VITAS đề nghị bỏ Hội đồng EPR
Mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đề xuất, bỏ quy định coi Hội đồng EPR quốc gia là tổ chức đại diện cho nhà sản xuất, nhập khẩu. Bởi Hội đồng EPR sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã có nhiều thay đổi lớn, trong tiếp cận chính sách môi trường. Một trong những điểm nổi bật nhất trong Luật Bảo vệ Môi trường chính là quy định mới liên quan tới EPR, quy định về trách nhiệm tái chế chất thải và trách nhiệm xử lý chất thải.
EPR lần này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy cải cách hệ thống quản lý chất thải rắn hiện nay, từng bước hình thành ngành công nghiệp tái chế và là nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đề xuất, bỏ quy định coi Hội đồng EPR quốc gia là tổ chức đại diện cho nhà sản xuất, nhập khẩu. Bởi Hội đồng EPR sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Được biết, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2022. Trong khoảng thời gian chờ đợi bộ Luật này có hiệu lực, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang chuẩn bị ban hành Dự thảo Nghị định, quy định chi tiết một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng EPR.
Tuy nhiên, trong văn bản góp ý dự thảo Nghị định, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đề xuất, bỏ quy định coi Hội đồng EPR quốc gia là tổ chức đại diện cho nhà sản xuất, nhập khẩu trong Dự thảo.
Đồng thời VITAS đề nghị bỏ quy định “Hội đồng EPR quốc gia quyết định kinh phí hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam từ số tiền do nhà sản xuất, nhập khẩu nộp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo quy định của Chương này”.
Theo VITAS, hoạt động của Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng EPR quốc gia phải sử dụng ngân sách nhà nước, chứ không phải từ quỹ doanh nghiệp nộp.
Bên cạnh đó, Hội đồng EPR quốc gia là tổ chức đại diện cho nhà sản xuất, nhập khẩu nhưng thành phần gồm đại diện các Bộ có chức năng quản lý Nhà nước, như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công thương.
Điều này không thể là đại diện cho các nhà sản xuất, nhập khẩu được, khó đảm bảo sự công bằng, minh bạch. Hội đồng EPR sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Tỷ lệ tái chế không được rõ ràng như các tiêu chí mà các nhà máy may mặc đang tham gia chương trình chứng chỉ GRS. Các doanh nghiệp đã và đang có các biện pháp tái chế tốt tại doanh nghiệp nhưng đang bị các vấn đề pháp lý như hải quan, thuế quan liên quan nên không thực hiện được.
Ngoài đề nghị nêu trên, VITAS cũng kiến nghị sửa đổi điều 38, quy định vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép môi trường.
VITAS cho rằng, nhiều nội dung trong Điều 38 không đúng, tiền kiểm, can thiệp vào quy trình nội bộ của doanh nghiệp, không phù hợp. Do đó, VITAS kiến nghị sửa, theo tinh thần hậu kiểm, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp sau khi cấp giấy phép, không can thiệp quá sâu vào qui trình nội bộ của DN.
“Việc thử nghiệm bao lâu là việc của doanh nghiệp, nhưng trong quá trình thử nghiệm, vận hành chính thức không được gây ô nhiễm môi trường, tuân thủ các quy định yêu cầu của giấy phép môi trường”, VITAS nói.
Tại Điều 88 quy định tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế, theo VITAS cần hạn chế việc điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc dưới 3 năm để doanh nghiệp có thể lên kế hoạch sản xuất kinh doanh trung hạn.
Bên cạnh đó, quy định tối thiểu không dưới 24 tháng và thời hạn công bố tỷ lệ tái chế bắt buộc ít nhất 6 tháng, trước ngày bắt đầu áp dụng tỷ lệ tái chế.
Điều bắt buộc này có mục đích giúp các doanh nghiệp có đủ thời gian lên dự phòng tài chính hoặc kế hoạch tái chế cho doanh nghiệp của mình, trong năm tiếp theo và tỷ lệ này không nên vượt quá 5%, cho mỗi lần điều chỉnh thì doanh nghiệp mới có đủ thời gian và kinh phí để đầu tư nguồn lực cho việc tái chế
Trong khi đó, tại Điều 90, quy định đăng ký kế hoạch, báo cáo kết quả tái chế và kê khai, đóng góp tài chính cho Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ tái chế.
VITAS cho rằng, trong dự thảo Nghị định quy định thời hạn 10 ngày làm việc là quá ngắn để các doanh nghiệp thu thập số liệu và chỉnh sửa kế hoạch tái chế, báo cáo tái chế chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, đề nghị tăng thời hạn quy định lên 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Văn phòng EPR Việt Nam.
Cũng tại Điều 90, VITAS đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định trên theo hướng cho phép doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về báo cáo kết quả tái chế. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm nếu thấy cần thiết.
Đại điện VITAS giải thích: Với số lượng lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hiện nay của Việt Nam, chi phí mà các cơ sở phải bỏ ra để làm kiểm toán là một chi phí không nhỏ, và là khoản chi không cần thiết.
Trong khi đó, doanh nghiệp đang cần nhiều nguồn lực để đầu tư đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường của Nghị định mới, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải chịu nhiều chi phí ngày cao do khủng hoảng kinh tế từ dịch bệnh Covid 19.
Do đó, bên để các doanh nghiệp, cơ sở tự chịu trách nhiệm về kết quả tái chế và cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiến hành hậu kiểm. Nếu phát hiện doanh nghiệp, cơ sở vi phạm thì cơ quan quản lý nhà nước có quyền tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật.
VITAS đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bỏ Điều 97, về việc cung cấp thông tin về sản phẩm, bao bì.
VITAS giải thích: Quy định này trái với quy định hiện hành về nhãn hàng hóa tại Nghị định số 43, trong đó quy định các thông tin này chỉ là tự nguyện.
Điều 97 cũng trái với thông lệ quốc tế, tạo rào cản thương mại bất hợp lý. Gây khó khăn và tốn kém bất hợp lý cho doanh nghiệp khi phải thay đổi toàn bộ nhãn sản phẩm.
Theo TCVN ISO 14021: 2017, biểu tượng tái chế là vòng Mobius. Vòng Mobius cũng là biểu tượng tái chế đã được cả thế giới công nhận và tự nguyện áp dụng rộng rãi.
Do đó, VITAS đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng vòng Mobius làm Biểu tượng tái chế quốc gia để hài hòa với quy định của các quốc gia khác, và việc sử dụng cũng là tự nguyện
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vitas-de-nghi-bo-hoi-dong-epr-post153142.html