Vinaconex lột xác thế nào dưới thời cựu chủ tịch Đào Ngọc Thanh
Đối diện với biến động cơ cấu cổ đông ngay khi bước chân vào công ty, ông Thanh đã từng bước ổn định và lấy lại vị thế của nhà thầu xây dựng lớn cho Vinaconex.
Những năm gần đây chứng kiến hàng loạt sự chuyển giao thế hệ khi nhiều lãnh đạo doanh nghiệp quyết định rút lui, nhường lại vị trí cho thế hệ kế cận.
Không ít sự chuyển giao đến từ lý do tuổi tác, sức khỏe, cho thấy một thế hệ doanh nhân đã đến tuổi “xế chiều”. Một trong số đó phải kể đến cựu Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh - một "lão tướng" trong ngành xây dựng, bất động sản.
Cuối tháng trước, ông Thanh đã xin từ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT Vinaconex với lý do tuổi cao và phải điều trị bệnh dài ngày. Người thay thế là ông Nguyễn Hữu Tới, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Vinaconex.
Rời "ghế nóng", ông Thanh chuyển qua làm Chủ tịch Hội đồng chiến lược vừa mới được thành lập của Vinaconex. Hội đồng này có chức năng nghiên cứu, đánh giá toàn diện về hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đề xuất các nội dung liên quan đến chiến lược, định hướng phát triển tổng công ty.
Trong 5 năm làm chủ tịch, ông Thanh và cộng sự đã cùng Vinaconex trải qua giai đoạn biến động nhất trong cơ cấu cổ đông, từng bước tái cấu trúc, định vị lại hoạt động và dần lấy lại vị thế là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.
Giai đoạn đầy biến động của Vinaconex
Năm 2019, ông Thanh thôi làm Tổng giám đốc Ecopark để đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Vinaconex. Thời điểm đó, ông Thanh và ông Lương Xuân Hà đã cùng nhau gây dựng Ecopark trở thành một dự án khu đô thị có danh tiếng trên thị trường bất động sản, trong khi Vinaconex đang trong quá trình thoái vốn nhà nước.
Có thể nói, ông Thanh gia nhập vào giai đoạn đầy biến động của Vinaconex khi có không ít nhà đầu tư muốn chen chân vào quá trình cổ phần hóa này, nhằm sở hữu những “mảnh đất vàng” của doanh nghiệp này.
Cuối năm 2018, Công ty TNHH An Quý Hưng mà ông Thanh là một trong những người đại diện đã bỏ ra 7.366 tỷ đồng mua lại hơn 57% cổ phần Vinaconex từ Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước.
Tuy nhiên, dù thành công mua lại phần vốn nhà nước, nhóm cổ đông An Quý Hưng phải tranh đấu với một nhóm cổ đông lớn khác, gồm Công ty Bất động sản Cường Vũ và Star Invest để giành quyền kiểm soát công ty.
Sau khoảng hai năm tranh chấp, đến ngày 20/8/2020, những mâu thuẫn bên trong doanh nghiệp này mới chấm dứt sau khi các bên đánh đổi quyền lợi.
Nhóm cổ đông Cường Vũ và Star Invest quyết định chuyển nhượng toàn bộ 127,4 triệu cổ phiếu, thoái vốn hoàn toàn khỏi Vinaconex.
Hành động của nhóm này diễn ra sau khi Vinaconex tuyên bố thoái vốn hoàn toàn khỏi khu đô thị Bắc An Khánh rộng 264 ha.
Ít tháng sau, Vinaconex chuyển sang niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM và cũng từ đây, hoạt động của Vinaconex dần ổn định, tập trung vào quá trình tái cấu trúc để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Hoạt động kinh doanh của Vinaconex dưới thời ông Thanh ghi nhận nhiều con số tăng trưởng ấn tượng. Chẳng hạn, năm 2020, chỉ sau một năm đảm nhiệm vị trí người đứng đầu, lợi nhuận của Vinaconex đã chạm ngưỡng 1.690 tỷ đồng, mức lợi nhuận sau thuế cao nhất kể từ khi thành lập.
Nhưng đó chỉ là những kết quả ngắn hạn. Tâm niệm mà ông Thanh mong muốn khi xây dựng Vinaconex là phát triển một bản sắc riêng, có đẳng cấp doanh nghiệp.
