Viết tiếp truyền thống

Những năm gần đây, nhiều hoạt động tìm hiểu, ứng dụng, đưa các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống đến gần công chúng được các bạn trẻ thực hiện với tâm sức và lòng nhiệt thành. Di sản dân tộc nhờ vậy đang từng bước hồi sinh, tỏa sáng trong đời sống đương đại.

Tấm lòng hướng về cội nguồn

Một chú cá đang nhởn nhơ bơi lội trong làn nước thì từ xa, một chú cá khác bơi đến và hỏi “Nước hôm nay thế nào?”. Chú cá kia liền hỏi lại “Nước là cái gì?”. Như những chú cá quen bơi nhưng ít thắc mắc về nước, chúng ta cũng có những khi xa lạ với “văn hóa” - “nước” mà chúng ta sống trong đó. Đó là lý do Cultura Fish - Hiếu Văn Ngư ra đời. Điều phối dự án Lục Phạm Quỳnh Nhi cho biết Hiếu Văn Ngư ở đây hiểu đơn giản là con cá ham hóng chuyện, ham tìm hiểu về văn hóa. Con cá nhỏ đang bơi trong nước nhưng ngày nào đó sẽ ra biển lớn. Con cá có tính động, thể hiện khát vọng của nhóm là người Việt Nam nên hiểu rõ văn hóa Việt Nam để có thể tự tin đi ra thế giới.

Giao diện website lưu trữ, giới thiệu văn hóa truyền thống của Trường Ca Kịch Viện

Giao diện website lưu trữ, giới thiệu văn hóa truyền thống của Trường Ca Kịch Viện

Bắt đầu từ năm 2020, Hiếu Văn Ngư làm việc với di sản hát bội, các bài ca dao, dân ca… bóc tách cái đẹp để dẫn lối đưa đường cho những ai muốn tìm hiểu. Lựa chọn tìm về truyền thống của nhóm bạn trẻ với tấm lòng hướng về cội nguồn, hướng về giá trị của di sản Việt trước nguy cơ mai một theo thời gian. “Hành trình ấy là vì di sản. Cứ nghĩ nếu mình hoặc các bạn cùng trang lứa, người Việt nói chung mà không biết đến những điều đó thì thật đáng tiếc. Nhưng hành trình ấy cũng là làm cho mình, bởi lẽ, càng tiếp xúc với giá trị cổ truyền, chúng mình càng thấy hay, thấy quý. Tiếp xúc với giá trị cổ truyền, chúng mình nhận ra giờ đây đi tới đâu cũng thích nhặt nhạnh các chất liệu văn hóa, hoặc khi được nói chuyện về văn hóa, về truyền thống, gương mặt sẽ sáng bừng lên… Nhờ hướng về cội nguồn, chúng mình đã biết rằng đâu là cái mình thích trong đời”, Lục Phạm Quỳnh Nhi chia sẻ.

Đưa con thuyền trở về bến xưa, chạm vào vốn quý ngàn đời của dân tộc, để lắng lại và thu lượm lớp phù sa trù phú của ông cha. Đấy là cách mà Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương bền bỉ thực hiện. Từ hơn 10 năm trước, thời điểm ở Việt Nam đang bùng nổ loại hình giải trí như Kpop, nhạc thần tượng… nhóm bạn trẻ chọn lối tìm về, kết nối với các nghệ nhân, đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống để tạo ra một sân chơi cho cộng đồng không chuyên. Bắt đầu từ sân khấu chèo rồi mở rộng ra các loại hình khác như tuồng, xẩm, quan họ… với niềm tin và khẳng định nghệ thuật cổ truyền chưa bao giờ bị lãng quên.

“Có một thời, người ta coi nghệ thuật truyền thống là thứ dân gian xưa cũ, cho rằng thời gian qua đi nó sẽ không còn nữa. Những gì chúng tôi làm là để ngày càng nhiều bạn trẻ đón nhận và tham gia lớp học nghệ thuật truyền thống, để được “chèo” về lối xưa, để cùng sống trong lòng di sản, hiểu và thêm yêu di sản”, Chủ nhiệm Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

“Tìm lại những điều xưa cũ” cũng là khao khát của chàng trai thế hệ 9X Nguyễn Đức Lộc khi chọn hướng phục dựng và đưa cổ phục Việt đến với đời sống đương đại. Thương hiệu cổ phục Ỷ Vân Hiên ra đời năm 2018, mang theo bao khát khao, hoài bão cháy bỏng của tuổi trẻ với thông điệp dựa vào truyền thống để tự tin đi đến tương lai. Nguyễn Đức Lộc tâm sự lựa chọn quay về quá khứ không phải tâm tư hoài cổ, mà trong xã hội ngày nay là một thử thách vô cùng khó khăn nhưng đầy thú vị, ý nghĩa.

“Ỷ Vân Hiên mong muốn giữ được những giá trị cốt lõi - những nét đẹp đặc trưng của văn hóa Việt trên con đường hội nhập văn hóa toàn cầu. Chúng tôi tin rằng hiểu được quá khứ mới hiểu được hiện tại, xa hơn là tìm thấy hướng đi ở tương lai”, Nguyễn Đức Lộc nói.

