Việt Yên - Đô thị của người quan họ

Việt Yên (Bắc Giang) - Vùng đất quan họ cổ bên bờ Bắc sông Cầu sau bao cuộc bể dâu, đến nay đã 'chuyển mình' chuẩn bị cho hành trang lên thị xã. Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân ca quan họ, trong Đồ án quy hoạch chung đô thị, huyện Việt Yên xác định vùng bảo tồn kiến trúc di tích, không gian văn hóa, trong đó có quan họ với hệ thống nhà truyền thống, nhà chứa… mang đậm nét tinh hoa Kinh Bắc xưa.

Liền anh, liền chị “mớ ba, mớ bảy” đối đáp giao duyên trên Sông Cầu.

Liền anh, liền chị “mớ ba, mớ bảy” đối đáp giao duyên trên Sông Cầu.

Quan họ Bắc sông Cầu, mạch nguồn chảy siết

Một chiều xuân nắng vàng phai, men theo triền đê bờ Bắc sông Cầu thơ mộng, tôi tìm về làng quan họ cổ Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, nơi được UNESCO vinh danh thuộc 49 làng quan họ cổ vùng Kinh Bắc xưa. Nhờ có nông thôn mới, con đường vào làng Thổ Hà hôm nay đã khang trang nhưng vẫn giữ vẹn nguyên những nét đặc trưng của miền quê Bắc bộ với cây đa, quán nước, các cụ già ngồi miết mải về những chuyện cũ đã qua…

Cổng làng Thổ Hà với niên đại hàng trăm năm mang nét đẹp đặc trưng của văn hóa, kiến trúc Bắc bộ.

Cổng làng Thổ Hà với niên đại hàng trăm năm mang nét đẹp đặc trưng của văn hóa, kiến trúc Bắc bộ.

Chưa hết choáng ngợp bởi nét kiến trúc cổ thuộc dạng “ độc nhất vô nhị” của một trong những ngôi làng cổ đẹp nhất nhì Bắc bộ, tôi đã bị “cuốn” bởi giọng ca ngọt như mía lùi:

“Thuyền tôi xuôi ngược

í ơ.. ơ dòng sông í ơ…Cầu

Chị rằng hai ơi

Tôi là con giai

thì sông i... Cầu…”

Hỏi ra mới biết đó là nghệ nhân Nguyễn Phú Hiệp, Chủ nhiệm CLB quan họ Thổ Hà, thì ra anh đang “luyện giọng” để chuẩn bị biểu diễn cho một trong những sự kiện quan trọng nhất quê nhà, đó là Lễ công bố thành lập thị xã Việt Yên.

Mời chúng tôi uống chén trà, anh Hiệp không quên giới thiệu: “Đây là một câu trong bài quan họ cổ “Xuôi ngược sông Cầu”. Thời điểm năm 2007, khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các ngành triển khai chương trình nghiên cứu, tôi là người cùng các anh em đã đứng ra bảo vệ căn cứ quan họ cổ của làng. Với 200 câu quan họ cổ cùng nhiều gốc tích, bia đá, đây là những bằng chứng quan trọng để UNESCO ghi danh Thổ Hà thuộc 49 làng quan họ Kinh Bắc”.

“Chả biết tự bao giờ, quan họ đã ăn vào máu. Nó giống như cái nghiệp, không phải tôi chọn quan họ, mà là quan họ đã chọn tôi”, anh Hiệp nói.

Anh kể, năm 1984 sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, thấy lực lượng thanh niên đông, ngoài công việc làm những nghề truyền thống, anh em không có sân chơi văn hóa, văn nghệ, anh nảy ra ý tưởng thành lập CLB văn thể. Nhưng mãi đến năm 1989, anh Hiệp mới “đủ duyên” thực hành nó, lúc ấy gọi là đội quan họ. Đến năm 2007, quy định bắt buộc các đội văn nghệ phải trở thành CLB để có đủ cơ sở pháp lý hoạt động và cái tên CLB quan họ Thổ Hà ra đời từ đó. Hiện CLB của anh có khoảng trên 30 người, lớn tuổi đã trên 70, còn nhỏ là sinh viên và các cháu thiếu nhi. Nhiều thành viên trẻ trưởng thành từ CLB đã lấy đó “làm vốn” đi tham dự những cuộc thi lớn mang tầm cỡ quốc tế như ở Liên hoan nghệ thuật châu Á – Thái Bình Dương và đạt giải thưởng cao.

Các cụ già làng Thổ Hà thảnh thơi, ngồi chơi quan họ bên triền đê sông Cầu.

Các cụ già làng Thổ Hà thảnh thơi, ngồi chơi quan họ bên triền đê sông Cầu.

“Quan họ làng Thổ Hà bao đời nay vẫn như mạch nguồn chảy siết, thế hệ tiếp nối thế hệ, đây chính là tài sản và cũng là “hồn”, “cốt” của dân làng Thổ Hà chúng tôi”, anh Hiệp chia sẻ.

