Vinaconex tính thoái toàn bộ vốn khỏi Cảng quốc tế Vạn Ninh

Phần vốn này chiếm 40% cổ phần tại Cảng quốc tế Vạn Ninh (từ 2021), tương ứng giá trị sổ sách hơn 198,3 tỷ đồng.

Phối cảnh Cảng quốc tế Vạn Ninh. Ảnh: Vinaconex

Phối cảnh Cảng quốc tế Vạn Ninh. Ảnh: Vinaconex

Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa phê duyệt phương án chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đầu tư tại Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh – pháp nhân sở hữu Cảng quốc tế Vạn Ninh cho các nhà đầu tư quan tâm.

Theo đó, số lượng cổ phiếu chuyển nhượng là 2 triệu. Tiến độ thực hiện dự kiến hoàn thành trước ngày 20/6.

Được biết, Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh là chủ đầu tư bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn I, nằm trong cụm cảng Vạn Ninh - Vạn Gia, Quảng Ninh.

Dự án này là một trong chuỗi 4 dự án động lực tăng trưởng dài hạn của Quảng Ninh, có quy mô gần 82,8ha, tổng mức đầu tư ước tính 2.248 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành và đi vào khai thác giai đoạn I.

Theo thiết kế, bến cảng có bến cầu chính dài 500 m, có thể đỗ đồng thời 2 tàu trọng tải lên đến 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau; khu kho bãi sẽ được đầu tư đồng bộ, trang bị hạ tầng hiện đại đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container. Ngoài ra, dự án còn có kho CFS, nhà điều hành cảng…

Qua đó có chức năng đầu mối gom và phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường Trung Quốc, hình thành chuỗi dịch vụ logistics nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo Báo Quảng Ninh, mặc dù đã đến hạn đưa vào khai thác nhưng tổng khối lượng thực hiện các hạng mục đang rất thấp, nhà thầu mới cơ bản hoàn thành công tác nạo vét, bơm cát san lấp nền bãi dự án, thi công tuyến đê bao...

Ông Vũ Minh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh cho biết, do điều kiện khu vực thi công trên biển, thường xuyên có sóng to, gió lớn; nguồn vật liệu cần để san lấp mặt bằng và làm đường giao thông khan hiếm... nên công tác thi công không liền mạch.

Năm 2024, Vinaconex lên kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập 15.000 tỷ đồng, lãi ròng 950 tỷ, tăng lần lượt 15% và 140% so với thực hiện 2023.

Vinaconex dự kiến sẽ phát hành hơn 64 triệu cổ phiếu (12%) để chia cổ tức, đồng thời chào bán tối đa gần 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương 20% số cổ phiếu lưu hành sau chia cổ tức. Giá chào bán là 10.500 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 50% giá cổ phiếu VCG chốt phiên 24/4 là 21.650 đồng/cổ phiếu.

Số tiền gần 1.200 tỷ đồng huy động được từ chào bán cổ phiếu dự kiến sẽ được Vinaconex sử dụng để thanh toán các khoản nợ đến hạn, bao gồm nợ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nhà thầu, nhà cung cấp đến hạn trả trong năm 2024 - 2025.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/vinaconex-tinh-thoai-toan-bo-von-khoi-cang-quoc-te-van-ninh-1716570746767.htm