Vĩnh Phúc: Nhiều 'điểm sáng' trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu

Sự tích cực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và chính quyền các cấp, các sở ban ngành liên quan, đã khơi dậy niềm tin tạo nên sự đồng lòng ủng hộ của người dân Vĩnh Phúc trong triển khai xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan tham dự hội nghị họp bàn về phát triển kinh tế xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường. Ảnh Sỹ Hào.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan tham dự hội nghị họp bàn về phát triển kinh tế xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường. Ảnh Sỹ Hào.

Đồng lòng xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu

Theo lãnh đạo Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc, bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú, 100% các sở, ngành liên quan cấp tỉnh và UBND các huyện, TP đã triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu.

Kế hoạch tuyên truyền, các bản tin, pano, áp phích, tại các cuộc họp chi bộ, họp chính quyền,… truyền tải nội dung các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu đến với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan đơn vị và Nhân dân trong tỉnh.

Qua đó, nội dung, mục đích, ý nghĩa trong việc xây dựng các làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, được đại đa số cán bộ và Nhân dân trong tỉnh ủng hộ, triển khai, thực hiện.

Tính đến ngày 14/7, tại tỉnh Vĩnh Phúc có 14 sở, ban, ngành của địa phương đã ban hành kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc triển khai thực hiện xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, gồm:

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ủy ban MTTQ; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Xây dựng; Sở Giao thông Vận tải; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Và 13 sở, ngành đã ban hành hướng dẫn triển khai các tiêu chí, chính sách hỗ trợ thuộc lĩnh vực phụ trách: Ủy ban MTTQ; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Xây dựng; Sở Giao thông Vận tải; Sở Công Thương; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Giáo dục và Đào tạo; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Người dân thôn Đông, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường trình bày ý kiến về xay dựng làng văn hóa kiểu mẫu triển khai tại địa phương. Ảnh Sỹ Hào

Người dân thôn Đông, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường trình bày ý kiến về xay dựng làng văn hóa kiểu mẫu triển khai tại địa phương. Ảnh Sỹ Hào

Các sở ngành đã thành lập các tổ xuống trực tiếp thôn được phân công phụ trách để phối hợp, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chính sách theo Nghị quyết của HĐND tỉnh xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu; triển khai thực hiện các mô hình đã đăng ký tại 30 làng văn hóa kiểu mẫu được phê duyệt.

Đến nay, 9/9 Huyện ủy/Thành ủy, UBND các huyện, TP đều đã ban hành kế hoạch của Huyện ủy/Thành ủy, kế hoạch của UBND huyện, TP, thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc để triển khai thực hiện xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Nhiều “điểm sáng” trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu

Các vấn đề khó khăn về quy hoạch, đất, bồi thường giải phóng bằng xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu đã được các huyện, TP giải quyết xong để triển khai các dự án khu văn hóa thể thao tại làng văn hóa kiểu mẫu.

Đã có thêm nhiều khu thiết chế văn hóa thể thao được khởi công, xây dựng tại các địa phương như, làng Quảng Cư, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch; thôn Đông, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường; thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên…

Đến thời điểm hiện tại, đã có 28/28 làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh (không bao gồm 2 tuyến phố đi bộ của TP Vĩnh Yên) đã khởi công, xây dựng công trình, thuộc 9 huyện, TP gồm, huyện Bình Xuyên: 3/3 làng; huyện Sông Lô: 3/3 làng; huyện Yên Lạc: 3/3 làng; TP Vĩnh Yên: 1 làng (TDP Gò Nọi, phường Định Trung); huyện Tam Đảo: 5/5 làng; TP Phúc Yên: 3/3 làng; huyện Vĩnh Tường: 4/4 làng; huyện Lập Thạch: 3/3 làng; huyện Tam Dương: 3/3 làng.

Đối với 2 tuyến phố đi bộ của TP Vĩnh Yên, cũng đang được các cơ quan chức năng liên quan lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định. Về nội dung này, Sở Công Thương đã có Văn bản số 841/SCT-QLTM&HTQT ngày 2/6/2023 báo cáo, đề xuất UBND tỉnh về việc đề nghị điều chỉnh đơn vị thực hiện làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn TP Vĩnh Yên liên quan đến hai tuyến phố đi bộ Trần Quốc Tuấn và Hai Bà Trưng.

Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn Vĩnh Phúc cũng gắn với phát triển du lịch, giữ gìn phát huy và làm giàu có hơn giá trị tinh thần của di tích lịch sử, văn hóa lễ hội tại các vùng quê Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào.

Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn Vĩnh Phúc cũng gắn với phát triển du lịch, giữ gìn phát huy và làm giàu có hơn giá trị tinh thần của di tích lịch sử, văn hóa lễ hội tại các vùng quê Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào.

Các huyện, TP đang phối hợp với các sở, ngành phụ trách các chính sách, tiêu chí, mô hình xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu để triển khai, thực hiện các tiêu chí, mô hình theo 33 nội dung Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và hướng dẫn của các cơ quan đơn vị cấp tỉnh.

Việc triển khai xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là chủ trương lớn, đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh.

Triển khai xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu nhằm các mục tiêu vừa nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư, vừa trú trọng phát triển kinh tế xã hội, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần vật chất của người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Chủ trương được triển khai đưa vào cuộc sống có rất nhiều cơ chế hỗ trợ nâng cao chất lượng sống của người dân trên địa bàn.

Qua tìm hiểu phóng viên PL&XH được biết, tại huyện Sông Lô, có 3 thôn thực hiện thí điểm xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu gồm, thôn Đồng Dong, xã Quang Yên; thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu; và thôn Khoái Trung, xã Đức Bác.

Đến thời điểm hiện tại, triển khai xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn huyện Sông Lô đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Nhiều hộ dân xã Hải Lựu được vận động đã hiến đất xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Nhiều tiêu chí xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu tại các thôn triển khai đã đạt các nội dung. Dự kiến, trong tháng 11/2023 sẽ hoàn thành khu thiết chế của 3 làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn huyện.

Tại huyện Vĩnh Tường có 4 đơn vị được tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch, gồm: Thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân; thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh; thôn Đông, xã Phú Đa và thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh. Cả 4 thôn đều có có di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như đền Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh), đền đá (xã Phú Đa), đình Hệ (xã Vĩnh Thịnh) và đình Bàn Mạch, chùa Long Khánh (xã Lý Nhân).

Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, ở các địa phương đều được đầu tư xây dựng các khu thiết chế văn hóa, bao gồm nhà văn hóa, sân thể thao, vườn hoa cây xanh, đường dạo... Những khu thiết chế văn hóa này thường gắn với di tích lịch sử như đình đền chùa có các lễ hội.

Ngoài đầu tư xây dựng khu thiết chế văn hóa, các làng văn hóa kiểu mẫu còn hỗ trợ vốn cho những hộ có điều kiện làm các dịch vụ ngành nghề như mở cửa hàng tiện ích cung ứng đồ gia dụng, hàng khô là sản phẩm OCOP của địa phương, cửa hàng tạp hóa, nhà hàng ăn uống, mô hình du lịch cộng đồng. Với mục tiêu tạo ra sự thay đổi lớn về diện mạo nông thôn mới, tạo ra những điểm nhấn về sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã, đồng thời là điểm thu hút khách du lịch.

Sỹ Hào

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vinh-phuc-nhieu-diem-sang-trong-xay-dung-lang-van-hoa-kieu-mau-346018.html