Vinatex: Tổng cầu dệt may sẽ cải thiện nhẹ năm 2024

Mặc dù khó khăn kéo dài nhưng ngành dệt may vẫn đón nhận một số tín hiệu khả quan mới như mặt bằng lãi vay giảm, các doanh nghiệp FDI tăng cường sản xuất vải ở Việt Nam, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được duy trì trong năm 2024...

Vinatex đã hoàn thành 71% mục tiêu doanh thu của năm

Tại buổi thảo luận về phương hướng sản xuất - kinh doanh năm 2024 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã: VGT), đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh của tập đoàn, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Vinatex thông tin, sau 9 tháng năm 2023 Vinatex dự kiến đạt 71% về kế hoạch doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận năm.

Về tình hình đơn hàng trong quý 4/2023, chia sẻ với Mekong ASEAN, đại diện Vinatex cho biết, đa số các đơn vị thuộc tập đoàn vẫn đang chưa nhận đủ đơn hàng trong 3 tháng cuối năm. Trong tình hình đơn hàng khan hiếm như hiện nay, các đơn vị phải chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, trái sở trường để đảm bảo việc làm cho người lao động.

Năm nay các đơn hàng dệt kim suy giảm mạnh, nhiều đơn vị trong tập đoàn chuyên sản xuất dệt kim cũng phải tìm cách đáp ứng một phần các đơn hàng dệt thoi. Ngoài ra, các sản phẩm công sở như sơ mi, veston cũng giảm do xu thế work from home (làm việc từ xa tại nhà) vẫn tồn tại từ thời điểm dịch bệnh covid-19 đến giờ, khiến các đơn vị chuyên sản xuất sơ mi phải nhận các đơn hàng không truyền thống như jacket, bảo hộ lao động, váy áo thời trang...

Năm nay các đơn hàng dệt kim suy giảm mạnh, nhiều đơn vị trong tập đoàn chuyên sản xuất dệt kim cũng phải tìm cách đáp ứng một phần các đơn hàng dệt thoi. Ngoài ra, các sản phẩm công sở như sơ mi, veston cũng giảm do xu thế work from home (làm việc từ xa tại nhà) vẫn tồn tại từ thời điểm dịch bệnh covid-19 đến giờ, khiến các đơn vị chuyên sản xuất sơ mi phải nhận các đơn hàng không truyền thống như jacket, bảo hộ lao động, váy áo thời trang...

Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Với việc triển khai các đơn hàng không phải sở trường, số lượng nhỏ, thời gian giao hàng yêu cầu cực nhanh, chất lượng khắt khe...khiến hiệu quả sản xuất của các đơn vị thuộc tập đoàn suy giảm.

Theo lãnh đạo Vinatex, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinatex nói riêng, toàn ngành dệt may Việt Nam nói chung trong thời gian qua đối mặt loạt khó khăn kéo dài khi tổng cầu dệt may thế giới giảm do các thị trường tiêu thụ chính suy giảm tăng trưởng kinh tế; môi trường lãi suất cao trên toàn cầu; khu vực châu Âu đối mặt với rủi ro suy thoái cao; Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng;…

Cùng với đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn phải chịu chi phí đầu vào tăng cao với chi phí năng lượng, điện tăng 3% từ tháng 5/2023, tỷ giá tăng gần 3% kể từ cuối quý 2, lãi suất VNĐ ở mức cao trong 6 tháng đầu năm, đồng thời bị cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ…

"Tình hình này đẩy doanh nghiệp rơi vào thế khó cả về thị trường, tài chính, phương thức sản xuất kinh doanh… Đơn hàng giảm số lượng, nhỏ lẻ, yêu cầu cao, kế hoạch đơn hàng ngắn hạn, giãn thời gian giao hàng, ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023", ông Hiếu chia sẻ.

Tuy nhiên, tất cả các đơn vị trong tập đoàn vẫn duy trì được lực lượng lao động theo kế hoạch. Thu nhập của người lao động tuy giảm nhẹ so với thực hiện cùng kỳ năm trước nhưng vẫn được đảm bảo.

Tổng cầu dệt may sẽ cải thiện nhẹ trong năm 2024

Đánh giá về tình hình toàn ngành trong thời gian tới, ông Hiếu cho rằng, thị trường dệt may vẫn có những điểm sáng khi ghi nhận một số tín hiệu sớm về khả năng phục hồi.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt đỉnh 4,06 tỷ USD vào tháng 8/2023. Đến tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu tuy có giảm nhưng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc ghi nhận mức tăng lần lượt là 2% và 11% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về từng phân ngành, tuy đa số các đơn vị thành viên thuộc Vinatex vẫn chưa có đủ đơn hàng cho quý 4/2023 nhưng khách hàng đã tăng cường trao đổi thông tin.

Đối với ngành sợi, giá bông đầu vào trong quý 3 và quý 4/2023 đã thấp hơn so với nửa đầu năm nay, tạo điều kiện nâng cao biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp.

Đối với ngành khăn - gia dụng, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì được lợi thế về giá nguyên liệu và thị trường đầu ra.

Trong khi đó, ngành dệt - nhuộm không có nhiều thay đổi trong 9 tháng vừa qua.

Cũng tại buổi thảo luận, nhận định về tình hình sản xuất - xuất khẩu ngành may mặc năm 2024, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng, tổng thể thị trường năm sau sẽ có nhiều khả năng cải thiện nhu cầu hơn 2023.

Chủ tịch Vinatex lưu ý, xu thế giảm số lượng hàng hóa có thể phản ánh việc các đối tác đang dần chuẩn bị cho khả năng chính thức áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon).

Ngoài ra, đơn giá có thể tăng hơn trên nền số lượng giảm và yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn phi tài chính khác cao lên và ngành sợi có thể có những diễn biến bất ngờ do áp dụng chặt chẽ hơn Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA).

Về các yếu tố thuận lợi, ông Lê Tiến Trường nhận định tỷ giá USD/VNĐ đang tăng lên sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của ngành. Trong khi đó, các quốc gia cạnh tranh đã giảm mạnh đồng nội tệ trong hai năm qua nên còn ít dư địa để tận dụng lợi thế này.

Đồng thời, mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện đã giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay lên các doanh nghiệp. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ hiện nay có thể được kéo dài trong năm 2024.

Một yếu tố khác là thị trường đang ghi nhận một số cơ hội mới từ xu hướng dịch chuyển nguồn gia công sợi ra khỏi Trung Quốc và các doanh nghiệp FDI tăng cường sản xuất vải ở Việt Nam từ nguồn sợi trong nước. Vì vậy, tổng cầu 2024 dự kiến sẽ cải thiện nhưng mức độ cải thiện nhỏ, vẫn thấp hơn năm 2022 từ 5 - 7%, Chủ tịch Vinatex đánh giá.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vinatex-tong-cau-det-may-se-cai-thien-nhe-nam-2024-post28181.html