Vĩnh Phúc khắc phục tuyến kênh mương bị hư hỏng sau mưa lũ

Các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra, khắc phục sự cố một số đoạn kênh, mương của dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc bị hư hỏng sau những trận mưa lớn cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua.

Sau khi VOV.VN có phản ánh về Dự án chống ngập lụt ở Vĩnh Phúc mới vận hành thử nghiệm đã sạt lở, nứt gãy do mưa lớn, ngày 20/8 Ban QLDA Sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc (VPMO) có báo cáo thông tin về nguyên nhân của sự cố.

Trạm bơm tiêu Nguyệt Đức - Yên Phương cùng các trạm bơm khác ở Vĩnh Phúc đã vận hành kịp thời để tiêu thoát lũ ra sông Hồng và sông Phó Đáy trong đợt mưa lớn vừa qua.

Trạm bơm tiêu Nguyệt Đức - Yên Phương cùng các trạm bơm khác ở Vĩnh Phúc đã vận hành kịp thời để tiêu thoát lũ ra sông Hồng và sông Phó Đáy trong đợt mưa lớn vừa qua.

Theo đại diện Ban QLDA, ngày 19/8, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã lập đoàn, kiểm tra thực tế tại một số vị trí bị hư hỏng do mưa lũ gây ra để tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

Dự án Quản lý Nguồn nước và Ngập lụt Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư và nguồn vốn cho dự án 4.815,8 tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD). Trong đó vốn đối ứng hơn 1.532 tỷ đồng (tương đương 70 triệu USD), vốn vay hơn 3.284 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Thời gian thực hiện dự án đến 30/6/2025; thời hạn giải ngân theo Hiệp định vay vốn đến hết 08/7/2024.

Kênh hút Nguyệt Đức bị sạt trượt bờ kênh tại cầu giao thông số 2 khoảng 10m và đang được gia cố tạm, chờ nước rút sẽ xử lý.

Kênh hút Nguyệt Đức bị sạt trượt bờ kênh tại cầu giao thông số 2 khoảng 10m và đang được gia cố tạm, chờ nước rút sẽ xử lý.

Báo cáo cho biết, trong đợt mưa lũ do cơn bão số 2 cuối tháng 7/2024 và các đợt mưa lớn tại tỉnh Vĩnh Phúc đầu tháng 8/2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã hứng chịu lượng mưa rất lớn, nước sông Phan dâng cao trên 7,5m kèm theo việc xả các hồ Thanh Lanh, Đại Lải cũng như xả lũ các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La và Tuyên Quang nên mực nước sông Hồng tại Vĩnh Phúc thường xuyên dâng cao, có lúc cao nhất lên đến 9,3m tại cửa xả Trung Hà (xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc).

Theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc, các trạm bơm đã vận hành kịp thời để tiêu thoát lũ ra sông Hồng và sông Phó Đáy. Tuy nhiên với thời tiết mưa to và kéo dài, nước trong các kênh dẫn dâng cao đã gây nên một số điểm cục bộ gồm: Sạt trượt mái và mặt kênh của kênh xả Trạm bơm Kim Xá (01 điểm khoảng 40m);

Sạt trượt mái và mặt kênh của kênh xả Trạm bơm Kim Xá do bị nước từ trên đồi xả xuống, 1 điểm khoảng 40m.

Sạt trượt mái và mặt kênh của kênh xả Trạm bơm Kim Xá do bị nước từ trên đồi xả xuống, 1 điểm khoảng 40m.

Kênh hút Nguyệt Đức bị sạt trượt bờ kênh tại cầu giao thông số 2 khoảng 10m, đoạn tuyến bờ phải từ cọc H36 đến H39A sạt trượt bờ kênh khoảng 60m và bờ tứ nón cầu đường vành 3 xã Nguyệt Đức;

Kênh xả trạm bơm Nguyệt Đức đoạn cuối tuyến tại xã Trung Hà có chiều dài khoảng 400m tiếp giáp với sông Hồng. Các điểm sạt trượt này phát sinh do quá trình mưa lớn kéo dài nhiều ngày trút xuống kết hợp bơm nước tiêu thoát lũ ra sông trong khi nước sông Hồng và sông Phó Đáy dâng cao.

“Ngay tại thời điểm mưa to kéo dài nhiều ngày, chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu thi công cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên ứng trực 24/24 theo dõi các điểm có nguy cơ sụt lún để kịp thời khắc phục và ngay sau khi có hiện tượng sạt trượt, chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu cùng tư vấn giám sát đưa ra phương án khắc phục để đảm bảo cho bơm tiêu thoát lũ trong mùa mưa lũ;

Trạm bơm tiêu Kim Xá, bơm nước ra sông Phó Đáy khi TP Vĩnh Yên và một số xã lân cận bị ngập úng.

Trạm bơm tiêu Kim Xá, bơm nước ra sông Phó Đáy khi TP Vĩnh Yên và một số xã lân cận bị ngập úng.

Ngay tại những thời điểm mưa lũ khó khăn nhất, các nhà thầu đã huy động nhân lực, máy móc và vật tư thiết bị để khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng công trình, đồng thời cam kết đảm bảo khắc phục triệt để trước khi bàn giao và nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công trình cho Chủ đầu tư”, đại diện Ban QLDA thông tin.

