Vinh danh 100 doanh nghiệp tạo dựng 'di sản xanh'
Hành trình tạo dựng 'di sản xanh' của doanh nghiệp sẽ không thể 'về đích' nếu thiếu đi nền móng vững chắc, đó chính là 'sức khỏe' nội tại của doanh nghiệp, được xây nên từ tư duy lãnh đạo đột phá, đặt phát triển bền vững vào trung tâm của chiến lược phát triển doanh nghiệp…
Tối 29/11, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố các Doanh nghiệp Bền vững tại Việt Nam 2024 với chủ đề “Doanh nghiệp vươn mình trong Kỷ nguyên Xanh”.
MỨC ĐỘ QUAN TÂM ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC CÓ NHIỀU CẢI THIỆN
100 doanh nghiệp bền vững tiêu biểu ở cả lĩnh vực sản xuất và thương mại – dịch vụ được vinh danh. Trong đó, Top 10 doanh nghiệp bền vững ở hai lĩnh vực này ghi nhận tỷ lệ 50% doanh nghiệp trong nước và 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài việc biểu dương hạng mục chính doanh nghiệp bền vững, chương trình cũng đánh giá, lựa chọn ra các doanh nghiệp tiên phong, thực hiện tốt trong hai hạng mục chuyên đề: thực hiện kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng, thực hiện giá trị đa dạng, công bằng và bao trùm.
Theo ban tổ chức, đây là năm thứ 9 liên tiếp Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI) tiếp tục có sự đồng hành chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Năm 2024, Chương trình CSI thu hút gần 500 doanh nghiệp trên cả nước, từ các loại hình và quy mô doanh nghiệp khác nhau nộp hồ sơ. Qua đó, Ban tổ chức đã sơ loại và lựa chọn được 142 hồ sơ để chấm chính thức.
Đặc biệt, tham gia Chương trình năm nay, tỷ lệ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp mới tham gia lần đầu cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với 3 năm gần đây, lần lượt ở mức 62% và 35%.
Con số này cho thấy mức độ quan tâm đến phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong nước đã có sự cải thiện đáng kể. Đây là một tín hiệu đáng mừng, phản ánh sự chuyển đổi trong nhận thức và hành động của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới việc chuyển đổi và thực hành kinh doanh bền vững.
Đáng ghi nhận, bộ chỉ số CSI 2024 có những điều chỉnh, cập nhật mới các nội dung liên quan đến cam kết quốc tế và các thay đổi quan trọng trong khung khổ pháp lý trong nước. Cụ thể, 153 chỉ số của CSI 2024, bao gồm: 62% là các chỉ số tuân thủ, 38% là các chỉ số nâng cao, nhằm đánh giá doanh nghiệp trên các khía cạnh toàn diện: hiệu quả kinh tế - quản trị doanh nghiệp - xã hội - môi trường.
Với đa số là các chỉ số tuân thủ, điều này cũng thể hiện việc thực hiện phát triển bền vững giờ đây không khó và xa vời cho doanh nghiệp, mà ngược lại, chỉ cần đảm bảo việc tuân thủ các yêu cầu pháp luật, doanh nghiệp đã có một nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.
Đặc biệt, Bộ chỉ số CSI 2024 có nhiều chỉ số lượng hóa nhất trong 9 năm triển khai Chương trình. Sự điều chỉnh này yêu cầu các doanh nghiệp có hệ thống theo dõi, tính toán số liệu nhấn mạnh vào các vấn đề mang tính thời sự của kinh doanh bền vững như: đánh giá tác động hai chiều giữa doanh nghiệp và môi trường, yêu cầu tính toán các số liệu như: doanh thu thuần từ các hoạt động thuộc lĩnh vực có tác động đáng kể đến khí hậu; chi phí hoạt động, chi phí đầu tư được phân bổ cho kế hoạch, hoạt động liên quan đến phát triển bền vững.
Điều này không chỉ buộc doanh nghiệp phải đầu tư, nghiên cứu nhiều hơn khi thực hiện Bộ chỉ số CSI 2024, mà thông qua đó thúc đẩy doanh nghiệp rà soát lại toàn bộ hoạt động của mình, phân bổ nguồn lực cho phát triển bền vững, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp hơn.
THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIỜ ĐÂY KHÔNG KHÓ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo CSI 2024, nhấn mạnh: "Năm 2024 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng".
Ảnh hưởng của những “cơn bão thiên nhiên” dị thường do biến đổi khí hậu và cả những “cơn bão bất ổn khủng hoảng tài chính, kinh tế, chiến tranh, xung đột khu vực…” đã và đang gây ra những tác động, thiệt hại to lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên những “cơn bão tố” đó đã làm bộc lộ một thực tế mới, đó là những doanh nghiệp kiên trì thực hiện mô hình sản xuất kinh doanh bền vững, có thể tăng sức chống chịu, thích ứng trước các thách thức và nắm bắt các cơ hội đang được mở ra từ quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của doanh nghiệp. Điều này đã được minh chứng khi VCCI tiến hành khảo sát những doanh nghiệp đạt danh hiệu doanh nghiệp bền vững trong gần một thập kỷ qua.
Theo ông Công, để có thể nắm bắt những vận hội mới, bên cạnh việc đột phá mạnh mẽ về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, thì từ phía cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có sự đột phá trong chuyển đổi tư duy chiến lược kinh doanh, phát huy nội lực, chủ động đổi mới để chuyển đổi thực hành mô hình kinh doanh nhân văn, sáng tạo, bền vững.
Chủ tịch VCCI cho biết kết quả khảo sát của VCCI với những doanh nghiệp đạt danh hiệu doanh nghiệp bền vững của Chương trình CSI trong gần một thập kỷ qua, đã chứng minh rằng những doanh nghiệp kiên trì thực hiện mô hình sản xuất kinh doanh bền vững, có thể tăng sức chống chịu, thích ứng trước các thách thức và nắm bắt các cơ hội đang được mở ra từ quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Bế mạc buổi lễ, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, cho rằng cộng đồng doanh nghiệp thế giới đang tích cực chuyển đổi một cách quyết liệt và gấp rút để bước từ một nền kinh tế “xám” sang một nền kinh tế “xanh” và bền vững.
Nhìn về Việt Nam, những doanh nghiệp đi theo xu hướng phát triển bền vững đã cho thấy sự thích ứng và chống chịu cao trước các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài, cũng như khả năng linh hoạt, nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà nền kinh tế mang lại.
Đó là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển mình để bắt kịp với xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, để tạo dựng nên một “di sản xanh”, chắc chắn sẽ cần sự tham gia, hành động của đông đảo doanh nghiệp hơn nữa.
Hành trình tạo dựng “di sản xanh” của doanh nghiệp sẽ không thể “về đích” nếu thiếu đi nền móng vững chắc, đó chính là “sức khỏe” nội tại của doanh nghiệp, được xây nên từ tư duy lãnh đạo đột phá – đặt phát triển bền vững vào trung tâm của chiến lược phát triển doanh nghiệp, đồng thời được bồi đắp từ năng lực quản trị công ty bền vững.
“Những doanh nghiệp được biểu dương trong Chương trình CSI 2024 và những năm vừa qua chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của họ, khi nỗ lực thực hành kinh doanh bền vững một cách bài bản, vững chắc, lấy Quản trị làm trụ cột, “la bàn” định hướng cho những hoạt động về kinh tế, xã hội và môi trường”, ông Vinh nhấn mạnh.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vinh-danh-100-doanh-nghiep-tao-dung-di-san-xanh.htm