Hà Nội ban hành mục tiêu phát triển năng lượng sạch trong năm 2025

Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện ổn định, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và góp phần thực hiện các cam kết quốc gia về năng lượng bền vững. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đang thực hiện các dự án cụ thể như điện mặt trời mái nhà, điện từ rác thải và sáng kiến sử dụng năng lượng tái tạo trong chiếu sáng công cộng.

Ngày 11/12/2024, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký ban hành Kế hoạch số 361/KH-UBND về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025. Đây là một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng bền vững của thủ đô.

Thành phố dự kiến sẽ tăng cường công suất năng lượng tái tạo thêm khoảng 67MW từ điện rác, nâng tổng công suất xử lý rác thải lên khoảng 129,3MW. Trong đó, các dự án điện rác Sóc Sơn và Seraphin sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn điện ổn định từ chất thải rắn. Đồng thời, Hà Nội cũng phấn đấu tăng thêm 30MW từ điện mặt trời mái nhà trong khuôn khổ chính sách khuyến khích của Chính phủ. Việc sử dụng năng lượng mặt trời trong chiếu sáng công cộng cũng được khuyến khích để tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường, đồng thời giảm chi phí cho thành phố.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn và Seraphin sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn điện ổn định từ chất thải rắn/ Ảnh: TTX

Nhà máy điện rác Sóc Sơn và Seraphin sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn điện ổn định từ chất thải rắn/ Ảnh: TTX

Để thực hiện mục tiêu trên, Hà Nội đã đề ra một loạt các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, bao gồm tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong phát triển năng lượng tái tạo. Thành phố sẽ tiếp tục phát huy các phương tiện truyền thông như báo đài, sự kiện và các hình thức tuyên truyền tại các địa phương. Các cẩm nang điện tử sẽ được công khai trên các báo, tạp chí và kênh điện tử để cung cấp thông tin về phát triển năng lượng tái tạo và các chính sách liên quan.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực sẽ được tổ chức để giúp người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng hiểu rõ hơn về lợi ích và cách thức triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Các cơ quan chức năng cũng sẽ phối hợp tuyên truyền về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với quản lý điện và bảo vệ môi trường.

Để phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả, Hà Nội sẽ lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn có khả năng thu hồi năng lượng hiệu suất cao trong các dự án mới tại các khu xử lý rác thải sinh hoạt. Các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường sẽ được ưu tiên, đặc biệt là các hệ thống điện mặt trời mái nhà có khả năng tích trữ năng lượng.

Hà Nội cũng sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu khoa học và công nghệ để đánh giá tác động của hệ thống điện mặt trời mái nhà đối với lưới điện phân phối, từ đó đưa ra các giải pháp quản lý hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu phát triển sử dụng năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông đô thị và chiếu sáng công cộng.

Một yếu tố quan trọng trong việc phát triển năng lượng tái tạo là xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích đầu tư. Hà Nội sẽ nghiên cứu các tiêu chí lựa chọn và khuyến khích đầu tư vào các dự án điện mặt trời mái nhà theo chính sách phát triển của Chính phủ. Các cơ chế hỗ trợ tài chính, thuế và các ưu đãi khác sẽ được đề xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tổ chức tham gia vào quá trình phát triển năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, qua đó tạo ra các cơ hội đầu tư và phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Hà Nội khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế cùng tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo, nhằm tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng và góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Việc triển khai kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo yêu cầu một nguồn kinh phí lớn, sẽ được huy động từ ngân sách Nhà nước, các đơn vị điện lực, doanh nghiệp và các nguồn tài trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Các cơ quan chức năng sẽ phối hợp xây dựng các dự toán ngân sách, đảm bảo nguồn tài chính cho các dự án và nhiệm vụ phát triển năng lượng tái tạo.

Để đạt được kết quả trên, các cơ quan chức năng tại thành phố Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Sở Công Thương sẽ chủ trì quản lý và giám sát các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển năng lượng cho Thủ đô. Các sở, ngành khác như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp thực hiện các công tác liên quan đến quy hoạch, xây dựng, tài chính và hỗ trợ các nhà đầu tư.

Đình Khương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ha-noi-ban-hanh-muc-tieu-phat-trien-nang-luong-sach-trong-nam-2025-721907.html