Vijaya - Tỳ kheo ni thành tựu Bốn Trí tuệ Biện giải
Niềm hỷ lạc tràn ngập khắp thân tâm tới mức Tỳ kheo ni đã kết già trong bảy ngày liên tục. Khi ấy bà đã chối từ mọi dụ dỗ những niềm vui thích của Ác ma tạo ra. Để lại những niềm vui trần tục phía sau, bà đã mở ra cảnh cửa của niềm an lạc tâm thức.
Tác giả: Ts Nguyễn Lan Anh
Học viện Ngân hàng – Phân viện Bắc Ninh
Đức Phật, bậc giác ngộ tối thượng, đã dạy con đường an vui và tỉnh thức mở ra cho tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt giàu hay nghèo, giới tính nam hay nữ.
Con đường tỉnh thức là một quá trình rèn luyện tâm vượt trên những phiền não tham lam, sân hận và thiếu hiểu biết, mà tất cả người nam hay nữ đều có thể noi theo.
Trong xã hội Ấn Độ cổ đại, thời Đức Phật tại thế, sự phân biệt đẳng cấp và giới tính diễn ra rất sâu rộng. Đàn ông thuộc đẳng cấp Bà-la-môn được giáo dưỡng để trở thành những nhà lãnh đạo tôn giáo và những người thuộc đẳng cấp Kshatriya được đào tạo để trở thành nhà lãnh đạo chính trị và quân sự.
Chỉ có những người thuộc dòng dõi Bà-la-môn mới có thể trở thành người lãnh đạo tâm linh. Phụ nữ chủ yếu đóng vai trò thứ yếu, làm các bổn phận trong gia đình, vì vậy địa vị của người nữ trong xã hội bấy giờ rất thấp.
Đức Phật đã mở ra những con đường tỉnh thức hoàn toàn mới mẻ, một con đường mang tính cách mạng, lúc bấy giờ bằng cách tuyên bố rằng sự cao quý của trái tim và tinh thần con người không bị giới hạn bởi đẳng cấp hay giới tính.
Trong hệ thống giáo pháp mà đức Phật truyền giảng, sự an vui và giải thoát có thể tới với bất kỳ ai thuộc bất kỳ đẳng cấp, giới tính nào miễn là họ nỗ lực tinh tiến thực hành. Ngài từng an ủi Vua Pasenadi, người đã rất thất vọng khi sinh một bé gái, bằng cách dạy rằng một bé gái có thể trở nên thông thái và đức hạnh hơn một bé trai.
Ngài thành lập các Tăng đoàn cho nam giới và Ni đoàn cho nữ giới. Ngài đã vượt trên những quan niệm hẹp hòi của truyền thống bằng cách cho phép mọi người thuộc mọi đẳng cấp, cả nam và nữ, gia nhập Tăng đoàn.
Các chùa và tự viện Phật giáo trở thành trung tâm đào tạo về đạo đức, thiền định và trí tuệ cho tất cả mọi thành phần trong xã hội. Những người tiến bộ và đạt thành tựu trong quá trình đào tạo này đều được công nhận và tôn trọng một cách bình đẳng và minh bạch.
Sử liệu Phật giáo đã ghi lại rằng khi ngài Ananda thỉnh cầu lời hướng đạo từ đức Phật, Ngài đã khẳng định tiềm năng của người nữ có thể thành tựu được các quả vị tu chứng ngang bằng với nam giới. Ngài xác quyết rằng người nữ có thể tu tập và thành tựu quả vị Dự lưu, Nhất lai, Bất lai hoặc A la hán.
