Việt Nam tôn trọng, đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số

Những thành tựu to lớn trong thực hiện chính sách dân tộc đã chứng minh Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng, đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số (DTTS).

Quyền học tập của người DTTS luôn được đảm bảo ở Việt Nam. Trong ảnh: Giờ học của cô và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Phương Liên

Quyền học tập của người DTTS luôn được đảm bảo ở Việt Nam. Trong ảnh: Giờ học của cô và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Phương Liên

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 53 DTTS. Đa số đồng bào DTTS sinh sống ở vùng miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Năm 1982, Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD). Đảng và Nhà nước ta luôn xác định việc đảm bảo các quyền cho người DTTS chính là biểu hiện cao nhất của thực thi Công ước CERD; đồng thời kết quả thực hiện các quyền cho người DTTS chính là chỉ báo của một xã hội văn minh, tiến bộ, phát triển.

Thể hiện quyết tâm trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã tích cực nội luật hóa các quy định, nguyên tắc về quyền con người trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên, phù hợp với điều kiện về chính trị, kinh tế, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc. Mục tiêu của việc nội luật hóa là đảm bảo sự tiến bộ thực sự về nhân quyền cho người DTTS, không phân biệt chủng tộc, dân tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, chính kiến, nguồn gốc xuất thân...

Hiện nay, từ 30 văn bản thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã thể chế thành hệ thống chính sách dân tộc bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống của đồng bào DTTS. Hơn 10 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 125 luật, trong đó có 352 điều khoản luật trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các DTTS. Trong đó, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Nguyên tắc trên được quán triệt trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam, là nguyên tắc cơ bản của chính sách đảm bảo quyền cho các DTTS. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội.

Đồng thời, Nhà nước Việt Nam còn khẳng định ưu tiên hỗ trợ và tăng cường đoàn kết giúp đỡ, tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực vươn lên hội nhập với sự phát triển chung được thể hiện tại Điều 5 Khoản 4 của Hiến pháp 2013: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Đây là nguyên tắc và là biểu hiện đặc trưng cơ bản trong chính sách dân tộc của Việt Nam và phù hợp với Khoản 4 Điều 1 Công ước CERD.

Pháp luật Việt Nam còn có những quy định cụ thể về cấm phân biệt đối xử tại Hiến pháp năm 2013 (Điều 16, 26, 35), khẳng định lập trường kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc. Những hành vi phân biệt chủng tộc hoặc hỗ trợ các hoạt động gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc.

Phụ nữ dân tộc Thái ở bản Pom Cại, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên tìm hiểu thông tin về chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Ảnh: Phương Liên

Phụ nữ dân tộc Thái ở bản Pom Cại, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên tìm hiểu thông tin về chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Ảnh: Phương Liên

Trong các giai đoạn lịch sử của cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn ưu tiên hỗ trợ các DTTS phát triển về mọi mặt. Nhờ đó, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào DTTS đã đạt được những thành tựu to lớn. Trước hết, bình đẳng về chính trị của các DTTS được thực hiện ngày càng hiệu quả. Từ năm 1946 đến nay, kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội nào cũng có đại diện của từ 28-32 dân tộc. Nếu như Khóa I mới chỉ có 10,2% đại biểu người DTTS thì Quốc hội Khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã có 89/499 đại biểu là người DTTS, chiếm tỷ lệ 17,84%, cao nhất trong các khóa và tiệm cận rất sát tới mục tiêu đảm bảo ít nhất 18% đại biểu Quốc hội là người DTTS. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ở cấp xã, về cơ bản đạt mục tiêu theo Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều tỉnh biên giới đạt cao trên 30% như: Cao Bằng 87,9%, Lạng Sơn 75,2%, Hà Giang 56%, Sơn La 53%, Điện Biên 46,4%, Lào Cai 37,5%...

Bên cạnh đó, những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã ưu tiên bố trí ngân sách để đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Giai đoạn 2016 - 2020 là 998 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, lần đầu tiên, Việt Nam có Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào vùng DTTS và miền núi, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, là quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao vị thế và đảm bảo quyền phát triển cho đồng bào DTTS. Giai đoạn này, Quốc hội phê duyệt chủ trương bố trí trên 137 nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình.

Dưới tác động của hệ thống chính sách dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hàng năm. Bình quân toàn vùng DTTS và miền núi giảm 4%/năm; các xã đặc biệt khó khăn giảm trên 4%/năm trở lên; các huyện nghèo giảm 5 - 6%/năm trở lên, trong khi cả nước tốc độ giảm chỉ là 2%/năm. Hơn 1,4 triệu hộ DTTS đang được thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi. Thông qua vốn tín dụng chính sách, đồng bào DTTS có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, giảm thất học và tệ nạn xã hội, thêm tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội. Mạng lưới y tế vùng DTTS và miền núi không ngừng phát triển. Đồng bào DTTS, phụ nữ, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Bệnh sốt rét, bướu cổ cơ bản được khống chế; tuổi thọ trung bình của 53 DTTS đạt 70,7 tuổi, tăng 0,8 tuổi so với năm 2015, tiến khá gần tới mức chung của cả nước (73,6 tuổi). Quy mô, mạng lưới trường, lớp vùng DTTS và miền núi được củng cố, phát triển từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học. Công tác phổ cập giáo dục là thành tựu nổi bật của Việt Nam được ghi nhận tại nhiều diễn đàn quốc tế. Chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS được thực hiện hiệu quả.

Trả lời phỏng vấn trên Đài Truyền hình Việt Nam, ông Surya Deva, báo cáo viên đặc biệt Liên hợp quốc về quyền phát triển nhận xét: “Rõ ràng có rất nhiều thay đổi trong đời sống người DTTS Việt Nam. Các cấp chính quyền cũng rất nhanh chóng trong việc khắc phục những vấn đề liên quan. Có rất nhiều chương trình, dự án để đảm bảo không một người DTTS nào bị bỏ lại phía sau”.

Tiếng nói của người có thẩm quyền thuộc cơ quan Liên hợp quốc cùng thành tựu thực hiện chính sách dân tộc đã khẳng định Việt Nam luôn tuân thủ các điều ước, công ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Chính vì vậy, Việt Nam mới có thể bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia lần thứ 5 về quyền của người DTTS trước Ủy ban Công ước CERD vào cuối năm ngoái. Việt Nam hiện đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên hợp quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách, những nỗ lực và thành tựu của nước ta trong đảm bảo quyền của người dân nói chung, người DTTS nói riêng trên mọi lĩnh vực.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/viet-nam-ton-trong-dam-bao-quyen-cua-nguoi-dan-toc-thieu-so-post485125.html