Việt Nam xác lập mô hình tăng trưởng mới: chìa khóa nằm ở khoa học và đổi mới sáng tạo
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam không trì trệ nhưng cũng không bứt phá, không còn đói nghèo nhưng chưa giàu mạnh. Đây là dấu hiệu của bẫy thu nhập trung bình - tình trạng chung của hơn 100 quốc gia đang phát triển trên thế giới chưa thể vượt qua.
Đây là những nhìn nhận chung được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại diễn đàn “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2045” do Viện Kinh tế Việt Nam và thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức, sáng 15/7.
Dấu hiệu rơi vào bẫy thu nhập trung bình
Nhìn lại chặng đường gần 40 năm đổi mới của nền kinh tế Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng ban Ban Chính sách, Chiến lược T.Ư khẳng định, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện, vị thế và uy tín quốc gia trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Quang cảnh diễn đàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra những “điểm nghẽn” và hạn chế, như tốc độ đổi mới mô hình tăng trưởng chưa thực sự nhanh và mạnh mẽ như kỳ vọng; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, năng suất lao động dù cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách lớn so với các nước trong khu vực. Nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và lao động giá rẻ. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng chưa cao, và năng lực tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.
Đặc biệt, năng lực công nghệ nội sinh còn yếu, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế mới, công nghệ cao. “Những thách thức này đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ hơn, một tư duy mới và những giải pháp đột phá để tạo ra mô hình tăng trưởng thực sự hiệu quả và bền vững cho tương lai” - PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn nêu quan điểm.
Cùng chung nhận định, TS Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chỉ ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam không trì trệ nhưng cũng không bứt phá, không còn đói nghèo nhưng chưa giàu mạnh. Đây là dấu hiệu của bẫy thu nhập trung bình, tình trạng chung của hơn 100 quốc gia đang phát triển trên thế giới chưa thể vượt qua.
Một hạn chế nữa trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam được TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới chỉ ra, đó là kinh tế Việt Nam đang chủ yếu tăng trưởng dựa vào tăng vốn đầu tư, giá nhân công rẻ và thuê mặt bằng kinh doanh; bước đầu chuyển sang tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào bên ngoài (nhập khẩu chủ yếu từ đầu vào sản xuất công nghiệp đến nông nghiệp) dẫn đến công nghiệp phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nước ngoài, nhất là Mỹ. Chính vì vậy, Việt Nam hiện nay đang có những cải tổ, cải cách nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ, bộ máy Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân… Những chính sách này góp phần thúc đẩy những lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu kém, bị kìm hãm.
Phát triển dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số, phấn đấu trở thành nền kinh tế nổi bật trong khu vực, giai đoạn 2025–2030 được Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII) xác định là thời kỳ then chốt. Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo rõ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phụ thuộc vào vốn, năng suất, lao động giá rẻ sang dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Việt Nam xác định kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột trong Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia đến 2025, tầm nhìn 2030. Đề cập vấn đề này, GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thuận lợi đối với phát triển kinh tế số ở Việt Nam đang có, chính là sự ổn định chính trị với thế hệ dân số vàng có kỹ năng số, cùng đó là các DN công nghệ nội địa dẫn dắt Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng như hợp tác quốc tế mở rộng.
Tuy nhiên, khó khăn đối với phát triển kinh tế số ở Việt Nam chính là các yếu tố như khoảng cách số, vướng mắc về thể chế, pháp lý chưa đồng bộ trong khi trình độ, kỹ năng số và nhận thức của các DN còn thấp dẫn đến quá trình đầu tư R&D thấp nên phụ thuộc nhiều vào các nền tảng nước ngoài.
Định hướng và giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam, GS.TS Trần Thọ Đạt đề nghị cần hoàn thiện thể chế và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số. Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ và an toàn cũng như tập trung phát triển nguồn nhân lực số và kỹ năng số cho toàn dân. Đặc biệt, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái công nghệ số nội địa, từ đó thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng và đảm bảo tiếp cận bình đẳng kinh tế số.
Gợi mở mô hình tăng trưởng phù hợp cho Việt Nam, TS. Lê Xuân Sang Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới khuyến nghị, trong khoảng 5 năm tới, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh và tăng hiệu quả chuyển đầu tư từ lượng sang chất, nhất là cho DN nhỏ và vừa, xây dựng và ban hành, chỉnh sửa hệ thống động lực mới để bổ sung cho những khuyết điểm, đồng thời triển khai các giải pháp khác để tăng chất lượng thể chế. Trong đó tập trung phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và các giải pháp liên quan khác, từng bước tiến dần vào ngưỡng thu nhập cao; tính đến những bất trắc mới, nhất là bất ổn vĩ mô
Còn theo TS. Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam đề xuất, Việt Nam cần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội cho phát triển các thành phần kinh tế. Cụ thể là cần nhận diện và quản lý ảnh hưởng của DN lớn lên chính sách. Chính phủ cần thực hiện các chương trình hỗ trợ DN theo kết quả đạt được, tập trung vào nghiên cứu phát triển, không phân biệt loại hình DN.