Trước bão thuế quan, Viconship vẫn tăng vốn 'khủng', đẩy mạnh thâu tóm doanh nghiệp cảng biển
Cùng với việc thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành và tiến hành thâu tóm cổ phần các doanh nghiệp logistics, Viconship đang dần hoàn thiện hệ sinh thái vận tải biển.
Viconship khởi đầu năm 2025 với kết quả đầy tích cực, doanh thu thuần quý I/2025 đạt hơn 682 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng mạnh ở mức hơn 50%, đạt 135 tỷ đồng nhờ chi phí tài chính cải thiện đáng kể so với cùng kỳ.
Với kết quả khả quan trong quý I, ban lãnh đạo công ty vừa điều chỉnh tăng mạnh kế hoạch lợi nhuận năm 2025 thêm 32%, từ 300 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng.
Song song với đó, Viconship đưa ra phương án chia cổ tức năm 2024 mới với tổng tỷ lệ 8%, gồm 5% bằng tiền mặt và 3% bằng cổ phiếu, thay cho phương án ban đầu là chia 7,5% hoàn toàn bằng cổ phiếu.
Công ty dự kiến chi khoảng 150 tỷ đồng cho cổ tức tiền mặt và phát hành gần 9 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông.
Ngoài ra, Viconship còn phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 22%. Tổng số cổ phiếu phát hành dự kiến là gần 65,9 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2-3/2025, sau khi UBCKNN chấp thuận. Nếu hoàn tất các đợt phát hành, vốn điều lệ của Viconship sẽ tăng lên 3.744 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ tác động tích cực tới giá cổ phiếu VSC của Viconship. Chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá cổ phiếu VSC từ vùng dưới 14.000 đồng đã lên 22.400 đồng/cổ phiếu (tính đến ngày 29/4/2025), tương đương mức tăng hơn 50%. Đây là vùng giá cao nhất của Viconship kể từ tháng 7/2024.
Thuế quan từ Mỹ ít tác động, áp lực nợ vay gia tăng
Đại hội cổ đông diễn ra trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đối mặt với biến động lớn sau thông tin Mỹ áp thuế đối ứng lên đến 46% đối với một số mặt hàng từ Việt Nam.
Mặc dù vậy, ban lãnh đạo Viconship cho biết, hàng hóa đi Mỹ chỉ chiếm 3,9% sản lượng hàng hóa thông qua cảng của công ty, do đó tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ lên hoạt động của công ty không lớn.
Hoạt động chủ yếu vẫn tập trung vào khu vực nội Á. Công ty cũng đã chuẩn bị các phương án ứng phó nhằm hạn chế ảnh hưởng từ các biến động thuế quan.
Tuy nhiên, vấn đề của Viconship nằm nhiều hơn ở các khoản đầu tư của công ty để mở rộng quy mô, với đặc thù ngành cảng biển là đầu tư vay nợ lớn trong giai đoạn đầu.
Quý IV/2024, Viconship ghi nhận việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ, qua đó hạch toán thêm 189 tỷ đồng vào doanh thu tài chính. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến doanh thu của Viconship tăng mạnh tới hơn 28%, đạt 2.790 tỷ đồng năm 2024.
Mặc dù vậy, từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Cảng Nam Hải Đình Vũ và Công ty CP Vận tải biển Vinaship, Viconship cũng hạch toán thêm 450 tỷ đồng lợi thế thương mại. Năm 2025, chi phí phân bổ giá mua Cảng Nam Hải Đình Vũ của Viconship dự kiến là 185 tỷ đồng.

Viconship ghi nhận việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ, qua đó hạch toán thêm 189 tỷ đồng vào doanh thu tài chính.
Đồng thời, Tổng giám đốc Viconship Tạ Công Thông cho biết, chỉ tiêu tài chính năm 2025 của công ty còn bị ảnh hưởng bởi lãi vay ngân hàng để đầu tư nhận chuyển nhượng 100% Cảng Nam Hải Đình Vũ, dự kiến lên đến 155 tỷ đồng.
