Việt Nam trong tiến trình giải quyết các thách thức về nhân quyền trên toàn cầu

Trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, song song với việc tham gia nghiêm túc và trách nhiệm vào các cơ chế quốc tế về quyền con người, để hướng tới một mục tiêu duy nhất là bảo đảm quyền con người cho tất cả mọi người.

 Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Dưới đây là những đánh giá, nhận định của ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam với niềm tin và kỳ vọng vào sự đóng góp của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) Liên hiệp quốc (2023-2025).

An toàn và ấm no cho người dân

Ông Patrick Haverman đặc biệt ấn tượng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam nhằm đem lại cuộc sống ấm no và công bằng cho người dân, phản ánh rõ nét trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh dịch COVID-19, hai năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực để bảo đảm an toàn và an ninh cho người dân. Chính phủ Việt Nam đã trở thành một trong các nước đi đầu triển khai nhanh chóng vắc-xin COVID-19 cho toàn dân.

Cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam cũng đẩy mạnh ngoại giao vắc-xin hiệu quả, kịp thời đem về những liều vắc-xin quý giá, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Chương trình tiêm chủng tích cực đã nhanh chóng kéo theo một chiến dịch phục hồi kinh tế. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mở cửa biên giới và dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh. Đây được coi là chìa khóa trong việc kích hoạt lại các hoạt động kinh tế. Cho đến nay, điều kiện kinh tế đã được cải thiện đáng kể, xuất khẩu ngày càng phát triển và du lịch quốc tế đang quay trở lại.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2022 của Việt Nam tăng cao ở mức 8,02%, là mức tăng cao nhất các năm trong giai đoạn 2011-2022. Số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng. Lao động có việc làm trong năm 2022 ước tính đạt 50,6 triệu người, tăng 1.504,5 nghìn người so với cùng kỳ 2021; thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 992 nghìn đồng.

Tính đến ngày 30-11-2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 3,74 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ gần 5,3 triệu lượt lao động tại gần 123 nghìn doanh nghiệp. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 đạt hơn 3,66 triệu lượt người, cao gấp 23,3 lần so với năm 2021. Đây cũng là tin vui cho ngành dịch vụ và bán lẻ của Việt Nam.

Tuy nhiên, thách thức trong năm 2023 không đơn giản khi thế giới và Việt Nam bước vào thời kỳ hậu COVID-19: tình trạng nghèo đói gia tăng, đặc biệt là ở những người di cư, lao động tự do và lao động có kỹ năng thấp không đủ điều kiện nhận trợ cấp; khoảng cách bất bình đẳng gia tăng giữa nhóm thu nhập cao và nhóm thu nhập thấp. Để đối phó với điều này, Việt Nam đã triển khai hai gói hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội. Tuy nhiên, do các yêu cầu hành chính, sự hỗ trợ đôi khi đã không đến được kịp thời với những người có nhu cầu.

Suy thoái kinh tế toàn cầu đã có những tác động bước đầu đến Việt Nam. Tăng trưởng bền vững phải đối mặt với tác động của xung đột ở U-crai-na, lãi suất quốc tế tăng cao, bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu…

Do đó, ông Patrick Haverman đánh giá, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Trước các mối đe dọa khí hậu ngày càng tăng và các cam kết về việc đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần lập kế hoạch và tăng cường khả năng phục hồi trước những cú sốc trong tương lai. Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, Việt Nam cần tạo tiền đề thích hợp, bao gồm khả năng tiếp cận nguồn tài chính dài hạn trong nước cho phát triển, hiệu quả đầu tư công, xây dựng thể chế vững mạnh và đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu và phát triển.

Bên cạnh đó, ông Patrick Haverman cũng gợi ý Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Theo đó, thành công có thể xuất phát từ việc thử nghiệm ở cấp địa phương và cấp ngành, với sự chia sẻ bài học giữa các địa phương, tỉnh, sở và bộ ngành. “Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các đối tác phát triển để xây dựng một Việt Nam xanh, bao trùm và thịnh vượng”, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ.

Vững tin đảm nhiệm trọng trách quốc tế

Năm nay là một dấu mốc đặc biệt quan trọng khi Việt Nam bắt đầu đảm nhiệm vai trò thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Chúc mừng Việt Nam được bầu vào cơ quan quan trọng này, ông Patrick Haverman đồng thời nhấn mạnh tư cách thành viên của HĐNQ mang đến một trách nhiệm to lớn nhưng cũng là một cơ hội quan trọng để thể hiện những nỗ lực cụ thể trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

 Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ 2023-2025.

Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ 2023-2025.