Trong suốt thời Ngài còn tại thế, đã có rất nhiều các nữ đệ tử thành tựu phi thường, được ghi chép lại trong các bản kinh, trở thành niềm cảm hứng cho thế hệ những người nữ phật tử nhiều thế hệ tới nay. Tỳ kheo ni Patacara được tán thán là bậc Trì giới đệ nhất, Tỳ kheo ni Khema được tán thán là bậc Trí tuệ đệ nhất, Tỳ kheo ni Dhammadinna là bậc Thuyết pháp đệ nhất, ni sư Sona được tán thán là bậc Tinh tiến đệ nhất…
Vijaya, Tỳ kheo ni thành tựu Bốn Trí tuệ Biện giải
Vijaya được biết tới là Tỳ kheo ni đã thành tựu được Bốn loại Biện giải Vô ngại Trí tuệ. Bốn loại Trí tuệ này liên quan tới năng lực thấu rõ được bản chất, ý nghĩa và nguyên lý vận hành của từng loại sự vật, biết cách thức sử dụng ngôn ngữ mô tả và có tài hùng biện về những sự vật này. Một hành giả phật pháp khi sở hữu bốn loại Trí tuệ này rất được kính trọng, biểu thị sự tu chứng cao cấp trong số các đệ tử của đức Phật. Tiểu sử về cuộc đời và những thành tựu trong tu tập Phật pháp của bà được ghi chép lại trong Kinh Tương Bộ và trong Thi kệ Trưởng lão Ni.
Câu chuyện đối mặt với Ác ma
Tại thành Xá Vệ, vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo-ni Vijaya khoác y ôm bình bát, đi vào thành Xá Vệ để khất thực. Khi Tỳ-kheo-ni đi khất thực ở thành Xá Vệ và trở về, sau bữa thọ trai của mình, Tỳ-kheo-ni đi đến vườn cây của ông Cấp-Cô-Độc để nghỉ vào ban ngày. Khi vào sâu trong vườn cây Cấp-Cô-Độc, Tỳ-kheo-ni ngồi xuống dưới một gốc cây để thiền quán.
Bấy giờ có một Ác ma, muốn khuấy động nỗi sợ hãi, khiếp đảm, và khủng bố Tỳ-kheo-ni, muốn làm cho Tỳ-kheo-ni này tán tâm. Hắn khởi lên ý nghĩ độc ác: “Bây giờ ta sẽ tới gần và làm tâm Tỳ kheo ni xao động.”Ác ma tự biến mình thành một thanh niên tuấn tú, đi đến trước mặt Tỳ kheo ni và nói rằng:
“Nàng, một kiều nữ trẻ
Ta là một thanh nam
Này người đẹp ta ơi
Với nhạc điệu ngũ thanh
Hãy cùng nhau hưởng lạc.
Có ích lợi chi khi mà chỉ ngồi trầm tư hành thiền như vậy?”
Bị loài Ác ma dẫn dụ thưởng thức năm loại nhạc cũng được Tỳ kheo ni Khema thuật lại trong lần chính mình đối với mặt chúng. Hưởng thụ năm loại nhạc làm vui thú giác quan hoàn toàn đối lập với trạng thái hành thiền tĩnh tại. Một số văn bản khác luận giải cho rằng, loài Ác ma chất vấn tại sao lại không hưởng thụ thú vui với hắn mà lại phải ngồi hành thiền trong cô tịch như vậy. Hắn muốn phủ đỉnh lợi lạc của hành thiền, đặc biệt với người phụ nữ.
Lúc này, ý nghĩ chợt đến với Tỳ kheo ni Vijaya: "Ai vừa đọc câu này - là một con người hay không phải là con người?" Rồi ý nghĩ đã hiện hữu với Tỳ kheo ni: "đây là Ác ma, người đã đọc câu này nhằm khơi dậy nỗi sợ hãi, khiếp đảm, và khủng bố ta, muốn làm cho ta thoát khỏi sự thiền định.”
Khi Tỳ kheo ni đã hiểu ra rằng "đây là Ác Ma," Tỳ kheo ni trả lời với nó bằng những câu này:
“Sắc, thanh, hương, vị, xúc
Các cảm xúc ngọt ngào
Ta nhường lại Ác ma,
Ta đâu có cần chúng.
Ta nhàm chán xấu hổ
Thân thể bất tịnh này
Đang phân hủy, rã tan.
Khát ái được đoạn tận
Chúng sinh khởi từ sắc
Ai không đắm vào sắc
Thể nhập tâm an lạc
Bóng tối diệt hoàn toàn.”
