Vĩnh Phúc chú trọng công tác quy hoạch thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, du lịch
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trao quyết định thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp về chiến lược phát triển ngành công nghiệp, phát triển dịch vụ của tỉnh. Đây là cơ hội để Vĩnh Phúc tiếp tục trở thành 'địa chỉ đỏ' của các nhà đầu tư, chuyên gia, lao động có tay nghề hàng đầu trong nước, khu vực và quốc tế.
Định hướng phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu
Quy hoạch tỉnh nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gồm: Tiếp tục phát huy thế mạnh của tỉnh trong phát triển các ngành Công nghiệp công nghệ cao (trong đó chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo ôtô xe máy, linh kiện điện tử…), đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ôtô, xe máy lớn của cả nước. Khai thác tối đa mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, trong đó tập trung cải thiện các chỉ số về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Định hướng phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như sau: Sản xuất các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các ngành có thế mạnh của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại: Phát triển trở thành ngành Công nghiệp nền tảng; tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm ôtô cao cấp, mô tô và sản xuất các linh kiện phụ tùng phục vụ trong nước và xuất khẩu; khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí chế tạo phục vụ công nghiệp, nông nghiệp…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 Khu công nghiệp có quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 3.153ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch là hơn 2.303ha, diện tích đất đã BT – GPMB và có thể cho thuê là hơn 1.901ha; 8 Khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng và đi vào hoạt động, tổng diện tích đất công nghiệp và dịch vụ đã xây dựng và cho thuê hơn 1.281ha. Các Khu công nghiệp còn lại vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng, BT - GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Tín hiệu vui từ thu hút đầu tư
Với mục tiêu "Lấy phát triển công nghiệp làm trụ cột nền kinh tế”, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch bổ sung thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 và Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030, làm cơ sở để cụ thể hóa triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Theo báo cáo từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, đến nay, các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút hơn 450 dự án FDI đến từ 20 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký hơn 8 tỷ USD và hơn 800 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn hơn 140 nghìn tỷ đồng.
Năm 2023, tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới cho 44 dự án, trong đó có 28 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 275 triệu USD, 16 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 4.632 tỷ đồng. Tăng vốn cho 50 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 329 triệu USD, 20 lượt dự án DDI với tổng vốn đầu tư tăng là hơn 17.000 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đối với các dự án FDI là hơn 600 triệu USD, dự án DDI là 21.728 tỷ đồng. Đây là những con số ấn tượng, cho thấy chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được nâng lên.
Từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều khởi sắc. Đến ngày 15/4, tỉnh đã thu hút được 46 dự án, trong đó, có 34 dự án FDI (19 dự án cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và 15 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký hơn 363 triệu USD, đạt gần 91% kế hoạch giao đầu năm, tăng gần 40% so với cùng kỳ.
Phát triển du lịch xứng tầm lợi thế
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu rõ, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng "Dịch vụ chất lượng - Sản phẩm khác biệt - Hiệu quả bền vững": vừa phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tạo dựng một phong cách riêng với các loại hình mới, độc đáo, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế; đầu tư khai thác hiệu quả các sân gôn, dịch vụ thể thao, giải trí…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Phát triển du lịch được xem là quyết sách đúng đắn mang tầm nhìn chiến lược. Trong từng giai đoạn, tỉnh đều xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch với các mục tiêu, các cụm, tuyến, điểm du lịch cụ thể và các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Trong giai đoạn hiện nay, ngành Du lịch của tỉnh được định hướng phát triển theo 3 loại hình chính, gồm: Du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng nghề; du lịch hội nghị, hội thảo nhằm khai thác tối đa và tận dụng hiệu quả lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương.
Tại huyện miền núi Tam Đảo, phát triển du lịch hiện đã trở thành thế mạnh mũi nhọn có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội toàn diện. Để du lịch phát triển, huyện đã xây dựng kế hoạch, các đề án, nghị quyết tạo động lực cho phát triển du lịch. Đặc biệt, với tư duy và hướng đi đúng đắn, huyện Tam Đảo cùng các cấp, ngành đang đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa trong phát triển du lịch; chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, nâng cao hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện theo phương châm "Mỗi người dân là một đại sứ du lịch".
Để đạt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao, văn hóa của tỉnh và cả nước theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố, thời gian tới, huyện Tam Đảo tranh thủ tối ưu các nguồn lực, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên gắn với bảo vệ lâu dài; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch, nắm bắt cơ hội để đánh thức tiềm năng, tạo đột phá trong quá trình khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch.
Trong quá trình phát triển du lịch theo hướng bền vững, xứng tầm, không chỉ tranh thủ khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Vĩnh Phúc còn tận dụng tối đa thế mạnh trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, trong đó, có sản phẩm du lịch thể thao golf. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế đang hoạt động hiệu quả là Đầm Vạc, Tam Đảo, Đại Lải và Thanh Lanh.
Năm 2024, Vĩnh Phúc phấu đấu đạt mục tiêu đón hơn 10 triệu lượt du khách, trong đó có 90 nghìn lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch tiếp tục tăng trưởng. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đang tích cực tham mưu UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Đảo, Khu du lịch Đại Lải, Khu du lịch hồ Vân Trục, hồ Làng Hà, hồ Bò Lạc… gắn với nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, dịch vụ du lịch.