Vĩnh Tường tập trung chăm sóc cây trồng vụ Xuân

Đến ngày 3/3/2022, toàn huyện Vĩnh Tường đã gieo trồng được 7.278 ha/7.330 ha, đạt 99,3% kế hoạch, trong đó cây lúa đạt 101,4% kế hoạch. Hiện nay, huyện đang tích cực chỉ đạo các địa phương tuyên truyền vận động nhân dân gieo trồng hết diện tích đúng khung thời vụ và tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.

Nông dân xã Ngũ Kiên tích cực thực hiện các biện pháp hạn chế chuột phá hoại lúa Xuân. Ảnh: Nguyễn Lượng

Nông dân xã Ngũ Kiên tích cực thực hiện các biện pháp hạn chế chuột phá hoại lúa Xuân. Ảnh: Nguyễn Lượng

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường Lê Nguyễn Thành Trung cho biết: Xác định vụ xuân là vụ sản xuất chính, ngay từ cuối vụ Đông 2021, Phòng NN&PTNT huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, cung cấp lịch thời vụ tới các xã và HTX, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về mục đích, ý nghĩa của sản xuất vụ Xuân năm 2022.

Để việc chỉ đạo tập trung, thống nhất và hiệu quả, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất vụ Xuân 2022, phân công các thành viên BCĐ huyện phụ trách từng xã, thị trấn, thường xuyên xuống cơ sở phối hợp với các địa phương nắm bắt diễn biến tình hình.

Hướng dẫn nông dân thực hiện tốt cơ cấu giống, tuân thủ thời vụ gieo trồng và các giải pháp kỹ thuật; vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các chương trình hỗ trợ sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.

Nét mới của vụ Xuân 2022 của huyện Vĩnh Tường là chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây hàng hóa có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ; nông nghiệp có liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đẩy mạnh áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trên tất cả các loại cây trồng, đặc biệt là trên các loại cây rau quả, để đăng ký nhãn hiệu cho một số sản phẩm hàng hóa trên địa bàn.

Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất từ khâu gieo trồng đến thu hoạch và bảo quản chế biến. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuê ruộng, gom ruộng để sản xuất tập trung, nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa lớn.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt trên địa bàn, đặc biệt là đối với những xã đã thực hiện xong việc dồn thửa đổi ruộng.

Để thực hiện đảm bảo đạt và vượt diện tích kế hoạch đề ra theo khung thời vụ của tỉnh, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện phân công cán bộ kỹ thuật về các xã kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn cách chăm sóc lúa và giữ nước ấm cho chân lúa chiêm đầm vùng trũng.

Tích cực kiểm tra ruộng đồng dự báo sâu bệnh trên cây mạ, điều tiết nước giữ mạ tránh chết do rét hại; tuyên truyền khuyến cáo với nông dân “4 đúng” về bảo vệ thực vật, môi trường, kỹ thuật, thời gian chăm sóc mạ và gieo cấy đúng kỹ thuật đảm bảo khung thời vụ gieo trồng.

Quyết tâm của huyện là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa các loại cây; tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; thực hiện đồng bộ các biện pháp trong thâm canh. Khai thác triệt để đất đai, thủy lợi của từng địa phương, sản xuất ra sản phẩm cho năng suất, chất lượng, giá trị cao, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa...

Hiện nay, UBND huyện đang tích cực chỉ đạo các địa phương tuyên truyền trên loa truyền thanh huyện và xã 2 lần/ngày hướng dẫn nông dân cách giữ nước, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tích cực quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), ứng dụng hệ thống canh tác hữu cơ và theo hướng hữu cơ nhằm tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái do lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, nhất là trên các loại cây rau quả.

Chủ động dự tính, dự báo sâu bệnh hại cây trồng để có biện pháp phòng trừ hợp lý, kịp thời; đặc biệt từ ngày 25/2, huyện đã cấp thuốc diệt chuột và hướng dẫn nông dân diệt chuột hại trên cây lúa. Phấn đấu năng suất lúa năm 2022 đạt 67,5 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực vụ xuân 2022 toàn huyện đạt trên 39,2 nghìn tấn.

Xuân Hùng

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74837/vinh-tuong-tap-trung-cham-soc-cay-trong-vu-xuan.html