Vinh danh nghề đan lát người Tày và lễ cúng rừng người Pa Dí ở Lào Cai
Ngày 15/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết: thêm 2 di sản văn hóa đặc sắc của địa phương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ghi danh Nghề đan lát của người Tày ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ảnh: Quốc Hồng
Trước đó, ngày 14/5/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành 2 quyết định: Quyết định số 1352/QĐ-BVHTTDL và 1353/QĐ-BVHTTDL công bố việc đưa Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí (huyện Mường Khương) và Nghề đan lát của người Tày (xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề đan lát người Tày và Lễ cúng rừng người Pa Dí ở Lào Cai
Nghề đan lát của người Tày ở Nghĩa Đô là nghề thủ công lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất của bà con nơi đây.
Các sản phẩm đan lát từ tre, nứa như gùi, thúng, mủng, nia… không chỉ phục vụ nhu cầu thường nhật mà còn mang trong mình nét đẹp văn hóa và trình độ thẩm mỹ của người thợ.
Hiện nay, nghề này vẫn được duy trì và phát triển, góp phần tạo sinh kế, thu hút khách du lịch và giữ gìn tri thức dân gian truyền thống.

Sản phẩm đan lát của người Tày ở Nghĩa Đô được du khách ưa chuộng. Ảnh: Quốc Hồng

Bảo tồn và phát huy nghề đan lát thủ công phục vụ phát triển du lịch cộng đồng ở Nghĩa Đô (Lào Cai). Ảnh: Quốc Hồng
Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí là một tập quán xã hội và tín ngưỡng độc đáo, phản ánh mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên, được đồng bào Pa Dí tổ chức thường niên nhằm tạ ơn rừng và cầu mùa màng tốt tươi, dân bản bình an.
Nghi lễ không chỉ mang yếu tố tâm linh mà còn là dịp gắn kết cộng đồng, giáo dục thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Việc 2 di sản này được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào lớn đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai, đồng thời mở ra cơ hội mới trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế - du lịch bền vững.

Nghi lễ cúng rừng truyền thống hàng năm của người Pa Dí, ở huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Đức Trung

Sau lễ cúng là các trò chơi dân gian sôi động. Ảnh: TL

Đu quay đầu xuân, sau lễ cúng rừng. Ảnh: TL
Theo các quyết định nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, Sở Văn hóa và Thể thao và Du lịch cùng các địa phương có di sản chịu trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động bảo tồn theo đúng quy định pháp luật.