Lấy lại vị thế trong lĩnh vực xây dựng
Tận dụng vị thế từng dẫn đầu trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam, Vinaconex dưới thời ông Thanh không ngừng thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia quan trọng về cơ sở hạ tầng đường bộ, cảng hàng không và cảng biển.
Mảng xây dựng cũng luôn đóng vai trò then chốt trong hoạt động kinh doanh của Vinaconex khi đóng góp đến 60-70% tổng doanh thu.
Nổi trội trong danh sách có thể kể tới các dự án trọng điểm trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ.
Năm 2023, Vinaconex liên tục giành được các gói thầu dự án trọng điểm quốc gia với năm dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 với tổng giá trị của các gói thầu khoảng 10.400 tỷ đồng; và sau đó là ba dự án thành phần giai đoạn 2 với tổng giá trị của các gói thầu khoảng 13.312 tỷ đồng.
“Điều này chứng tỏ rằng Vinaconex có một bề dày kinh nghiệm và danh tiếng uy tín trên thị trường xây dựng các công trình giao thông”, công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định.
Hiện tại, Vinaconex đang tiến hành thi công các gói thầu thành phần thuộc 12 dự án cao tốc trên toàn quốc và số lượng dự án có thể tiếp tục được nối dài khi Vinaconex có thể tận dụng tốt từ làn sóng đầu tư công đang diễn ra trong giai đoạn hiện tại.
Dự kiến lĩnh vực này sẽ tiếp tục đóng vai trò trọng yếu trong tiến trình tăng trưởng mảng xây dựng của Vinaconex bởi hiện nay vẫn còn nhiều dự án chưa được triển khai, hoặc chỉ đang được thực hiện theo từng phần cho đến năm 2030 nên dư địa dành cho Vinaconex vẫn còn rộng mở.
Một "chiến tích vang dội" của Vinaconex dưới thời ông Thanh là việc vượt qua nhiều doanh nghiệp xây dựng lớn khác, trở thành liên danh thắng thầu dự án xây dựng nhà ga hành khách Sân bay quốc tế Long Thành, với tổng giá trị gói thầu khoảng 35.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, Vinaconex cũng là một trong số ít nhà thầu xây dựng trong nước có nhiều kinh nghiệm với công trình cảng hàng không và cảng biển.
Năm 2014, Vinaconex đã tham gia thi công Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và tiếp tục đảm nhiệm gói thầu mở rộng sân đỗ máy bay khu vực nhà ga hành khách T2 tại đây vào năm 2022.
Đến năm 2023, Vinaconex tiếp tục đảm nhiệm thi công xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp sân đỗ máy bay hiện hữu thuộc Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài
Trong lĩnh vực cảng biển, Vinaconex còn đang đảm nhiệm thi công dự án Cảng biển tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1 tại Quảng Ninh với mức đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng.
Ước tính, 80% giá trị hợp đồng xây dựng của Vinaconex đang đến từ các dự án trong lĩnh vực giao thông và cảng hàng không.
Ngoài các dự án lớn kể trên, Vinaconex còn thể hiện sự đa dạng và dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng với các công trình bệnh viện, Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội hay trường đại học FPT Đà Nẵng.
Công ty chứng khoán MBS ước tính giá trị hợp đồng xây dựng xây dựng của Vinaconex đạt hơn 18.000 – 19.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2024- 2025 nhờ Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, bên cạnh đó nguồn cung bất động sản cải thiện trong bối cảnh những vướng mắc pháp lý được giải quyết.
Mặc dù vậy, tương tự như nhiều doanh nghiệp đầu tư công khác, Vinaconex cũng phải đối mặt với rủi ro biên lợi nhuận sụt giảm và hoạt động giải ngân đầu tư công diễn ra chậm hơn dự tính.
“Xây nền” bất động sản
Một thế mạnh khác được Vinaconex triển khai là lĩnh vực bất động sản. Trên thực tế, khi ông Thanh trở thành chủ tịch Vinaconex, nhiều người đã liên tưởng ông Thanh có thể giúp Vinaconex triển khai những dự án bất động sản thành công tương tự như những gì Ecopark đã đạt được.
Doanh nghiệp hiện đang đầu tư đa dạng các phân khúc bất động sản, bao gồm bất động sản dân cư, bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản khu công nghiệp.
Mục tiêu chính của Vinaconex là trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu trong giai đoạn tới và mục tiêu này đang được hiện thực hóa với quỹ đất lớn với diện tích lên đến 2.000 ha.