Ngay sau khi Việt Nam trúng cử HĐNQ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khẳng định niềm tin vững vàng để thực hiện các trọng trách này. Theo đó, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên, đóng góp thực chất vào công việc chung của HĐNQ, thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quyền con người, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh…

Ngày 15-2 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Tại cuộc họp, Tổ công tác liên ngành đã hoàn thiện Quy chế hoạt động, Chương trình công tác và phân công trách nhiệm giữa các thành viên của Tổ công tác. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ xây dựng Kế hoạch tổng thể, trong đó phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan để tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin; cùng thúc đẩy các sáng kiến, đề xuất tạo dấu ấn của Việt Nam trên các lĩnh vực, vấn đề ưu tiên; triển khai đồng bộ công tác bảo đảm quyền con người và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thành viên của các Công ước quốc tế liên quan; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo và thông tin tuyên truyền để tạo hiệu ứng liên thông, lan tỏa, góp phần thực hiện tốt vai trò thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Qua đó có thể thấy sự nghiêm túc, trách nhiệm và triển khai bài bản, mục tiêu rõ ràng của Việt Nam ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ lần này tại HĐNQ.

Trong nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam sẽ thực hiện các nghĩa vụ báo cáo theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, cơ chế được đánh giá là một trong những thành tựu lớn nhất của HĐNQ. Bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào những cam kết Việt Nam đưa ra khi trúng cử HĐNQ, ông Patrick Haverman kỳ vọng Việt Nam sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của mình trong việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết quốc tế bằng cách bảo đảm sự tham gia thực chất của các bên liên quan, đặc biệt là các đoàn thể, tổ chức phi chính phủ và bằng cách tăng cường chấp nhận các khuyến nghị UPR và cam kết xây dựng lộ trình thực hiện các khuyến nghị nhận được.

Với tư cách là thành viên HĐNQ, Việt Nam cũng sẽ thực hiện nghĩa vụ báo cáo của mình theo các cơ quan công ước khác nhau của LHQ, như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) và Công ước chống tra tấn (CAT).

Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng cường công tác báo cáo theo các cơ chế chủ chốt này bằng cách theo dõi các nỗ lực quốc gia bằng dữ liệu và chỉ số, cũng như đẩy nhanh việc thực hiện các khuyến nghị do các cơ quan công ước này đưa ra. Đánh giá việc Việt Nam gần đây phê chuẩn Hiệp ước Marrakesh là một bước quan trọng để tiếp tục bảo vệ quyền của người khuyết tật, đại diện UNDP tin rằng bước tiếp theo là biến những nghĩa vụ pháp lý này thành hiện thực.

Phía UNDP cũng gợi ý trong khi thực hiện các cam kết quốc tế mới về nhân quyền, Việt Nam có thể xem xét phê chuẩn các công ước nhân quyền cốt lõi còn lại của LHQ, bao gồm Công ước quốc tế bảo vệ tất cả mọi người khỏi mất tích cưỡng bức, Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả người lao động di cư và thành viên gia đình của họ, hay Nghị định thư tùy chọn thứ hai của ICCPR... Việc Việt Nam phê chuẩn các công ước quan trọng này sẽ là một bằng chứng mạnh mẽ cho các cam kết nhân quyền của mình.

Trong các bản cam kết tự nguyện với tư cách là thành viên của HĐNQ, Việt Nam đã đặt ra các ưu tiên bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm bình đẳng giới, quyền con người trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Giờ đây, Việt Nam đã chính thức ngồi vào vị trí của HĐNQ, cộng đồng quốc tế và nhân dân Việt Nam sẽ trông chờ vào vai trò lãnh đạo tích cực của Việt Nam trong việc giải quyết các ưu tiên này, cả ở trong nước và trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không đơn độc trên chặng đường này, mà đồng hành với Việt Nam luôn có LHQ cùng các quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế, trong đó bao gồm UNDP.

Cam kết về sự đồng hành này, ông Patrick Haverman khẳng định: “UNDP muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên HĐNQ, duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người phổ quát cho tất cả mọi người ở Việt Nam và góp phần giải quyết các thách thức về nhân quyền trên toàn cầu”.

Với sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ trong cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tin tưởng rằng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại HĐNQ, chung tay với cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, mọi người dân và mọi quốc gia, dân tộc đều thụ hưởng thành quả phát triển và tiến bộ xã hội, không ai bị bỏ lại ở phía sau. Suy cho cùng, dù là Việt Nam nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội ở trong nước, hay đảm nhiệm trọng trách, thực hiện các cam kết về quyền con người ở quốc tế, âu cũng vì một đích đến chung là bảo đảm quyền con người cho tất cả mọi người.

Ngày 11-10-2022, trong cuộc bầu cử do Đại hội đồng LHQ tổ chức tại Niu Oóc, Việt Nam được các nước tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 cùng 14 nước khác. Là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho nhiệm kỳ này, Việt Nam đã thúc đẩy thông điệp ứng cử “Tôn trọng và Hiểu biết. Đối thoại và Hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người” được các nước hưởng ứng, ủng hộ.

DIỄM HẠNH - THU TRANG

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/viet-nam-trong-tien-trinh-giai-quyet-cac-thach-thuc-ve-nhan-quyen-tren-toan-cau-18790