Việt Nam trong nhóm tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới
Với việc tăng tốc rất nhanh trong quá trình phục hồi sau khi kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, Việt Nam được giới kinh tế thế giới đánh giá là một trong 3 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu trong thập kỷ tới.
Việt Nam - nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng
Việt Nam nằm trong danh sách tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trên thế giới thời gian tới. Đó là nhận định của nhiều tờ báo quốc tế đưa ra trong tuần qua, theo đó Việt Nam sẽ nằm trong danh sách tăng trưởng kinh tế nhanh nhất đến năm 2030.
Phòng thí nghiệm tăng trưởng thuộc Đại học Harvard (Mỹ) mới đây đã công bố Báo cáo Chỉ số Phức tạp kinh tế (ECI) cho thấy, Việt Nam được dự báo sẽ nằm trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất đến năm 2030. Trong danh sách tăng trưởng nhanh này, ngoài Việt Nam còn có Trung Quốc, Uganda, Indonesia và Ấn Độ.
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Harvard, khi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giảm dần, tăng trưởng dài hạn được dự báo sẽ tập trung ở châu Á, Đông Âu và Đông Phi. Nghiên cứu cho thấy, các quốc gia đã đa dạng hóa sản xuất sang các lĩnh vực phức tạp hơn, như Việt Nam và Trung Quốc, là những quốc gia sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới.
Các nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm tăng trưởng đã công bố bảng xếp hạng quốc gia mới tính theo Chỉ số phức tạp kinh tế (ECI), đánh giá sự đa dạng và tinh vi về năng lực sản xuất thể hiện trong hàng hóa xuất khẩu của mỗi quốc gia. Bất chấp sự gián đoạn về thương mại do đại dịch, xếp hạng mức độ phức tạp kinh tế của các nước vẫn ổn định đáng kể.
Bảng xếp hạng ECI cho thấy, các quốc gia phức tạp kinh tế nhất trên thế giới được giữ ổn định, các vị trí đầu bảng theo thứ tự là Nhật Bản, Thụy Sĩ, Đức, Hàn Quốc và Singapore. Các quốc gia đáng chú ý khác là Anh (xếp thứ 10), Mỹ (12), Trung Quốc (16) và Italia (17). Những nền kinh tế đang phát triển đã đạt được những bước tiến lớn nhất trong việc cải thiện mức độ phức tạp, trong đó có Việt Nam (51), Campuchia (72), Lào (89) và Ethiopia (97).
Nhìn vào dự báo tăng trưởng đến năm 2030, 3 cực tăng trưởng đã được xác định. Một số nền kinh tế châu Á đã nắm giữ sự phức tạp kinh tế cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới, dẫn đầu là Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.
Đại học Harvard đánh giá, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng giai đoạn vừa qua. Theo đó, từ 2015-2020 nền kinh tế Việt Nam đã “tăng 12 bậc về tính đa dạng cũng như hiện đại hóa các năng lực sản xuất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu”. Cũng theo báo cáo của Đại học Harvard, từ vị trí 100 năm 2000, nền kinh tế Việt Nam đã lên đứng thứ 51 trong bảng xếp hạng vừa công bố. “Đây là một bước tiến lớn. Điều này một phần xuất phát từ việc cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đã đa dạng hơn nhiều” - Giáo sư David Dapice, chuyên gia Kinh tế cấp cao thuộc Chương trình Việt Nam và Myanmar của Đại học Harvard nhận định.
Nhờ “phát triển trên nền tảng vững chắc”, Việt Nam được dự báo “nằm trong danh sách các nước tăng trưởng kinh tế nhanh nhất đến năm 2030” - Đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ cũng như thế giới nhìn nhận. Báo cáo Chỉ số ECI của Đại học Harvard nêu rõ, Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới.
Nâng cao năng suất để duy trì tăng trưởng bền vững
Cùng với những đánh giá trên của Đại học Harvard, nhiều định chế tài chính và chuyên gia kinh tế thế giới những ngày qua cũng đưa ra những nhận định, dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Trong đó, mới nhất là báo cáo công bố ngày 8-8 của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng tới 7,5% trong cả năm 2022. Mức tăng trưởng này, theo WB, vượt xa mục tiêu 6-6,5% mà Chính phủ Việt Nam đề ra trước đó. WB cũng đồng thời dự báo, lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 ở mức 3,8%, thấp hơn so với mục tiêu 4%.
Dự báo mới của WB về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 được đưa ra trên cơ sở tăng trưởng GDP đạt mức khá cao 6,4% trong nửa đầu năm 2022, thời gian mà kinh tế Việt Nam vừa hồi phục sau đại dịch Covid-19, “Chúng tôi dự kiến tăng trưởng vẫn khả quan từ nay đến cuối năm cũng như trong năm 2023” - WB tại Việt Nam nhìn nhận.
Nhằm duy trì tăng trưởng trong dài hạn, WB đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của nâng cao năng suất lao động tại Việt Nam. Định chế tài chính hàng đầu thế giới này cho rằng, đổi mới hệ thống giáo dục đại học là chìa khóa để nâng cao năng suất của Việt Nam và giúp hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. “Để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm” - bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam, đánh giá.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo cập nhật đưa ra hồi cuối tháng 7 vừa qua cũng tiếp tục giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023 như đã từng được công bố trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4-2022, dù rằng hạ dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. ADB cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam sẽ tiếp tục được thúc đẩy nhờ việc mở rộng các hoạt động thương mại, sự phục hồi nhanh hơn và mạnh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo và tình hình đi lại trong nước cũng đã được thúc đẩy; cũng như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đang có chiều hướng được cải thiện.
Chia sẻ đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, trang thương mại tài chính toàn cầu (Trade Finance Global) của Anh mới đây cũng đã nêu ra 4 lý do giúp Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư hơn, đó là: chi phí lao động thấp hơn, tích hợp chuỗi cung ứng đơn giản hơn, tiếp cận thương mại tự do tốt hơn và sự ổn định chính trị. Ông Raymon Mallon, chuyên gia kinh tế Australia, đánh giá: “Kinh tế có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là ở lĩnh vực sản xuất, rồi cả trong các ngành dịch vụ chủ chốt và nông nghiệp. Một sự tăng trưởng trên diện rộng, ở nhiều ngành, điều đó rất là ấn tượng”.
Trong khi các tổ chức và chuyên gia kinh tế đánh giá kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thống kê 7 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố cũng cho thấy rõ hơn điều này. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 216 tỷ USD, tăng 16,1%; Cả nước có 133.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021; vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 11,6 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021…