Ban QLDA Sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc – đại diện chủ đầu tư và tư vấn giám sát khẳng định, do tác động của thời tiết mưa lớn kéo dài liên tục trong thời gian vừa qua khiến nền đất ngâm nước lâu ngày khiến nền đất yếu và sụt lún, phía nhà thầu cũng đã có báo cáo kịp thời và đã có phương án xử lý khắc phục trong thời gian sớm nhất.

“Sau khi làm việc với chủ đầu tư, phía nhà thầu khẳng định chất lượng thi công đúng theo thiết kế và đảm bảo tự khắc phục và hoàn thiện theo cam kết trong hợp đồng trước khi chủ đầu tư và tư vấn giám sát chấp thuận nghiệm thu hoàn thành công trình và phát hành chứng chỉ hoàn thành công trình theo hợp đồng.

Khắc phục vị trí sạt trượt kênh tiêu Kim Xá ra sông Phó Đáy.

Khắc phục vị trí sạt trượt kênh tiêu Kim Xá ra sông Phó Đáy.

Trong quá trình thi công cũng như quá trình khắc phục, tư vấn giám sát dự án, giám sát độc lập của Ngân hàng Thế giới cùng chủ đầu tư đã kiểm soát chặt chẽ các bước thi công công trình”, đại diện Ban QLDA thông tin.

Về kế hoạch triển khai trong thời gian tới, đại diện Ban QLDA cho biết sẽ tiếp tục gia cố, khắc phục các điểm sạt trượt đảm bảo yêu cầu vừa tiêu thoát lũ trong mùa mưa 2024 và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật công trình trước khi bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành;

Hoàn thành công trình, tổ chức kiểm định và tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu tổng thể dự án, bàn giao từng hạng mục công trình cho các đơn vị vận hành trong năm 2024 và đầu năm 2025; Tổ chức kiểm toán, trình quyết toán công trình theo quy định.

Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc đến nay đã cơ bản hoàn thành và đang trong quá trình chạy thử nghiệm, nên nhà thầu có trách nhiệm xử lý, khắc phục những điểm sạt lở, nứt gãy xảy ra.

Dự kiến công tác khắc phục sẽ hoàn thành trong tháng 9 khi trời khô ráo.

Dự kiến công tác khắc phục sẽ hoàn thành trong tháng 9 khi trời khô ráo.

Theo Ban QLDA, do Dự án được thiết kế để tiêu thoát tổng thể cho 712km2 của 07 huyện thành phố (Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, thành phố Phúc Yên, Bình Xuyên và thành phố Vĩnh Yên) bên tả sông Phó Đáy bằng giải pháp tiêu cưỡng bức ra sông Phó Đáy và sông Hồng thông qua các 03 trạm bơm và hệ thống các kênh hút từ sông Phan vào hồ chứa (không đầu tư tiêu thoát nước nội đồng và tiêu thoát nước đô thị).

Do đó, để đảm bảo sự bền vững của Dự án cũng như hiệu quả sau đầu tư, các chuyên gia WB đã kiến nghị Tỉnh Vĩnh Phúc cần phải rà soát, đầu tư đồng bộ và kịp thời các hạng mục tiêu thoát lũ nội đồng và nội các đô thị hiện hữu, đảm bảo lũ thoát nhanh ra sông Phan và các kênh hút cũng như hồ trữ nước của Dự án.

Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc được thực hiện trên địa bàn 7 địa phương của Vĩnh Phúc gồm các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, TP Phúc Yên, và TP Vĩnh Yên.

Dự án được chia làm 3 hợp phần: Hợp phần 1 nhằm quản lý rủi ro lũ lụt, thực hiện xây dựng mới 3 trạm bơm tiêu với tổng lưu lượng thiết kế là 145m3/s, xây dựng điều tiết Cầu Tôn - Cầu Sắt, cải tạo nạo vét hệ thống sông Bình Xuyên, cải tạo sông Phan.

Hợp phần 2 của dự án nhằm quản lý môi trường nước, thực hiện xây dựng 5 hệ thống thu gom và xử lý nước thải quy mô nhỏ, xây dựng 33 điểm xử lý nước thải tập trung tại các thôn, xóm, cụm dân cư thuộc khu vực nông thôn dọc sông Phan, xây dựng 6 điểm tập kết rác thải ven sông Phan. Hợp phần 3 nhằm hỗ trợ thực hiện dự án và tăng cường thể chế.

Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc được kỳ vọng hướng đến hiệu ích nâng cao chất lượng sống người dân, bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, tăng hệ số sử dụng đất nông nghiệp, làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị sử dụng đất, góp phần cải thiện môi trường và thu hút các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc.

Dự án được Ngân hàng Thế giới ghi nhận, đánh giá có tiến độ tốt trong các dự án tương tự mà Ngân hàng Thế giới đang cho vay, triển khai thực hiện tại Việt Nam.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vinh-phuc-khac-phuc-tuyen-kenh-muong-bi-hu-hong-sau-mua-lu-post1115596.vov