Công ty tập trung chủ yếu vào các thị trường lớn ở phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, và Quảng Ninh. Ước tính, đến thời điểm cuối quý II năm ngoái, Vinaconex đã đầu tư các dự án bất động sản đang triển khai với tổng giá trị lên đến hơn 12.000 tỷ đồng.
Trong đó, các dự án hứa hẹn giúp Vinaconex bứt tốc trên đường đua bất động sản giai đoạn tới có thể kể tới siêu dự án Amatina Cát Bà tại Hải Phòng với quy mô 172 ha và tổng mức đầu tư xấp xỉ 11.000 tỷ đồng.
Dự kiến Amatina Cát bà sẽ cung cấp cho thị trường bảy khu nghỉ dưỡng với 800 căn biệt thự, hai bến du thuyền. Dự án được kỳ vọng sẽ ghi nhận doanh thu bắt đầu từ năm 2024 này.
Hai dự án nổi bật khác đang được Vinaconex triển khai tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích lên tới 83,7 ha, là khu đô thị Hải Yên và khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài.
Dự án khu đô thị Hải Yên có tổng mức đầu tư được công bố là 1.154 tỷ đồng, hiện đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản. Còn dự án khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài đang được đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.
Vinaconex sở hữu hai dự án trung tâm thương mại, bao gồm Kim Văn Kim Lũ và Chợ Mơ.
Vinaconex đã trúng đấu giá mảnh đất thực hiện dự án trung tâm thương mại Kim Văn Kim Lũ vào cuối năm 2021 và dự kiến có thể đưa vào hoạt động từ năm 2025.
Vinaconex cũng thâm nhập sâu vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và đang quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc 2 với diện tích 271 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 33%.
Ngoài ra, cụm công nghiệp Sơn Đông, tổng diện tích 72,5 ha, cũng dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 2025 – 2026.
Mặc dù vậy, việc thị trường bất động sản hai năm qua gặp rất nhiều khó khăn do tác động từ đại dịch và sau đó là khủng hoảng trên thị trường trái phiếu cũng khiến Vinaconex thận trọng hơn.
Sau khi bàn giao toàn bộ dự án chung cư Green Diamond vào đầu năm nay, mảng bất động sản của Vinaconex dự kiến sẽ suy giảm trong giai đoạn 2024 – 2025 do không còn dự án gối đầu.
Dự án nghỉ dưỡng Cát Bà Amatina cũng dự kiến khó đạt kỳ vọng khi phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chưa có sự hồi phục đáng kể trong bối cảnh nhu cầu đầu tư suy giảm.
Duy trì đầu tư tài chính
Ngoài hai lĩnh vực lõi, Vinaconex còn rót vốn vào nhiều ngành nghề khác. Doanh nghiệp đang sở hữu một nhóm các công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh đem lại tỷ suất lợi nhuận ổn định, bao gồm năng lượng, nước sạch, giáo dục.
Các công ty mang lại nguồn doanh thu đều cho Vinaconex khoảng 2.200 - 2.300 tỷ đồng mỗi năm. Nhóm doanh nghiệp này với tỷ suất hoạt động tốt đã đóng góp đến 60- 70% biên lợi nhuận gộp của Vinaconex trong giai đoạn 2020-2022 khi trải qua giai đoạn trầm lắng của mảng xây dựng và thị trường bất động sản.
Nhận thấy tiềm năng của cách đầu tư này, Vinaconex vẫn duy trì mô hình này cho tới nay. Đầu năm ngoái, Vinaconex vừa đưa vào hoạt động nhà máy thủy điện Đăkba ở Quảng Ngãi với công suất 30MW, giúp doanh thu mảng năng lượng tăng thêm 100 – 150 tỷ đồng mỗi năm.
Có thể thấy, Vinaconex dưới thời ôngThanh không phải là một sự “lột xác” mà đang tập trung làm tốt nhất thế mạnh của mình. Doanh nghiệp vẫn xoay quanh xây dựng và bất động sản nhưng tập trung phát triển nó lên một tầm cao mới.
Điều này cũng phù hợp với những gì ông Thanh từng chia sẻ rằng ông không nghĩ mình sẽ làm được gì nhiều cho Vinaconex mà sẽ cố gắng tạo nền tảng cho những người tiếp theo phát triển, đồng thời có những kế hoạch dài hạn hơn trong việc nuôi dưỡng nhân tài thế hệ kế cận.