Việt Nam thực hiện tốt cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 10/12, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu ( Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo phổ biến 'Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát'.
Từ năm 1994 đến nay Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn các-bon
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết: “Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát theo lộ trình cam kết với quốc tế. Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn các-bon thông qua hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát kể từ năm 1994 đến nay. Việt Nam cũng đã tham gia Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc khởi xướng, sáng kiến về quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon do Nhật Bản khởi xướng và tham gia Cam kết làm mát toàn cầu để cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu giảm phát thải toàn cầu đối với các hoạt động làm mát trong tất cả các lĩnh vực đạt ít nhất 68% vào năm 2050 so với năm 2022 để giữ mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 độ C”.
Theo ông Quang, trong "Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát" đã tích hợp toàn diện các yêu cầu quản lý mới để triển khai thực hiện đồng bộ các cam kết quốc tế, sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-zôn và làm mát bền vững mà Việt Nam đã tham gia . Việt Nam cũng thực hiện tốt cam kết không sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ các chất và sản phẩm, thiết bị có chứa hoặc sản xuất từ các chất đã loại trừ hoàn toàn; loại trừ, giảm dần tiêu thụ các chất được kiểm soát theo lộ trình quy định.
Sản phẩm, thiết bị được sản xuất, nhập khẩu sử dụng các chất được kiểm soát có giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu được giảm theo lộ trình nêu tại Kế hoạch. Cải thiện hiệu suất năng lượng trung bình của thiết bị sản xuất và nhập khẩu sử dụng chất được kiểm soát; Kỹ thuật viên thực hiện hoạt động lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng sản phẩm, thiết bị có chứa các chất được kiểm soát có văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận phù hợp. Các chất được kiểm soát được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng và tái chế đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hoặc xử lý để tiêu hủy nếu không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Các yêu cầu về giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và chống chịu với nắng nóng cực đoan được nghiên cứu, lồng ghép trong các chương trình phát triển đô thị cấp quốc gia, cấp tỉnh, kế hoạch, quy hoạch của quốc gia và từng địa phương; từng bước cải thiện tiêu chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, xây dựng và vận hành công trình đáp ứng mức cân bằng về năng lượng, đạt tiêu chí công nhận công trình xanh. Triển khai các giải pháp làm mát bền vững tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I và loại II; phổ biến và nhân rộng các mô hình kinh doanh dịch vụ làm mát tại các khu đô thị, khu dân cư, tòa nhà văn phòng, thương mại và công trình công cộng.
Chất làm lạnh trong điều hòa và thiết bị làm mát gây hại rất lớn cho môi trường
PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường cơ khí (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, lĩnh vực làm lạnh trong điều hòa không khí là một lĩnh vực gây hiệu ứng nhà kính và gây nóng lên toàn cầu gần như là lớn nhất. Theo thống kê năm 2026 tổng tiêu thụ điện thương phẩm cho lĩnh vực này khoảng từ 15-16%. Đến năm 2030 dự báo sẽ tăng lên 30%.
“Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa trên toàn thế giới đang diễn ra rất nhanh. Đến năm 2050 phần lớn dân số sống ở khu vực đô thị. Vì vậy nhu cầu làm mát từ điều hòa, xử lý chất lượng không khí ngày càng tăng lên. Hiện nay chúng ta đang chuyển đổi số rất nhanh, ngày càng áp dụng công nghệ số, công nghiệp 4.0,…vì vậy gia tăng công nghệ làm mát cho hoạt động lưu trữ và truyền thông giữ liệu. Trong khi lĩnh vực này tiêu thụ năng lượng rất lớn. Lĩnh vực làm lạnh tiêu thụ điện rất lớn, muốn làm lạnh được thì phải có chất làm lạnh. Tiềm năng nóng lên toàn cầu của chất làm lạnh này gấp hàng nghìn lần đến hàng chục nghìn lần. Tuy có vẻ lĩnh vực điều hòa không khí là hẹp nhưng đóng góp cho tổng phát thải khí nhà kính là rất lớn, đến 2030 sẽ lên đến 20%”, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cơ khí, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định rõ về bảo vệ tầng ô dôn và kiểm soát các chất gây lên hiệu ứng toàn cầu. Tháng 6/2024 Thủ tướng đã phê chuẩn Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát. Lĩnh vực làm mát đóng vai trò lòng cốt. Trong đó, có 4 trụ cột: Thứ nhất là kiểm soát lượng chất nhập khẩu theo hạn ngạch giảm theo từng năm; Thứ 2 là kiểm soát sản xuất, nhập khẩu các thiết bị có chứa chất làm mát, theo lộ trình khống chế chất làm mát theo tiềm năng nóng lên toàn cầu; Thứ 3, những chất nhập khẩu vào rồi thì quản lý theo vòng đời và tái tuần hoàn; Thứ 4 sẽ làm mát bền vững trong đô thị, làm giảm chi phí năng lượng và giảm phát thải.