Những kẻ phàm phu thường coi đời sống hưởng lạc là mục tiêu tối thượng của cuộc đời, đặc biệt khi nam nữ cùng hòa quyền trong lời ca hát, nhảy múa. Nhưng đó không phải là thứ mà những người thực hành Phật pháp như Tỳ kheo ni Vijana hướng tâm tới. Ngay cả những vui thú được coi là cao quý trong xã hội Ấn Độ cổ đại cũng không liên quan gì tới trạng thái an định, tĩnh tịch của dòng tâm thức những nữ hành giả Phật giáo.
Ta an trú trong sự diệt tận mọi lậu và tế
Ta đã nhận ra ngươi
Hơi Ma Vương quỷ quyệt
Người hãy tự rời xa và biến mất đi!
Việc điều phục tất cả những cảm giác vui thú trần tục được Tỳ kheo ni trả lời một cách rõ ràng thông qua việc cắt đứt dòng tâm bị cảm xúc giác quan chi phối, tận trừ sự thiếu hiểu biết vô minh, tìm tới niềm hỷ lạc to lớn khi ngồi kết già hành thiền trong bảy ngày liên tục không chút xao nhãng.
Mục đích tối thượng của việc thực hành phật pháp là đạt tới niềm hỷ lạc trong tâm, chứ không có chút mảy may vui thích những trò giải trí tầm thường của thế gian.
Ác ma đã vô cùng buồn rầu và thất vọng khi nhận ra rằng, "Tỳ kheo ni Vijaya đã nhận ra ta rồi”, bèn biến mất ngay.
Về ý nghĩa sự từ chối và tỉnh thức này, ni sư Thích nữ Tịnh Quang đã bình luận như sau: “Trẻ, đẹp là một hạnh phúc và có nhiều lợi thế để lạc hưởng nhịp điệu sắc, thanh (ngũ thanh trong Âm nhạc cổ của Ấn độ (Pentatonic Ragas: 1.Raga Abhogi, 2.Raga Gavati, 3.Raga Bhindabani Sarang, 4.Raga Gujaree Todi, and 5.Raga Bhupali) theo quan điểm thông thường của đa phần, điều này bắt nguồn từ tư duy: chúng sanh do vật chất bốn đại hòa hợp, chết là hết, nên sống phải hưởng thụ dục lạc thỏa mái mà phái Triết học Duy vật (chấp đoạn diệt) của Ajita Kesa Kambalac từ thời cổ đại Ấn độ đã có ảnh hưởng không nhỏ vào quan điểm sống của xã hội.
Tuy nhiên, quan điểm Duy vật đoạn diệt cũng là một quan điểm cực đoan, khiến cho con người chạy theo lối sống hưởng thụ dục lạc, buông lung và sa đọa, dẫn đến các tệ nạn đạo đức vì không có một định hướng cho sự yên bình của nội tâm, do đó những hệ lụy đau khổ không phải ít.
Bài kinh trên cho chúng ta thấy được tuệ giác của Sư cô Vijaya, một vị xuất gia vừa trẻ vừa đẹp và không bị quyến rũ bởi những lời đường mật và sắc thanh thế gian. Sư cô Vijaya nhận ra rằng các cảm xúc ngọt ngào của sắc, thanh, hương, vị và xúc là không thật nên Sư cô bỏ tục xuất gia, không màng đến chúng.”
Với pháp tu Bất tịnh quán là một phép quán đầu tiên trong Tứ niệm xứ quán (quán thân bất tịnh, quán thân vô thường, quán pháp vô ngã, quán thọ thị khồ), và cũng là một trong Ngũ đình tâm quán (quán bất tịnh để đối trị lòng ham muốn sắc dục, quán hơi thở để đối trị tâm tán loạn, quán từ bi để đối trị sân hận, quán nhân duyên để đối trị ngu si, và quán giới phân biệt để đối trị chấp ngã), Tỳ kheo ni Vijaya đã đạt được trình độ đoạn tận khát ái về sắc dục khi tuổi còn thanh xuân khi nhận chân rằng thân mình là cấu uế, bất tịnh, đang trên đường đến già, bệnh và phân hủy theo thời gian, và vì vậy, không có gì bên ngoài lay động được cô ta.
