Vĩnh Thuận phát triển sản phẩm OCOP

Nhằm hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp địa phương theo hướng phát huy nội lực, xây dựng thương hiệu và gia tăng giá trị sản phẩm, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) thúc đẩy thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.

Thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, đến nay huyện Vĩnh Thuận có 23 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên như các sản phẩm tôm khô, khô cá lóc, khô cá kèo, mắm cá lóc, mắm tôm, dưa bồn bồn, nón bồn bồn, chuối chín sấy, khô cá sặc rằn, bánh cốm gạo, dưa lưới, yến tinh chế…

Để góp phần đưa các sản phẩm OCOP của huyện vươn xa hơn, các cấp, ngành huyện chủ động hỗ trợ, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại. Đồng thời, vận động các tổ chức tham gia hoặc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm OCOP tham gia giới thiệu, tiêu thụ tại các hội chợ và trên các sàn giao dịch điện tử. Huyện lồng ghép việc trưng bày các sản phẩm OCOP tiêu biểu vào các hoạt động, hội nghị, hội thảo giúp tiêu thụ sản phẩm.

Các chủ thể sản phẩm OCOP huyện Vĩnh Thuận tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện.

Các chủ thể sản phẩm OCOP huyện Vĩnh Thuận tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vĩnh Thuận Nguyễn Văn Liên cho biết để triển khai hiệu quả chương trình OCOP, huyện phối hợp các sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách chương trình OCOP cấp xã, các chủ thể sản phẩm.

Huyện phân công cán bộ chuyên trách hỗ trợ các chủ thể trong việc hoàn thiện sản phẩm và hồ sơ phục vụ công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đồng thời, lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án, nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các chủ thể phát triển sản phẩm. Nhờ vậy, các sản phẩm OCOP của huyện ngày càng khẳng định được chất lượng, có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Năm 2023, ông Nguyễn Văn Minh, ngụ ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận, nhận được hỗ trợ gần 100 triệu đồng để phát triển sản phẩm kẹo chuối Nhật Hào, được công nhận sản phẩm OCOP. “Nhờ được hỗ trợ, tôi có điều kiện đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng và mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ quá trình sản xuất. Tôi còn được hướng dẫn xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và kiểm định chất lượng sản phẩm theo đúng quy định. Hiện cơ sở sản xuất của tôi hoạt động ổn định, thu nhập khá”, ông Minh nói.

Năm 2025, ngoài việc duy trì và nâng cao chất lượng 23 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP, huyện Vĩnh Thuận phấn đấu có thêm từ 2 - 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao; có ít nhất 30% chủ thể tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại; có ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Sản phẩm được phân làm 6 nhóm chính gồm thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ và sinh vật cảnh; dịch vụ du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Nguyễn Văn Đức, để đạt được mục tiêu về phát triển sản phẩm OCOP, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, đội ngũ tư vấn và chủ thể của sản phẩm OCOP.

Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm để tham gia đánh giá, xếp hạng theo tiêu chuẩn OCOP; tích cực hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và kết nối thị trường tiêu thụ thông qua nhiều hình thức đa dạng và hiệu quả.

Bài và ảnh: TƯỜNG VI

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-de/vinh-thuan-phat-trien-san-pham-ocop-26387.html