Thực tế, kể từ năm 2022, Viconship đang không ngừng gia tăng nợ vay để đẩy mạnh hoạt động M&A. Riêng năm 2024, dư nợ vay của Viconship đã tăng thêm 34,3%, đưa tổng mức nợ vay cả ngắn hạn và dài hạn của công ty lên đến 1.950 tỷ đồng, bằng gần 39% vốn chủ sở hữu.
Cùng với việc thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành và tiến hành thâu tóm cổ phần các doanh nghiệp logistics như Cảng Nam Hải Đình Vũ, Vinaship, Công ty CP Vận tải Hoàng Hồng Anh, Viconship đang dần hoàn thiện hệ sinh thái vận tải biển, thiết lập một ván cược lớn với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình.
Ván cược này không phải là thiếu cơ sở khi ngành logistics đang chứng kiến những bước phục hồi đầy mạnh mẽ kể từ giai đoạn đóng băng do dịch Covid-19.
Giai đoạn 2025 – 2030, ngành cảng và vận tải biển cũng được dự báo sẽ bùng nổ bởi làn sóng đầu tư hạ tầng mạnh mẽ, đặc biệt phải kể đến như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng nước sâu Lạch Huyện 3 – 4, Lạch Huyện 5 – 6.
Tuy vậy, rủi ro vẫn tồn tại. Theo ông Công, tình trạng dư cung tại các cụm cảng Hải Phòng và Cái Mép – Thị Vải vẫn đang gia tăng.
Hiện tại, hiệu suất khai thác các cảng tại Hải Phòng, nơi hoạt động chính của Viconship, chỉ duy trì quanh mức 80%. Các cảng mới đi vào hoạt động chưa có nguồn hàng ổn định nên hiệu suất chưa cao.
Thị phần và lợi thế cạnh tranh của Viconship cũng bị đe dọa bởi sự phát triển mạnh mẽ của các đối thủ như Hateco, Gemadept, trong bối cảnh các khách hàng hãng tàu của công ty gặp nhiều khó khăn, phải tạm dừng hoặc tái cơ cấu tuyến dịch vụ tại Hải Phòng.
“Để duy trì lợi thế cạnh tranh, Viconship phải đầu tư mạnh vào nâng cao năng lực khai thác và chuyển đổi số, đòi hỏi nguồn lực lớn và có thể giảm lợi nhuận ngắn hạn”, ông Công thông tin tại đại hội cổ đông.
Kiên trì mở rộng
Tại hai phiên giao dịch ngày 18/4 và 22/4 vừa qua, Viconship và công ty con là Công ty TNHH MTV Cảng Xanh đã mua vào gần 2 triệu cổ phiếu HAH, nâng tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm Viconship tại Công ty CP Vận tải và xếp dỡ Hải An lên gần 6,5% vốn điều lệ. Riêng Viconship sở hữu khoảng 5,4% cổ phần và trở thành cổ đông lớn tại Hải An.
Động thái này cho thấy kế hoạch mở rộng mảng logistics thông qua M&A của Viconship vẫn đang được tiếp tục.
Bên cạnh đó, Viconship đang tiếp tục nghiên cứu cơ hội đầu tư vào dự án cảng nước sâu tại Nam Đồ Sơn cùng một số khu hậu cần logistics có tiềm năng, cũng như các khu công nghiệp, cơ sở logistics và hạ tầng phục vụ hoạt động cảng biển.
Về rủi ro lãi vay, doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm đối tác vốn có mức lãi suất thấp hơn. Theo Tổng giám đốc Viconship, mức lãi lớn trong quý I của doanh nghiệp này có sự đóng góp của việc tiết giảm chi phí tài chính.
Thực hiện tái cấu trúc bộ máy quản trị và chuyển đổi số cũng là những giải pháp nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và duy trì lợi nhuận trong dài hạn của Viconship, dưới sự tư vấn của hai đối tác là PwC và FPT Digital.