Vinachem và hành trình chuyển đổi xanh: Xây dựng tương lai bền vững cho ngành Hóa chất Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào thời kỳ phát triển bền vững với những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải carbon, thích ứng biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên hiệu quả, việc chuyển đổi mô hình phát triển xanh không còn là một xu hướng nhất thời mà đã trở thành yêu cầu tất yếu.

Vinachem khẳng định, sản phẩm xanh không chỉ là xu thế mà còn là lợi thế cạnh tranh trong tương lai.

Vinachem khẳng định, sản phẩm xanh không chỉ là xu thế mà còn là lợi thế cạnh tranh trong tương lai.

Trong số các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nổi bật với vai trò tiên phong trong việc hiện thực hóa chiến lược phát triển xanh trong ngành công nghiệp hóa chất.

Phát triển xanh là con đường phát triển dài hạn

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị thành viên đã xác định rõ phát triển xanh không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là con đường phát triển dài hạn. Từ các nhà máy sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến cao su, hóa chất công nghiệp, Vinachem đều đang triển khai đồng bộ các giải pháp giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng và sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Theo đại diện tập đoàn, chiến lược xanh hóa không chỉ giới hạn trong cải tiến công nghệ mà còn là sự đổi mới toàn diện về tư duy quản trị, vận hành và phát triển sản phẩm. Vinachem hướng tới xây dựng mô hình sản xuất - kinh doanh tuần hoàn, nơi chất thải được tái sử dụng và giá trị gia tăng được tối ưu hóa qua mỗi khâu sản xuất.

Một trong những minh chứng rõ nét cho định hướng này là việc các đơn vị thành viên như Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng - DRC đã xây dựng mô hình “nhà máy xanh”, tối ưu hóa năng lượng, giảm thiểu tiêu hao nguyên liệu và đầu tư hệ thống quản lý môi trường hiện đại. Không chỉ đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường trong nước, nhiều nhà máy thuộc Vinachem còn đáp ứng được các yêu cầu quốc tế khắt khe.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ, Vinachem đã và đang tích cực nghiên cứu, áp dụng các công nghệ sản xuất xanh hiện đại. Trong đó, đặc biệt chú trọng các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, tận thu chất thải để sản xuất vật liệu mới hoặc năng lượng.

Đơn cử như việc tái chế phế thải thạch cao (gypsum) tại các nhà máy sản xuất axit để làm nguyên liệu sản xuất xi măng, hay tái chế cao su và vật liệu sản xuất lốp xe nhằm tạo vòng tuần hoàn trong chuỗi giá trị. Đây là bước đi chiến lược không chỉ góp phần giảm lượng phát thải ra môi trường mà còn tăng cường khả năng tự chủ nguyên liệu trong nước.

Song song đó, tập đoàn cũng tích cực đầu tư vào các chương trình nghiên cứu, phát triển (R&D) hướng tới sản phẩm xanh - sạch - an toàn. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước mà còn phù hợp với yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Đẩy mạnh đầu tư công nghệ, số hóa trong giám sát và quản lý sản xuất

Vinachem đã và đang tích cực nghiên cứu, áp dụng các công nghệ sản xuất xanh hiện đại.

Vinachem đã và đang tích cực nghiên cứu, áp dụng các công nghệ sản xuất xanh hiện đại.

Vinachem đã đặt ra một loạt mục tiêu cụ thể nhằm hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi xanh. Trong đó, đáng chú ý là: Tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo lên 5 - 10% vào năm 2030; Tiết kiệm 1 - 2% mức tiêu hao tài nguyên, nguyên liệu trong giai đoạn 2025 - 2030; Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn tại một số nhà máy trọng điểm; Giảm ít nhất 5% lượng phát thải khí CO₂ so với năm 2024 và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050.

Để đạt được những mục tiêu này, các đơn vị thành viên buộc phải đẩy mạnh đầu tư công nghệ, loại bỏ dần các dây chuyền lạc hậu, đồng thời áp dụng hệ thống kiểm soát khí thải, nước thải tiên tiến. Việc số hóa trong giám sát và quản lý sản xuất cũng được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong vận hành.

Một điểm sáng trong định hướng xanh hóa của Vinachem chính là việc phát triển hệ sinh thái sản phẩm xanh - thân thiện môi trường. Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, tập đoàn còn chú trọng đến vòng đời sản phẩm, từ nguyên liệu đầu vào đến tái chế cuối vòng đời.

Các dòng sản phẩm hóa chất chuyên dụng, vật liệu pin, cao su kỹ thuật, phân bón thân thiện môi trường đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong danh mục sản phẩm. Đây cũng là một phần trong chiến lược nâng cao giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm và thúc đẩy chuỗi giá trị bền vững.

Vinachem khẳng định, sản phẩm xanh không chỉ là xu thế mà còn là lợi thế cạnh tranh trong tương lai. Với xu hướng tiêu dùng toàn cầu ngày càng ưu tiên yếu tố bền vững, những doanh nghiệp nào tiên phong đổi mới sẽ là người dẫn đầu thị trường.

Chuyển đổi xanh không chỉ là bài toán nội tại của doanh nghiệp mà còn gắn liền với sự phát triển của cộng đồng và địa phương. Các nhà máy của Vinachem đều được yêu cầu thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ, công khai số liệu phát thải và tích cực phối hợp với địa phương trong công tác bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, tập đoàn cũng thường xuyên tổ chức các chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức về môi trường, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sạch cho các đơn vị sản xuất nhỏ trong ngành. Những hoạt động này không chỉ giúp lan tỏa giá trị của phát triển xanh mà còn tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, thân thiện với môi trường.

Có thể thấy rằng, chuyển đổi xanh không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành kim chỉ nam trong mọi chiến lược phát triển của Vinachem. Việc tập trung vào sản xuất sạch, công nghệ hiện đại và chuỗi giá trị xanh sẽ không chỉ giúp Vinachem thích nghi với yêu cầu phát triển bền vững mà còn mở ra cơ hội cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong giai đoạn tới, Vinachem khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, hóa chất kỹ thuật cao, vật liệu mới… nhằm từng bước chuyển mình thành tập đoàn hóa chất hàng đầu khu vực, có năng lực cạnh tranh toàn diện và đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Đặt mục tiêu cụ thể hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi xanh

Vinachem đã đặt ra một loạt mục tiêu cụ thể nhằm hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi xanh. Trong đó, đáng chú ý là: Tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo lên 5 - 10% vào năm 2030; Tiết kiệm 1 -2% mức tiêu hao tài nguyên, nguyên liệu trong giai đoạn 2025 - 2030; Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn tại một số nhà máy trọng điểm; Giảm ít nhất 5% lượng phát thải khí CO2 so với năm 2024 và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050.

Thủy Thanh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vinachem-va-hanh-trinh-chuyen-doi-xanh-xay-dung-tuong-lai-ben-vung-cho-nganh-hoa-chat-viet-nam-175555-175555.html