Cũng vì quá say mê với quan họ, sau nhiều năm ấp ủ, tìm tòi, năm 2022 cùng với nhà nghiên cứu văn hóa quan họ Nguyễn Trọng Hải, anh Hiệp đã hoàn thiện 400 bài đối đáp trao tặng cho UBND huyện Việt Yên, đây là thứ tài sản vô giá mà anh cùng những nghệ nhân quan họ luôn tự hào.

Kể về cách hát quan họ, anh Hiệp bảo: “Bọn quan họ” chúng tôi không nói là hát quan họ mà phải là chơi quan họ, mà đã chơi là phải có đôi”. Ấy vậy mới có câu: “Yêu nhau trở lại xuân đình/Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường”.

“Nói về chơi quan họ thì người chơi phải biết được nhiều câu, tức “vốn” phải “dày”, bởi đến khi đấu với “bọn quan họ” khác, nếu anh không biết nhiều để đối lại thì là anh thua”, anh Hiệp nói.

Anh cũng chia sẻ, cái “sâu” của quan họ là khi ca, các liền anh bao giờ cũng phải mời các liền chị ca trước. Đó là cách cư xử rất tế nhị và văn minh. Trong khi, một số nước thế giới phấn đấu đạt bình đẳng giới thì người quan họ đã đạt được điều đó cách đây cả trăm năm.

Một lần chơi quan họ của nghệ nhân Nguyễn Phú Hiệp.

Một lần chơi quan họ của nghệ nhân Nguyễn Phú Hiệp.

Yêu quan họ, “đắm” mình vào quan họ, là người “được lựa chọn”, anh Hiệp trở thành một trong những người “truyền lửa” giống như nghệ nhân Nguyễn Thị Nạp, ở làng Hữu Nghi, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên.

Chung dải đất Bắc sông Cầu, gia đình bà Nạp có 4 đời hát quan họ, dù ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng giọng ca của bà vẫn rất khỏe và vang.

Bà kể, tình yêu quan họ “ngấm” trong bà từ thuở còn nằm nôi. Chính những lời ru của mẹ đã nuôi nấng tâm hồn và đưa bà trở thành một trong những nghệ nhân nức tiếng Kinh Bắc ngày nay. Mẹ bà chính là cụ Nguyễn Thị Toàn, một người cũng rất mê hát quan họ thuở xưa.

Lớn lên, bà Nạp tham gia nhiều cuộc “chơi quan họ” nhưng không quên tìm tòi, học hỏi để giữ được phong thái và có cách chơi riêng. Năm 2023, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Gần 80 tuổi, bà Nguyễn Thị Nạp vẫn mê “chơi quan họ” (ảnh: TL).

Gần 80 tuổi, bà Nguyễn Thị Nạp vẫn mê “chơi quan họ” (ảnh: TL).

“Gần 80 tuổi rồi, không còn “sung” như xưa nhưng về độ “chín”, độ vang, rền, nền nẩy thì vẫn được gọi là “sư phụ”, bà Nạp nói với nụ cười sang sảng. Để bảo tồn, phát triển niềm đam mê quan họ, hiện bà Nạp cùng nhiều nghệ nhân trong làng đã truyền dạy hát quan họ cho học sinh, người dân và con cháu trong các thôn, xã.

“Chúng tôi cũng “ẵm” nhiều giải lớn tại các hội diễn, liên hoan, canh hát do huyện, xã và các câu lạc bộ tổ chức”, bà Nạp nói.

Mỗi chúng ta, ai cũng đều có những vinh dự lớn trong đời nhưng kỷ niệm khiến bà Nạp đáng nhớ nhất, có lẽ phải kể đến dịp Lễ niệm 40 năm thành lập Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức tại Pháp, bà đã cùng nghệ nhân Dương Thị Dần, các nghệ nhân Phú Hiệp, Đăng Nam… tham gia trình diễn quan họ trước hơn 160 quốc gia khác trên thế giới. Đó là sự kiện mà bà cảm thấy quan họ quê mình đã lan tỏa đến mọi khung trời!

Giữ gìn văn hóa quan họ trong cấu trúc đô thị

Người Việt Yên xưa nay vẫn có câu “ăn quan họ, ngủ quan họ”, để gìn giữ nét văn hóa đặc trưng này, ngoài việc lưu giữ, bảo tồn, công tác quy hoạch cũng được Đảng bộ, chính quyền huyện hết sức quan tâm.

Là người có nhiều trăn trở với quan họ, ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết: Xác định việc gìn giữ, bảo tồn “tài sản” văn hóa phi vật thể quan họ, trong quy hoạch phát triển đô thị, Việt Yên xác định phát triển theo hướng hiện đại, bắt kịp với xu thế nhưng vẫn phải giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi.

Mạch nguồn quan họ chảy mãi bên bờ Bắc sông Cầu.

Mạch nguồn quan họ chảy mãi bên bờ Bắc sông Cầu.

