Vĩnh Linh tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Thực hiện chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đã tập trung chỉ đạo các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh, chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng để tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm địa phương.

Sản phẩm nấm linh chi đỏ của cơ sở sản xuất nấm Linh Dương, xã Vĩnh Sơn đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2024 - Ảnh: L.A
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, để chương trình OCOP đi vào chiều sâu, hằng năm, huyện Vĩnh Linh đã đưa nội dung của chương trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện để chỉ đạo thực hiện. Lồng ghép triển khai các nội dung chương trình trong các cuộc họp thường kỳ và các hội nghị liên ngành của huyện nhằm tuyên truyền về chương trình OCOP đến tất cả các cấp, các ngành, các xã, thị trấn và Nhân dân hiểu, biết về chương trình để tích cực tham gia thực hiện.
Chỉ đạo các xã, thị trấn chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với sản xuất theo hướng hàng hóa những sản phẩm chủ lực. Khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ theo chuỗi giá trị, nhằm phát huy sức sáng tạo và nội lực để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của Nhân dân.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức các đợt hướng dẫn, hỗ trợ cho các hộ sản xuất và doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình; phối hợp với Huyện đoàn tổ chức tập huấn khởi nghiệp cùng chương trình OCOP, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế cho thanh niên, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh do đoàn viên làm chủ trên địa bàn toàn huyện.
Nhờ vậy, chỉ tính riêng năm 2024, toàn huyện đã có 6 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP 3 sao gồm: bột sắn dây Vĩnh Linh của HTX Huỳnh Công Đông, xã Trung Nam; nấm linh chi đỏ của cơ sở sản xuất nấm Linh Dương, xã Vĩnh Sơn; miến gạo lứt huyết rồng của cơ sở sản xuất Loan Hảo, xã Hiền Thành; dưa muối Vĩnh Tú của HTX Nông sản sạch Vĩnh Tú, xã Vĩnh Tú và 1 sản phẩm công nhận lại là dầu lạc nguyên chất Làng An của hộ kinh doanh Lê Thanh Biên, xã Kim Thạch. Nâng số sản phẩm OCOP của huyện Vĩnh Linh lên 17 sản phẩm; trong đó có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và 14 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Để hỗ trợ các chủ thể, huyện đã tích cực phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn để tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ tiêu chuẩn hóa, phát triển sản phẩm cho 5 sản phẩm với tổng kinh phí trên 88 triệu đồng. Hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, các sự kiện tiêu biểu như: trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng của tỉnh Quảng Trị tại Hội Báo toàn quốc năm 2024; Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh - Xuân 2024... Đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia hội chợ làng nghề, đặc sản vùng miền, các hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá và tiếp thị giới thiệu các sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại như: phần lớn các cơ sở sản xuất năng lực tài chính hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiết bị công nghệ sản xuất chưa được trang bị hiện đại, năng lực, trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được nâng cao, thiếu tính liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ. Khả năng tiếp cận thị trường thấp, phần lớn các chủ thể chưa khai thác hiệu quả website, tham gia bán hàng qua kênh thương mại điện tử mà chủ yếu là mua bán hàng ký gửi hoặc qua điện thoại.
Hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản còn hạn chế, chủ yếu sơ chế, chế biến đơn giản. Nguồn nguyên liệu chưa ổn định, mang tính thời vụ. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm tương đối cao. Việc triển khai ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất còn chậm; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị còn hạn chế. Một số chủ thể còn thiếu vốn để sản xuất.
Theo ông Tuấn, mục tiêu của huyện năm 2025 có thêm từ 1 - 2 sản phẩm mới được cấp chứng nhận đạt OCOP 3 sao; có 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao; tổ chức đánh giá, công nhận lại các sản phẩm đã hết hạn.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, huyện Vĩnh Linh tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh của địa phương; xác định các sản phẩm thuộc các nhóm ngành theo quy định, đặc biệt là tiềm năng về nguyên liệu, ngành nghề nông thôn, du lịch cộng đồng để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các chủ thể nhằm phát triển sản phẩm. Gắn nhiệm vụ của chương trình OCOP vào nhiệm vụ chung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng và tham gia đánh giá nâng hạng sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Tăng cường hỗ trợ các chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tại các phiên chợ, hội chợ, siêu thị; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; kết nối với các doanh nghiệp khác nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển thị trường. Đồng thời, tập trung xây dựng, phát triển sản phẩm hồ tiêu của HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh đạt chứng nhận OCOP 5 sao trong năm 2025.