Thấy rằng tất cả chúng sinh đều sinh từ sắc và bị sắc làm mê hoặc, đồng thời tu tập quán chiếu bản chất giả tạo của thân, dần dần xả ly được tâm tham đắm vào sắc đó là một tiến trình tu tập có kết quả tuyệt vời mà chỉ có những hành giả đệ tử Phật, tu đúng Giáo pháp mới thành tựu được giải thoát từ pháp quán chiếu hợp với căn cơ trình độ của mình.
Tiến trình hành thiền của Tỳ kheo ni Vijaya
Điều phục tâm xáo động, đạt tới tâm tự do tự tại
Một bài kệ của Tỳ kheo ni Vijaya trong Tuyền tập Trưởng lão Thi kệ có mô tả chi tiết cách thức bà đạt tới tâm tự do tự tại, trở thành những kinh nghiệm quý báu cho các thiền giả, những người rất cần tâm tĩnh tại, cần bằng, là nền tảng cho sự giải thoát, giác ngộ.
“Đã bốn hay năm lần
Tôi phải đứng dậy xả thiền
Tôi chưa đạt được sự tĩnh tại
Tôi chưa làm chủ dòng tâm.”
Lời giải thích khi đang hành thiền phải dừng lại và bước ra ngoài cho thấy việc quá nhiệt tâm hành thiền mà không theo thứ lớp có thể lấy đi nhiều nguồn năng lượng, thậm chí làm mất phương hướng tu tập. Mặc dù được thúc đẩy mạnh mẽ bởi tâm mong nguyện được giải thoát, giác ngộ, nhưng nếu nỗ lực quá mức lại có thể dẫn tới tâm thức không an định và bồn chồn. Đây thực sự là một chướng ngại trong sự tu tập bởi vì nó cản trở tâm tĩnh tại, ngăn che trạng thái tâm quân bình bên trong - một phẩm chất rất cần thiết trong sự thực hành tâm linh.
Một minh họa rõ ràng trong trường hợp này là về cây đàn luýt, được chính đức Phật giao cho một nhạc sĩ trước đây từng là tu sĩ và ông ấy đã xả y giới vì khi tu tập, ông thấy mình không đạt được bất kỳ sự tiến bộ trong khi hành thiền. Hình ảnh này cho thấy ban đầu ông đã nhiệt tâm và nỗ lực quá mức trong tu tập mà không tìm tới sự quân bình cần thiết cũng như thiếu nền tảng hiểu biết sâu sắc về giáo pháp. Hành thiền cũng giống như chơi đàn, nếu chặt quá thanh âm sẽ không du dương, nếu căng quá sẽ dễ đứt dây đàn, cần có sự cân bằng tự nhiên để tạo ra sự hòa điệu của âm thanh.
Sự hướng đạo từ bậc thày
Sau khi lẫn mẫn Tỳ kheo ni Khema, con đỉnh lễ và thỉnh cầu ngài. Ngài đã hướng đạo cho con về các đại, hợp uẩn và giác quan:
“Về bốn chân lý cao quý
Về căn cơ và Phật lực
Về các nhân và Bát chính đạo
Để thành tựu mục đích rốt ráo.”
Những câu kệ trên chứa đựng niềm tôn kính và trí tuệ phi thường của Tỳ kheo ni Khema. Ngài đã hướng Vijaya chuyển hóa tâm bồn chồn, xáo động tới trạng thái tĩnh tại an vui. Có thể Tỳ kheo ni Vijaya ban đầu đã quá nhiệt tâm và nỗ lực tu tập nhưng sau đó được Khema hướng đạo những thứ lớp căn bản và mục đích của sự thực hành. Những giáo pháp căn bản giúp cân bằng nội tâm bên trong Vijaya, đặc biệt cách khơi dậy những năng lực của tâm giúp cho người thực hành tự tin với trí tuệ và sự định tâm. Những nền tảng này cũng giúp nuôi dưỡng tâm chính niệm, các yếu tố giúp tỉnh thức. Những sự chỉ dạy trực tiếp của bậc thày như vậy rất cần thiết giúp Tỳ kheo ni Vijaya quân bình tâm thức, duy trì niềm cảm hứng tu tập bằng cách suy tư sâu sắc về mục đích giáo pháp mà Khema đã giảng dạy, giúp dần tìm sự an lạc trong tâm mà ở thời điểm đó Vijaya chưa đạt tới được.
