Vĩnh Phúc: Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm về an toàn thực phẩm
Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các phòng chuyên môn liên quan, phối hợp Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP). Công tác kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Công khai các cơ sở vi phạm
Theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, trong thời gian qua, việc triển khai Luật ATTP, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật khác được sự đồng thuận và nhất trí cao trong các ban, ngành; cấp chính quyền địa phương trong tỉnh. Hơn nữa, để quản lý về ATTP đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh phân cấp cho các huyện, thành thị trên địa bàn tỉnh.
Việc phân cấp quản lý về ATTP cho các huyện, thành phố trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác ATTP, đồng thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, đi lại… Đồng thời, khi Chính phủ ban hành các Nghị định mới, Nghị định sửa đổi, bổ sung về ATTP và các thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương, Sở Công Thương đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn đến UBND các huyện, thành phố, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao ý thức và kiến thức cho các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức thường xuyên, liên tục, đa dạng các hình thức. Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời đưa tin, công khai các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm quy định về vệ sinh ATTP để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cơ sở kinh doanh, đồng thời tăng cường sự giám sát của xã hội.
Sở Công Thương cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan như Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các huyện thành phố trên địa bàn… thành lập các đoàn kiểm tra vào các dịp cao điểm như: Tháng ATTP, Tết trung thu, tết dương lịch, trước trong và sau tết nguyên đán… Trong giai đoạn 2016-2020, đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 608 hành vi vi phạm về lĩnh vực ATTP, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1.170,9 triệu đồng.
Qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, với các hành vi vi phạm chủ yếu như: Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, nhân viên sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được xác nhận kiến thức ATTP, không khám sức khỏe định kỳ; kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm hết hạn sử dụng, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Ngoài ra, từ năm 2018, Sở Công Thương Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP tại tỉnh Vĩnh Phúc”. Qua đó, nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm, năng lực quản lý cho cán bộ, nhân viên Ban quản lý chợ, các doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ và các thương nhân kinh doanh trong việc thực hiện các quy định về vệ sinh ATTP trong phạm vi chợ; góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh…
Nâng cao hiệu quả quản lý
Theo đánh giá chung của Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, công tác đảm bảo ATTP luôn được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời sâu sát của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, sự phối hợp hoạt động chặt chẽ, đồng bộ của các ngành chức năng và chính quyền cấp cơ sở. Theo đó, trong thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội. Hoạt động kinh doanh hàng hóa dịch vụ liên quan đến vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh nhìn chung đã chấp hành các quy định về điều kiện ATTP trong hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, trong công tác bảo đảm ATTP tại địa phương còn một số khó khăn. Cụ thể, nguồn lực làm công tác quản lý nhà nước về ATTP ngành Công Thương từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, thị xã, thành phố hầu như chưa được bổ sung đầy đủ tương xứng với nhiệm vụ được giao; công tác bồi dưỡng, tập huấn cho lực lượng làm công tác này còn thiếu, điều kiện về trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất phân tích, xét nghiệm để phục vụ công tác quản lý hầu như chưa có.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng các quầy hàng kinh doanh đảm bảo vệ sinh ATTP chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, nguồn huy động xã hội hóa công tác bảo đảm vệ sinh ATTP còn khó khăn, hạn chế. Mức xử phạt tiền theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ rất cao, trong khi các cơ sở kinh doanh vi phạm trên địa bàn tỉnh đa số là hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ nên rất khó khăn trong xử lý vi phạm hành chính.
Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương tiếp tục hoàn thiện, ban hành hệ thống quy chuẩn quốc gia với các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý; đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ban, ngành liên quan tiếp tục bố trí nguồn vốn trong các năm tiếp theo để hoàn thiện và nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh ATTP, đồng thời, có hướng dẫn quy định rõ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP tương ứng đối với các đối tượng không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ bổ sung hình thức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không thực hiện cam kết hoặc không thực hiện đúng cam kết về ATTP; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn chuyên sâu về ATTP cho cán bộ quản lý cơ sở.