Nhiệt thành sáng tạo và truyền cảm hứng

Tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… các bạn trẻ say sưa thực hiện dự án văn hóa truyền thống. Với tư duy hiện đại, họ tiếp cận vốn cổ theo nhiều cách khác nhau, từ đó mở ra các chiều hướng mới trong bảo tồn, khai thác, phát huy và phát triển giá trị cổ truyền vào thực tiễn đời sống. Một số nhóm như Trường làng trong phố đưa hoạt động của các làng nghề thủ công vào trung tâm Hà Nội, để công chúng có điều kiện trải nghiệm, tìm hiểu, nối gần khoảng cách với các làng nghề truyền thống; Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương chú trọng giữ gìn yếu tố gốc, chỉ xê dịch bối cảnh để di sản được lan tỏa tới nhiều đối tượng ở các địa điểm khác nhau; hay Hiếu Văn Ngư tìm cách để diễn giải nghệ thuật truyền thống bằng ngôn ngữ dễ hiểu, dễ tiếp cận…

Các bạn nhỏ đang học dân ca trong một lớp học về văn hóa Nam Bộ do Hiếu Văn Ngư tổ chức. Ảnh: HVN

Các bạn nhỏ đang học dân ca trong một lớp học về văn hóa Nam Bộ do Hiếu Văn Ngư tổ chức. Ảnh: HVN

Một số nhóm bạn trẻ khác lại chọn con đường làm mới trên nền cổ hoặc thổi vào truyền thống luồng gió mới đến từ nhiệt huyết sáng tạo cùng sự năng động thích ứng với thời cuộc. Như dự án Trường ca kịch viện là tâm huyết của các bạn học sinh trung học phổ thông, sinh viên các trường đại học, nhằm tạo ra một “bảo tàng” online lưu trữ những thông tin giá trị và đáng tin cậy về các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc, về lịch sử, văn hóa ẩm thực nước nhà. Họa sắc Việt cũng là dự án mà các bạn trẻ lưu giữ văn hóa truyền thống bằng hình thức số hóa. Bằng kỹ thuật đồ họa, các thiết kế trẻ đã lưu trữ những nét đẹp của tranh Hàng Trống, đồng thời mở ra nguồn tư liệu ứng dụng màu và họa tiết của dòng tranh này lên các sản phẩm khác như đồ họa, thời trang, thủ công mỹ nghệ…

Có thể thấy, điểm chung của các dự án tìm về văn hóa truyền thống của người trẻ là đề cao tính trải nghiệm và thực hành đi đôi với sáng tạo. Cùng là di sản, cũng trên nền văn hóa ấy nhưng một không gian mới được mở ra, khuyến khích tinh thần dám thử và thử cái mới. Với cách thức này, các nhóm bạn trẻ đã thu hút được ngày càng nhiều đối tượng vào việc tìm hiểu, yêu thích, gìn giữ tinh hoa của truyền thống một cách tự nhiên. Thực tế, nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật qua bàn tay, tài trí của người trẻ đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng không chỉ ở trong nước, đồng thời trở thành chất liệu để phát triển, bồi đắp, làm giàu vốn văn hóa đương đại.

Đi tìm cách làm bền vững giúp nối dài sức sống của di sản, nhiều người tự hỏi điều gì kéo người trẻ trở về với những giá trị được sản sinh từ quá khứ? Điều gì thôi thúc người trẻ trong thời đại hội nhập tự buộc mình vào sợi dây truyền thống, miệt mài vun đắp, kéo giá trị văn hóa cùng đồng hành, tiến về phía trước, đến nhiều hơn với cộng đồng? Có lẽ, vì sức hấp dẫn của văn hóa Việt Nam đương đại nằm ở phần sâu thẳm của nó chính là bản sắc, là giá trị được kết tinh từ quá khứ, kết nối với hiện tại và tương lai. Như lời của điều phối dự án Hiếu Văn Ngư Lục Phạm Quỳnh Nhi, chính vì thế hệ ông cha đã dày công tạo dựng, không ai khác ngoài người trẻ hôm nay phải có trách nhiệm để văn hóa truyền thống được dung dưỡng, lan tỏa, để tinh hoa văn hóa, nghệ thuật truyền thống ngày càng phát triển tiếp nối về sau.

“Từ tình yêu đối với truyền thống, chúng tôi có niềm tin rất lớn vào công việc mình đang làm. Đó cũng là cách người trẻ tạo cho mình tấm hộ chiếu văn hóa để du hành thời gian và làm sống dậy những giá trị xưa cũ mà tinh tế của cha ông. Đó cũng là cách chúng tôi định vị chính mình khi đứng trước các dòng văn hóa mạnh mẽ đang chảy vào từ bên ngoài”, Lục Phạm Quỳnh Nhi nói.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/viet-tiep-truyen-thong-i341735/