Trong Đồ án quy hoạch chung đô thị Việt Yên đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000, mô hình cấu trúc đô thị Việt Yên được phân thành 5 vùng gắn với các chức năng cụ thể và linh hoạt trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về hệ thống hạ tầng gắn với cảnh quan sinh thái tự nhiên, yếu tố lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng…

“Huyện xác định quy hoạch không gian quan họ, trong đó có địa điểm không gian tổng thể cho các câu lạc bộ, các sự kiện giao lưu, đối đáp sẽ được tổ chức tại đó. Xung quanh sẽ là các gian hàng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ địa phương, sau nữa là hệ thống nhà điếm hay còn gọi nhà chứa để các liền anh, liền chị biểu diễn và “chơi quan họ”. Quy hoạch cũng sẽ gắn với các khu trung tâm làng cổ, tùy vào diện tích, có những điểm quy hoạch mới quy mô khoảng 5 đến 10ha…”, ông Thuần nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, quy hoạch phải đi trước một bước, do vậy, trong quá trình thực hiện mục tiêu lên thị xã, Việt Yên đưa quyết tâm phát triển kinh tế nhưng cũng đồng thời nâng cao nhận thức bảo tồn di tích vật thể và phi vật thể của địa phương. Đây là vấn đề mấu chốt, quan trọng giúp Việt Yên phát huy tiềm năng nội sinh để phát triển bền vững.

Việt Yên đạt tiêu chí đô thị loại IV năm 2021. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thị xã và các phường thuộc thị xã vào ngày 13/12/2023. Bằng những chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, sẽ chẳng bao xa nữa, những bản vẽ quy hoạch, trong đó gồm không gian văn hóa quan họ sẽ được hiện hữu. Bộ mặt đô thị Việt Yên có “thay da, đổi thịt” thì lịch sử, văn hóa và con người vẫn mãi còn đó, vẹn nguyên giá trị nhưng tinh tế hơn và đẹp đẽ hơn.

Nói về khối “tài sản” văn hóa lớn của Việt Yên, ông Thuần cho biết, hiện ngoài 5 làng quan họ cổ (Hữu Nghi, Nội Ninh, Mai Vũ, Giá Sơn, Sen Hồ) được UNESCO ghi danh còn có 18 làng quan họ được công nhận, đưa vào danh sách bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.

Triền đê Bắc sông Cầu đẹp hiền hòa, êm dịu như lời ru của mẹ.

Triền đê Bắc sông Cầu đẹp hiền hòa, êm dịu như lời ru của mẹ.

Với 108 câu lạc bộ hát quan họ với khoảng hơn 1.800 thành viên, dân ca quan họ Việt Yên vừa là nét văn hóa đặc trưng vừa là sợi dây tâm hồn hòa trộn, kết nối giữa cổ xưa và hiện đại, giữa cũ và mới nhưng không làm mất đi những giá trị văn hóa căn cơ vốn có.

“Để phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, thời gian tới, Việt Yên sẽ tổ chức tập huấn, mở các cuộc thi, giao lưu, đối đáp hàng tháng, hàng quý rồi đưa quan họ vào trường học giảng dạy. Đây là việc mà Việt Yên làm rất bài bản nhằm lan tỏa tình yêu quan họ” - ông Thuần nói.

Chỉ còn vài ngày nữa Việt Yên sẽ tổ chức lễ công bố thành lập thị xã và các phường thuộc thị xã. Từ khắp các làng, xã, phố thị, cờ hoa đã ngập tràn sắc thắm. Những làn điệu quan họ vẫn từ đâu đó vang lên trong những ngõ xóm, trên các hệ thống đài phát thanh của huyện. Trong chương trình nghệ thuật ngày 18/1 tới đây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Giang cũng đã phê duyệt và đưa quan họ vào biểu diễn chính. Đây hẳn sẽ là chương trình đặc sắc, tạo nhiều dấn ấn quan trọng cho Việt Yên.

Rời Việt Yên khi trời nhá nhem tối, câu quan họ vừa được phổ nhạc của nghệ nhân Nguyễn Phú Hiệp cứ làm tôi quyến luyến:

“Anh nhớ thăm quê nhà Việt Yên í i… Việt Yên bây giờ đổi mới

Cất lên khúc hát ân tình, lời ca ấy tiếng yêu thương mặn mà

Anh càng yêu… anh yêu quê hương nhà, câu quan họ đậm đà

Mừng đổi mới trên khắp quê ta, giờ cuộc sống nay đã hơn xưa…”.

Mạch nguồn quan họ của những người con quê hương nơi bờ Bắc sông Cầu cứ thế vẫn cứ chảy mãi như dòng nước sông Cầu cuộn trào, bất tận, sau bao năm “vật đổi sao dời”, nay vẫn đẹp và da diết như lời ca quan họ đã ăn sâu vào trái tim và máu.

Kim Thoa – Thân Nam

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/viet-yen-do-thi-cua-nguoi-quan-ho-368239.html