VIFTA: Cánh cửa thương mại rộng mở, hàng Việt Nam thêm 'bàn đạp' chinh phục thị trường mới

Ngày 25/7, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Israel (VIFTA) đã chính thức được ký kết, chỉ 3 tháng sau khi tuyên bố kết thúc đàm phán.

VIFTA được ký kết sau 7 năm đàm phán. (Nguồn: TTĐN)

VIFTA được ký kết sau 7 năm đàm phán. (Nguồn: TTĐN)

VIFTA được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat ký kết tại Văn phòng Thủ tướng Israel, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Hiệp định có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đặc biệt, Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA.

Cơ hội gia tăng kim ngạch thương mại

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng và là sự cố gắng lớn của Bộ Công Thương và của toàn ngành thương mại Việt Nam.

Israel là thị trường không đông dân nhưng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng rất lớn, khoảng 25 tỷ USD/năm. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn bởi nhiều mặt hàng Israel có nhu cầu mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy hải sản…

Ngược lại, Israel có thế mạnh về công nghệ cao, sẽ là điều kiện để Việt Nam bổ sung năng lực sản xuất trong nước.

Hiện tại, xuất nhập khẩu giữa hai bên chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD và Việt Nam đang nhập siêu. Cụ thể, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 785,7 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD. Mỗi năm có khoảng trên dưới 70 diện mặt hàng các loại của Việt Nam được xuất khẩu sang Israel.

Vì vậy, VIFTA là cơ hội để gia tăng kim ngạch thương mại và cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên.

TS. Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương thì nhận thấy, VIFTA đã thể hiện rõ nét chính sách của Việt Nam là hội nhập toàn diện, sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và mở rộng quan hệ với tất cả các nền kinh tế. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu cho hàng hóa của Việt Nam.

Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Do đó, sau khi FTA được ký kết và đi vào thực thi sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều đi lên.

Bên cạnh đó, với khu vực Tây Á, hiện Israel đóng vai trò như một "bàn đạp" để hàng hóa Việt Nam hiện diện rõ hơn ở khu vực Tây Nam Á. Nếu vào được thị trường Israel, hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội vào được rất nhiều thị trường khác của khu vực.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chứng kiến lễ ký kết VIFTA. (Nguồn: VGP)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chứng kiến lễ ký kết VIFTA. (Nguồn: VGP)

Thách thức đi kèm

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, mỗi FTA luôn đi kèm giữa cơ hội và thách thức. VIFTA cũng vậy.

Vị chuyên gia này cho hay, dù Israel là một đất nước nhỏ nhưng lại có một nền kinh tế và hoạt động ngoại thương rất mạnh. Dân số Israel chỉ bằng 1/10 của Việt Nam, khoảng gần 10 triệu dân, nhưng thu nhập bình quân đầu người của họ lại rất cao, vào khoảng 55.000 USD/năm. Hoạt động thương mại của Israel, bình quân hằng năm khoảng trên 173 tỷ USD, trong đó họ nhập siêu là chủ yếu.

Mặt khác, Israel là một đất nước không có nguồn tài nguyên dồi dào, diện tích có đến 70% là sa mạc nên nguồn tài nguyên rất khan hiếm. Cũng chính vì điều kiện thiên nhiên rất khó khăn, cho nên hoạt động thương mại của họ chủ yếu là nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng.

Theo số liệu được công bố, hằng năm, kim ngạch nhập khẩu của Israel khoảng 35 tỷ USD đối với mặt hàng tiêu dùng. Trong khi đó ngành hàng này lại là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng cần tạo ra những điều kiện để có thể tận dụng thế mạnh của họ bằng những tri thức, bằng kỹ thuật công nghệ cao mà Việt Nam có nhu cầu.

Bên cạnh đó, khi FTA có hiệu lực với thuế quan giảm theo từng giai đoạn sẽ có lợi thế rất lớn về hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện, Việt Nam có khoảng 70 mặt hàng có thể xuất khẩu được sang Israel.

PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm: "Thách thức đối với Việt Nam là về năng lực cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp phải chủ động trong tìm hiểu những cơ chế, chính sách, thị trường, những rào cản thương mại để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình.

Muốn tận dụng được lợi thế của VlFTA, doanh nghiệp phải hoạt động phải chuyên nghiệp hơn. Bởi Israel là đối tác có năng lực cạnh tranh lớn, khoa học kỹ thuật rất phát triển nên những mặt hàng tiêu dùng mà Việt Nam xuất khẩu sang phải chú ý nâng cao chất lượng, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm".

Đồng quan điểm, TS. Lê Quốc Phương nhấn mạnh, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về thị trường.

TS. Lê Quốc Phương khẳng định: "Hiện nay, nhiều FTA đòi hỏi các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, sử dụng nguồn nhân lực… song tất cả những điều đó, doanh nghiệp Việt còn rất yếu. Doanh nghiệp Việt cũng cần nỗ lực nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Đồng thời, tìm hiểu để tận dụng được các ưu đãi về chứng nhận xuất xứ hàng hóa để tận dụng hiệu quả FTA".

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vifta-canh-cua-thuong-mai-rong-mo-hang-viet-nam-them-ban-dap-chinh-phuc-thi-truong-moi-236090.html