này. Chúng tôi có rất nhiều dự án, chương trình để giúp cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam, xây dựng, nâng cao năng lực cho các cán bộ thực thi để có thể sàng lọc tốt hơn những người được hồi hương từ các trung tâm lừa đảo trực tuyến để tìm ra các chỉ số mua bán người nhằm bảo đảm nguyên tắc không trừng phạt đối với nạn nhân của tội phạm mua bán người nếu họ bị cưỡng bức hay là ép buộc thực hiện các hành vi phạm tội. Vì vậy, chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất hiệu quả với Việt Nam và đây là lĩnh vực mà hai nước đã hợp tác rất chặt chẽ và sẽ tiếp tục thúc đẩy trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Đoàn J/TIP của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và đại diện các cơ quan chức năng Việt Nam tham dự bàn tròn chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Long Vũ)

Đoàn J/TIP của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và đại diện các cơ quan chức năng Việt Nam tham dự bàn tròn chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Long Vũ)

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-the-hien-vai-tro-tien-phong-khu-vuc-trong-cong-tac-phong-chong-mua-ban-nguoi-300945.html