“Sau khi thọ nhận giáo pháp
Con thực hành theo hướng đạo từ Tỳ kheo ni
Trong phần đầu của đêm
Con nhớ lại những kiếp trước của mình;
Tới nửa đêm, miên mật hành thiền
Con chạm tới con mắt tuệ trong tâm
Tới thời khắc cuối của đêm,
Con đập tan bóng tối mê mờ.”
Những lời dạy trí tuệ và đầy thiện xảo của Tỳ kheo ni Khemā đã đã giúp Vijaya đập tan bóng tối vô minh trong tâm thức. Bà đã có thể hành thiền theo đúng như con đường của đức Phật Bản sư, từ hồi ức được về các kiếp trước của mình, quán sát được những cái chết và sự tái sinh của người khác trong hai canh đêm đầu tiên của tâm tỉnh thức.
“Và trong toàn bộ thân tâm con
Thời khắc ấy tràn ngập niềm an lạc
Vào ngày thứ bảy, con đã duỗi chân
Phá vỡ khối vô minh gắn kết sâu dầy.”
Niềm hỷ lạc tràn ngập khắp thân tâm tới mức Tỳ kheo ni đã kết già trong bảy ngày liên tục. Khi ấy bà đã chối từ mọi dụ dỗ những niềm vui thích của Ác ma tạo ra. Để lại những niềm vui trần tục phía sau, bà đã mở ra cảnh cửa của niềm an lạc tâm thức. Đây là những thành tựu mà Tỳ kheo ni Vijaya đã đạt tới nương nhờ sự hướng đạo trực tiếp của Tỳ kheo ni Khema.
Còn rất nhiều các câu chuyện về cuộc đời tu tập và những thành tựu mà những nữ đệ tử thời đức Phật đã đạt tới, trở thành niềm cảm hứng về sự xả ly tham dục trần tục, vượt qua những thách thức của sự cám dỗ và trải nghiệm những niềm an vui và năng lực kỳ diệu của Phật pháp, cho nhiều thế hệ những người nữ phật tử qua nhiều thế hệ và mãi về sau.
Tác giả: Ts Nguyễn Lan Anh
Học viện Ngân hàng – Phân viện Bắc Ninh
Giới thiệu về tác giả:
Tác giả hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại Học viện Ngân hàng – Phân viện Bắc Ninh.
Tác giả đã bảo vệ Luận án Tiến sĩ với đề tài Ảnh hưởng của Phật giáo đến tư tưởng chính trị thời Lý – Trần. Ngoài ra tác giả cũng có nhiều nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học: Phật giáo với tính cách con người (Tạp chí Nguồn nhân lực, 2012); Sự phát triển của Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần (tạp chí Khoa học giáo dục, 2013); Phật giáo với sự phát triển tư tưởng chính trị từ khởi nguyên đến thời Lý – Trần (Tạp chí Giáo dục Lý luận, 2015), Triết lý nhân sinh của thiền Đại Thừa (Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 2018), Ý nghĩa của Đại lễ Tam hợp Vesak tưởng niệm đức Phật đản sinh, Thành đạo và nhập niết bàn (Tạp chí Nghiên cứu Phật học, 2024)...
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tương Ưng bộ, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt, 1993 ( PL.2537).
2. Mười bài kinh về tuệ giác siêu việt của Tỳ kheo ni thời Phật, Thích Nữ Tịnh Quang dịch, 2016.
3. Trưởng lão Ni kệ, Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt, 1982
4. Harris, E. J. (1999). The female in Buddhism. In Karma Lekshe Tsomo (Ed.), Buddhist women across cultures: Realizations (pp. 49-65). Albany: State University of New York Press.