Viết tiếp câu chuyện nàng Sa Rết…
Ngày 10/2 (âm lịch) năm nay đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày hy sinh của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Neáng Nghés, người con gái Khmer kiên trung, niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer vùng Bảy Núi.. Chị đã ra đi ở tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết, nhưng câu chuyện hào hùng của chị vẫn được viết tiếp…
Khu mộ chị Neáng Nghés trở thành điểm sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer
Vùng đất cách mạng
Ngày nay, trên cánh đồng gò Xóp Khmóch, đối diện chùa Xre Bưng (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn), khu mộ liệt sĩ Neáng Nghés khá nổi bật. Ngoài phần mộ chính được xây dựng trang trọng, xung quanh lát đá granit, khuôn viên khu mộ được thiết kế như một công viên nhỏ, có cây xanh, ghế đá để đồng bào DTTS trong vùng đến sinh hoạt, nghỉ ngơi. Đây là địa chỉ đỏ, là niềm tự hào của đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi.
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Tri Tôn, chị Neáng Nghés sinh ngày 1/1/1942 tại xã Ô Lâm. Cha mẹ mất sớm, 2 anh em chị được ông bà nội nuôi dưỡng. Sống trong vùng đất có nhiều cơ sở cách mạng, chị sớm bộc lộ ý chí yêu nước. Đầu năm 1960, khi mới 18 tuổi, chị đã tham gia làm giao liên, tiếp tế lúa gạo, thuốc men cho du kích, rồi tham gia Ban Chấp hành Hội Phụ nữ giải phóng xã Ô Lâm. Mùa khô, chị để đồ tiếp tế trong thùng phân bò gánh đi bón ruộng. Mùa nước, thực phẩm, thuốc men được để trong cái “cà om”, giả đi giăng câu để qua mắt địch.
Thời điểm này, ngụy quyền đẩy mạnh xây dựng lực lượng, gia tăng quân số nhằm đối phó lực lượng cách mạng. Đầu năm 1962, ngoài lực lượng dân vệ, thanh niên chiến đấu vũ trang, địch còn tăng cường cho Tri Tôn 3 đại đội lính bảo an, đóng ở các xã Ô Lâm, Lê Trì, Cô Tô, Lương Phi và Châu Lăng; tăng cường thêm 2 đại đội biệt động quân đóng ở khu vực đồng tràm Lương An Trà, đồn Lò Gạch và các đồn ở Ba Chúc để hành quân càn quét, hỗ trợ cho việc xây dựng ấp chiến lược.
Người con gái kiên trung
Bằng những thủ đoạn gom dân tàn bạo, địch đã lấn chiếm hầu hết vùng giải phóng có dân ở các xã: Ô Lâm, An Tức, Lương Phi và Lê Trì. Nhiều cán bộ, đảng viên không bám được dân phải trở ra căn cứ. Các cơ quan của Tỉnh ủy lúc này cũng dời từ đồng tràm Lương An Trà về núi Dài (Ô Tà Sóc) hoạt động. Song song đó, chỉ đạo các địa phương tập trung chống phá địch lập ấp chiến lược bằng cả 3 lực lượng, quân sự, chính trị và binh vận.
Tháng 3/1962, Huyện ủy Tri Tôn phát động cuộc đấu tranh lớn có hàng ngàn quần chúng xã Núi Tô, Ô Lâm tham gia, có cả sư sãi, à cha kéo vào quận lỵ Tri Tôn đấu tranh chống địch bắn phá, dỡ nhà, gom dân. Đoàn biểu tình của xã Ô Lâm do chị Neáng Nghés tổ chức và lãnh đạo nhân dân kéo tới dinh Quận trưởng Tri Tôn. Với khí phách hiên ngang, khẳng khái, chị Neáng Nghés đã dùng những lời lẽ sắc bén mà chân thành, có tình, có lý, được quần chúng và cả binh sĩ của địch hưởng ứng, đồng tình, khiến tên Quận trưởng lúng túng, buộc lòng hứa hẹn cho qua. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi, chị Neáng Nghés được quần chúng thêm tin yêu, còn kẻ thù càng căm tức, quyết kết tội chị cho bằng được.
Ngày 13/3/1962, trên đường đi công tác về, Neáng Nghés bị địch bắt về đồn Tha La Phăng Xây, giam giữ trong cái “lồng kẽm” (còn gọi là “chuồng cọp”). Bị tra tấn, đánh đập hay dụ dỗ cách nào chị vẫn không khai. Để uy hiếp tinh thần bà con Ô Lâm, chúng lê thân xác chị đi khắp xã, chỉ nhà nào theo Việt cộng. Tuy nhiên, chị bước đi mà mắt nhìn thẳng phía trước, không nhìn vào nhà ai. Không khuất phục được chị, địch liền lôi chị ra sau đồng phum Chông-Khsách, ép đồng bào ra chứng kiến cuộc xử bắn chị vào rạng sáng 15/3/1962 (10/2 âm lịch). Tên đồn trưởng hỏi chị: “Trước khi chết, mày muốn nói gì không?”. Chị đáp: “Tao không sợ chết, tao chết nhưng đồng chí tao còn, nhất định sẽ tiêu diệt bọn bây…”.
Nguồn cảm hứng bất tận
Chị Neáng Nghés hy sinh khi mới 20 tuổi, lứa tuổi thanh niên đang tràn đầy sức sống. Chị nằm xuống, nhưng khí tiết cách mạng vẫn hiên ngang, càng làm sôi sục thêm ý chí căm thù bọn ác ôn của đồng bào DTTS Khmer. Cảm phục chị, ông Chau Sek và Chau Yết đã dùng tầm vông và đệm bàng làm chiếc cáng, lén bọc thi thể chị mang ra gò Xóp Khmóch, đối diện chùa Xre Bưng chôn cất. Huyện ủy Tri Tôn đã tổ chức lễ truy điệu Neáng Nghés trọng thể. Bí thư Huyện ủy tuyên dương công trạng và phát động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân huyện Tri Tôn học tập tấm gương hy sinh cao cả, oanh liệt của chị, tuyên bố công nhận Neáng Nghés là đảng viên chính thức của Đảng.
Ngày 25/3/2005, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Neáng Nghés. Ngày 27/7/2011, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp UBND huyện Tri Tôn tổ chức lễ khánh thành công trình tôn tạo khu mộ liệt sĩ Neáng Nghés. Năm 2020, UBND huyện Tri Tôn đã mở rộng khuôn viên, tôn tạo khu mộ khang trang như hôm nay.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, là người nữ DTTS Khmer đầu tiên của An Giang được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chị Neáng Nghés là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa dân tộc Kinh - Khmer. “Tên tuổi và tấm gương chiến đấu hy sinh của chị Neáng Nghés sẽ còn mãi với quê hương Tri Tôn và sống mãi trong lòng mỗi chúng ta” - ông Giang nhấn mạnh.
Vừa qua, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Tri Tôn đã long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày hy sinh của nữ anh hùng Neáng Nghés (10/2 âm lịch). Câu chuyện về tấm gương oai hùng của chị vẫn được ghi nhớ và viết tiếp…
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/viet-tiep-cau-chuyen-nang-sa-ret--a329049.html