Vietstock và Aquaculture Vietnam 2024: Cơ hội kết nối, hợp tác phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam

Với chủ đề 'Chuyển đổi chăn nuôi để năng suất cao hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường xanh sạch hơn và cuộc sống tốt đẹp hơn', Vietstock 2024 là dịp để đánh giá thành tựu, nhận diện thách thức và định hình những chiến lược phát triển mới trong ngành chăn nuôi.

Phát biểu tại lễ khai mạc Vietstock 2024 và Aquaculture Vietnam 2024 ngày 9/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, theo thống kê của Bộ, trong suốt 10 năm qua tốc độ tăng trưởng của ngành luôn duy trì ở mức từ 5 - 7%/năm.

Cụ thể,, sản lượng thịt các loại tăng gần gấp đôi, từ 4 triệu tấn lên hơn 7,9 triệu tấn, trong khi sản lượng trứng tăng gấp ba lần, từ 6,4 tỷ quả lên 19,2 tỷ quả. Đặc biệt, sản lượng sữa tươi đã tăng 3,9 lần, từ 0,3 triệu tấn lên 1,2 triệu tấn.

9 tháng từ đầu năm 2024, ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với tổng số lợn trên cả nước tăng 2,5%, số gia cầm tăng 2,2%. Dù số lượng bò và trâu giảm nhẹ, nhưng giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vẫn đạt 376 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đã giảm 3,7%, cho thấy xu hướng tự chủ ngày càng mạnh mẽ của ngành.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi lễ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi lễ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng thừa nhận rằng ngành chăn nuôi Việt Nam đang đối diện với hàng loạt thách thức lớn. Biến đổi khí hậu, dịch bệnh phức tạp, biến động thị trường và tình trạng kháng kháng sinh là những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Ngoài ra, sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đang là một trong những yếu tố khiến khả năng cạnh tranh của ngành bị hạn chế.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành chăn nuôi và thủy sản hiện nay là biến đổi khí hậu. Sự thay đổi của môi trường tự nhiên, cùng với tần suất gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất. Đối với ngành thủy sản, những thay đổi về nhiệt độ nước biển, nồng độ oxy và độ pH đã khiến nhiều loài cá, tôm bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến tình trạng dịch bệnh và suy giảm năng suất.

Trong khi đó, chăn nuôi truyền thống cũng là một trong những nguyên nhân gây gia tăng lượng khí thải nhà kính, góp phần đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, nếu không có biện pháp điều chỉnh, hoạt động chăn nuôi sẽ tiếp tục tạo ra những tác động tiêu cực đến môi trường. Đặc biệt, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, phân tán và công nghệ lạc hậu đang làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí, đồng thời gây khó khăn trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm.

Chính vì vậy, chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi xanh, bền vững là yêu cầu không thể trì hoãn. Đây không chỉ là con đường duy nhất để ngành chăn nuôi và thủy sản có thể tiếp tục phát triển, mà còn là trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi.

Trong bối cảnh đầy thách thức, sự đổi mới và ứng dụng công nghệ cao đang trở thành hướng đi bắt buộc để ngành chăn nuôi và thủy sản Việt Nam có thể vươn lên mạnh mẽ. Các chuyên gia tại Vietstock 2024 và Aquaculture Vietnam 2024 đã nhấn mạnh rằng, việc tái cấu trúc ngành, từ quy mô sản xuất đến công nghệ, là yếu tố then chốt để cải thiện năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Việc áp dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng, kiểm soát dịch bệnh, và sản xuất thức ăn chăn nuôi là những yếu tố tiên quyết giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, công nghệ truy xuất nguồn gốc và công nghệ sinh học đang đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.

Một trong những ví dụ điển hình là các mô hình chăn nuôi khép kín, sử dụng công nghệ sinh học và quy trình kiểm soát nghiêm ngặt để giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường. Đồng thời, các giải pháp về phát triển thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu tái chế và phụ phẩm nông nghiệp cũng đang được thử nghiệm và ứng dụng thành công, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, việc phát triển bền vững không chỉ nằm ở việc tăng năng suất mà còn ở cách chúng ta đối xử với môi trường, cải thiện chất lượng sống của người dân và đảm bảo an toàn thực phẩm. Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Triển lãm Vietstock 2024 và Aquaculture Vietnam 2024 dự kiến quy tụ hơn 13.000 chuyên gia, nhà lãnh đạo, bác sĩ thú y, hộ chăn nuôi, và chủ trang trại từ khắp mọi miền Việt Nam và thế giới, cùng nỗ lực hướng đến mục tiêu thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Chuỗi sự kiện này diễn ra từ ngày 9/10/2024 đến hết ngày 11/10/2024 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn, quận 7, TP.HCM.

Nguyễn Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vietstock-2024-co-hoi-ket-noi-hop-tac-phat-trien-nganh-chan-nuoi-viet-nam-d227077.html