Viết tiếp hành trình cho di sản ở địa phương có cộng đồng người Chăm lớn nhất nước
Sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa trở thành địa phương có cộng đồng người Chăm, người Raglai lớn nhất cả nước. Địa phương đã và đang nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa những di sản văn hóa truyền thống, từng bước đưa di sản đến gần hơn với cộng đồng, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng của địa phương.

Điệu múa của các thiếu nữ Chăm
Hai di sản - một chiều sâu văn hóa
Tối 10/7, Lễ công bố và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức khai thác, chế biến trầm hương Khánh Hòa diễn ra tại di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar (phường Bắc Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Đây không chỉ là một dấu mốc quan trọng, khẳng định sự trân trọng và vinh danh dành cho hai di sản văn hóa đã gắn bó với đời sống nhân dân địa phương lâu đời, mà còn trở thành niềm tự hào của Khánh Hòa, từ đó lan tỏa hình ảnh một vùng đất tươi đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa đến bạn bè trong và ngoài nước.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết: "Tôi đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian đến tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh về các nội dung, giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả hơn nữa các giá trị văn hóa tiêu biểu".
Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar tọa lạc trên đồi Cù Lao thuộc phường Bắc Nha Trang, được đồng bào Chăm xây dựng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XIII để thờ nữ thần Pô Inư Nagar (hay còn gọi Pô Nagar).

Lễ công bố và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức khai thác, chế biến trầm hương Khánh Hòa.
Đến năm 1653, từ sự cộng cư, hòa cư của người Việt và người Chăm đã hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở của người Chăm với tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Việt nên tại Tháp Bà Pô Nagar còn được thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Tháp Bà Pô Nagar là một quần thể kiến trúc gồm: Tháp cổng, Mandapa và khu đền tháp. Trải qua nhiều biến động lịch sử, hiện nay khu di tích còn lại 5 công trình kiến trúc ở hai mặt bằng là Mandapa và khu đền tháp.
Khu vực Mandapa có 4 hàng cột lớn hình bát giác, xây bằng gạch nung, bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ. Khu đền tháp còn 4 tháp: Tháp Đông Bắc hay còn gọi là tháp chính, cao 23m, bên trong tháp đặt tượng thờ Nữ thần Pô Nagar; tháp Nam cao 18m, thờ thần Shiva, còn theo truyền thuyết của người Việt thì tháp thờ Nữ thần Pô Nagar; tháp Nam cao 18m, thờ thần Shiva, còn theo truyền thuyết của người Việt thì tháp thờ chồng của Thiên Y A Na Thánh Mẫu nên gọi là tháp Ông; tháp Đông Nam cao 7,1m, thờ thần Skandha con thần Shiva, còn theo truyền thuyết của người Việt, tháp thờ ông bà Tiều là cha mẹ nuôi của Thiên Y A Na Thánh Mẫu; tháp Tây Bắc cao 9m, là ngôi tháp duy nhất còn khá nguyên vẹn về kiến trúc và trang trí, tháp thờ thần Ganesha, còn theo truyền thuyết của người Việt thì tháp thờ Cô, Cậu (con của Thiên Y A Na Thánh Mẫu).

Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar
Song hành cùng đó, từ xa xưa, Khánh Hòa đã được mệnh danh là "Xứ trầm, biển yến", nói lên giá trị, chất lượng của hai đặc sản quý hiếm gắn bó với vùng đất này. Chính nhờ giá trị ấy, tri thức dân gian trong khai thác và chế biến trầm hương Khánh Hòa đã được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhiều người dân Khánh Hòa chia sẻ niềm vui và tự hào khi Tháp Bà chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Với họ, đó không chỉ là ngọn tháp cổ linh thiêng, mà còn là nơi người dân gửi gắm niềm tin vào thần linh phù hộ. "Nghe tin di tích được xếp hạng đặc biệt, tôi thấy vui lắm. Không chỉ người trong tỉnh, mà cả nước sẽ biết đến Tháp Bà nhiều hơn. Vui vì di sản của xứ Trầm được quan tâm và gìn giữ", chị Khánh Nguyên (phường Bắc Nha Trang) bày tỏ.
Điệu múa ru hồn di sản
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa Chăm nói chung và múa Chăm nói riêng, từ nhiều năm qua, Trung tâm đã chủ động phối hợp trong việc tuyển chọn các thiếu nữ Chăm đưa vào đội múa. Các thiếu nữ trong đội múa Chăm thường có độ tuổi từ 18 đến 22 tuổi, cứ sau vài năm lại có một số thành viên lập gia đình nên sẽ phải thành lập đội mới và tập luyện từ đầu. Những thiếu nữ này đều được hướng dẫn, luyện tập nhuần nhuyễn các điệu múa Chăm truyền thống trước khi biểu diễn tới du khách.
Việc này nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa Chăm, góp phần giới thiệu múa Chăm với du khách trong và ngoài nước.
Có lẽ điều thu hút nhất khi đến di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô nagar là lúc ánh nắng vàng rực rỡ trải dài trên ngọn tháp cổ. Dưới chân tháp, trong tiếng trống Ghinăng và điệu kèn Sranai vui tươi, là hình ảnh các thiếu nữ Chăm chân trần đang múa uyển chuyển, khiến lòng người càng say đắm hơn.

Lễ công bố và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức khai thác, chế biến trầm hương Khánh Hòa.
Nhiều năm nay, địa phương đã không ngừng quan tâm, đầu tư và nguồn lực để gìn giữ, tôn vinh giá trị di sản.
Và muốn điệu múa Chăm tiếp tục được tỏa sáng, cần thêm chính sách đồng hành, sự khích lệ, tiếp thêm niềm tin cho nghệ nhân, nhất là lớp trẻ và thiếu nữ Chăm - những người đang tiếp nối điệu múa truyền thống. Vì chính họ là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, giúp vũ điệu Chăm còn mãi vang lên trên nền gạch cổ, lan tỏa hồn dân tộc cho thế hệ mai sau.
Ngày 17/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 152 về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 17, năm 2025) đối với 5 di tích trên địa bàn toàn quốc. Trong đó, có di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Pô Nagar thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 3/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Tri thức khai thác, chế biến trầm hương Khánh Hòa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.