Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động, đạt 58,4% kế hoạch năm. Trong đó, giải quyết việc làm trong nước cho hơn 9.700 lao động, đưa 179 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19, thị trường lao động tại tỉnh Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn, thiếu hụt nhân lực, người lao động mất việc làm, thất nghiệp gia tăng. Tuy nhiên, với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Vĩnh Phúc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo đó, Sở LĐ-TB&XH, Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc đã tích cực thông tin kịp thời tình hình thị trường lao động; các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; đa dạng hóa các hình thức kết nối cung - cầu lao động trên nền tảng số, các dịch vụ cung ứng lao động cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục tăng cường liên kết giữa Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm để mở rộng phạm vi khai thác thông tin thị trường lao động, tăng số lượng lao động cung ứng và rút ngắn thời gian cung ứng lao động.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh kết nối với các tỉnh lân cận trong tuyển chọn, cung ứng lao động; phối hợp đào tạo, tuyển chọn lao động giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đó, khai thác hiệu quả lực lượng lao động đã qua đào tạo nghề, thúc đẩy đào tạo lao động theo nhu cầu của thị trường, nâng cao chất lượng nhân lực.
Trong năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến phấn đấu tạo việc làm tăng thêm từ 16.000-17.000 việc làm mới. Theo đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 150/KH-UBND ngày 04/9/2020 của UBND tỉnh về triển khai Bộ luật Lao động trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Đôn đốc, hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về lao động, sử dụng lao động nước ngoài. Thực hiện các quy định về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Nghị định của Chính phủ. Quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hòa giải viên lao động. Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động tỉnh. Kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật lao động tại doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai các chương trình từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2021-2022./.