Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau
Mối quan hệ hợp tác có bề dày gần nửa thế kỷ giữa Việt Nam với tổ chức quốc tế lớn và quan trọng nhất hành tinh - Liên hợp quốc vừa được thúc đẩy thêm, trở thành đối tác nhằm cùng nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững cũng như thực hiện sứ mệnh không để ai bị bỏ lại phía sau.
4 lĩnh vực hợp tác chiến lược với Liên hợp quốc
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng được sự ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ và Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis thay mặt Liên hợp quốc ngày 11-8 đã ký Văn kiện khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững (CF) giai đoạn 2022-2026 giữa Chính phủ Việt Nam và các cơ quan thường trú và không thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam. Đây là tài liệu chiến lược chủ chốt hướng dẫn và định hướng sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), nêu bật cam kết mạnh mẽ chung, nhằm mang lại sự hợp tác phát triển bền vững cho tất cả mọi người.
Theo CF giai đoạn 2022-2026, Việt Nam và Liên hợp quốc đề ra 4 kết quả phát triển chính. Thứ nhất, phát triển xã hội bao trùm, tập trung vào các dịch vụ xã hội, đáp ứng giới, nhạy cảm với người khuyết tật, công bằng, dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội với giá cả phải chăng và chất lượng, với mục tiêu giúp người dân Việt Nam thoát nghèo đa chiều và trao quyền cho mọi người để thể hiện được hết khả năng của mình.
Thứ hai là ứng phó với biến đổi khí hậu, chống chịu thiên tai và bền vững môi trường, tập trung vào một môi trường an toàn và sạch hơn do kết quả của việc giảm nhẹ và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và xây dựng khả năng phục hồi, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cung cấp năng lượng sạch và tái tạo, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Thứ ba, chia sẻ thịnh vượng thông qua chuyển đổi kinh tế, tập trung vào chuyển đổi kinh tế bền vững, bao trùm và đáp ứng giới dựa trên đổi mới, tinh thần kinh doanh, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và việc làm bền vững.
Cuối cùng, chiến lược hợp tác phát triển bền vững giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong giai đoạn 5 năm 2022-2026 tập trung vào quản trị và tiếp cận công lý, tập trung vào cải thiện quản trị, các thể chế đáp ứng tốt hơn, tăng cường pháp quyền, bảo vệ và tôn trọng quyền con người, bình đẳng giới và tự do khỏi mọi hình thức bạo lực, phân biệt đối xử phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Khung hợp tác CF được ký kết và thực hiện vào thời điểm Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ông nêu rõ, Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để phát triển đất nước.
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis nhấn mạnh, đối với Liên hợp quốc, đại dịch Covid-19 đã củng cố niềm tin của Liên hợp quốc về tính ưu việt của sứ mệnh không để ai bị bỏ lại phía sau. Bà khẳng định, nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau thông qua CF là cam kết cơ bản của Liên hợp quốc tại Việt Nam và nguyên tắc này đòi hỏi một cách tiếp cận rộng rãi, huy động sự tham gia của toàn thể bộ máy Chính phủ và toàn thể xã hội.
Chủ động tham gia, phát huy vai trò trong các cơ chế đa phương
Văn kiện khung CF giai đoạn 2022-2026 được ký vào thời điểm Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 45 năm gia nhập Liên hợp quốc - tổ chức đa phương lớn nhất và quan trọng nhất toàn cầu (20-9-1977 / 20-9-2022). Có thể khẳng định, trên nền tảng của mối quan hệ hợp tác có bề dày gần nửa thế kỷ, trong những năm qua, Việt Nam và Liên hợp quốc trở thành đối tác của nhau, cùng nỗ lực để đạt được SDGs.
Việt Nam và Liên hợp quốc đang cùng nỗ lực để đạt được SDGs gồm 17 mục tiêu, liên kết với nhau và đầy tham vọng, nhằm giải quyết những thách thức phát triển lớn mà người dân Việt Nam, trên thế giới phải đối mặt. Mục tiêu phát triển bền vững là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình, thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Cách đây gần 7 năm, vào tháng 9-2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và SDGs. Chương trình này xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm giải quyết những thách thức phát triển lớn mà người dân Việt Nam cũng như thế giới phải đối mặt.
SDGs là sự tiếp nối của Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG2) và dựa trên 6 chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. SDGs toàn diện hơn so với MDGs và bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu. Những mục tiêu này vượt ra và thúc đẩy phát triển xã hội, bao gồm cả các mục tiêu đối với biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế, đổi mới, tiêu thụ bền vững, hòa bình, công bằng… Mỗi mục tiêu lại được kết nối với nhau và thành công trong một mục tiêu thường sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khác.
Việt Nam đã sớm xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia hướng tới thực hiện SDGs của Liên hợp quốc để triển khai cho phù hợp. Kế hoạch này được sử dụng để phát triển các mục tiêu của Việt Nam trên cơ sở thực tiễn của đất nước, các tỉnh, thành phố, địa phương; tham vấn các cấp, các ngành. Theo đó, ngày 25-9-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững, đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam. Hầu hết các mục tiêu phát triển bền vững đã được bao hàm trong hệ thống thể chế quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là Hiến pháp hiện hành; trong các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương.
Qua các chương trình hỗ trợ phát triển, đến nay Việt Nam là một trong những nước nghiêm túc thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, nhất là SDGs đến năm 2030, lồng ghép các mục tiêu đó vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, hài hòa với các khuôn khổ hợp tác ký kết với Liên hợp quốc theo từng giai đoạn. Trong 17 mục tiêu tổng quát, 169 mục tiêu cụ thể của Chương trình Nghị sự 2030, Việt Nam đã quốc gia hóa thành 17 mục tiêu tổng quát và 115 mục tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện, bối cảnh phát triển của đất nước.
Việc thực hiện có hiệu quả SDGs không chỉ mang lại những chuyển biến tích cực đối với bộ mặt kinh tế-xã hội của Việt Nam, mà còn là minh chứng sống động thể hiện sự chủ động tham gia, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, nhất là Liên hợp quốc, đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định trên thế giới.