VKSND huyện Đông Anh tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến

VKSND huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa phối hợp với TAND cùng cấp mở phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án hình sự ''Bắt giữ người trái pháp luật''.

Phiên tòa xét xử hình sự vụ án ``Bắt giữ người trái pháp luật`` được tổ chức trực tiếp và trực tuyến từ điểm cầu trung tâm TAND huyện Đông Anh kết nối đến 32 điểm cầu gồm Viện Kiểm sát 2 cấp thành phố Hà Nội và Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Học viện Tòa án.

Theo cáo trạng, xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội với C.T.T.A (sinh năm 2005, trú tại huyện Đông Anh), sáng 6/2/2023, 4 bị cáo N.T.N, N.T.M.N, B.T.T.L và N.V.Đ, đều trú tại huyện Đông Anh (Hà Nội) đã chặn đường và ép A lên xe để đi ra một địa điểm cách trường học khoảng 700 m. Tại đây, các đối tượng đã đánh vào mặt, vào đầu và người khiến A ngã nằm xuống đường. Hành động này chỉ dừng lại khi có người dân đi qua can ngăn. Khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đều đang 17 tuổi.

 VKSND huyện Đông Anh tổ chức rút kinh nghiệm trực tuyến phiên tòa hình sự.

VKSND huyện Đông Anh tổ chức rút kinh nghiệm trực tuyến phiên tòa hình sự.

Bốn bị cáo bị VKSND huyện Đông Anh truy tố về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” .Tại phiên xét xử, Hội đồng xét xử các bị cáo tuổi còn trẻ, bồng bột và hành động nông nổi, các bị cáo bị tuyên phạt mức án từ 12 tháng đến 18 tháng tù nhưng đều cho hưởng án treo.

Đây là phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến đầu tiên được kết nối tới 32 điểm cầu nhằm nâng cao kỹ năng xét hỏi, tranh tụng…tới đội ngũ Kiểm sát viên 2 cấp thành phố Hà Nội.

 Đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Trưởng Ban cải cách tư pháp huyện Đông Anh.

Đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Trưởng Ban cải cách tư pháp huyện Đông Anh.

Theo đồng chí Hoàng Lê Thông (Viện trưởng VKSND huyện Đông Anh), để tổ chức thành công một phiên tòa trực tuyến, các cơ quan tố tụng ở cấp cơ sở gặp khá nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn đầu tiên cần đề cập tới là thiếu nhân lực chuyên môn về thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin chuyên sâu. Bên cạnh đó, kinh phí cho riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về phương tiện, máy móc, diện tích… để phiên tòa diễn ra thuận lợi.

Theo đánh giá rút kinh nghiệm sau phiên tòa trực tuyến, các ý kiến đều cho rằng, thẩm phán chủ tọa, Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa đã nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án, chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có liên quan và chủ động áp dụng pháp luật, chuẩn bị tài liệu, kỹ năng đặt câu hỏi, xử lý tình huống, đối đáp… đảm bảo thực hiện công tác xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp.

Đồng chí Hoàng Lê Thông, Viện trưởng VKSND huyện Đông Anh.

Đồng chí Hoàng Lê Thông, Viện trưởng VKSND huyện Đông Anh.

Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thanh (Chủ tọa phiên tòa) cho biết, "khi lựa chọn vụ án này, do các bị cáo đều là trẻ vị thành niên nên chúng tôi lựa chọn hình thức tổ chức phiên tòa thân thiện, thẩm phán không mặc áo choàng, để không ảnh hưởng đến tâm, sinh lí của các bị cáo. Đồng thời, các câu xét hỏi chúng tôi cũng hỏi nhẹ nhàng, thân thiện hơn, để các cháu tự tin hơn khi trả lời, không áp lực quá để trả lời trung thực hơn. Bên cạnh đó, cũng vừa xét xử vừa tuyên truyền để thay đổi nhận thức của các bị cáo về hành vi bạo lực học đường".

Kiểm sát viên Nguyễn Xuân Luân, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa, chia sẻ: "Khi vụ án này được lựa chọn làm xét xử trực tuyến rút kinh nghiệm cho toàn ngành Kiểm sát thành phố với đông đảo người tham dự, theo dõi, bản thân tôi thấy khá áp lực. Nhưng cũng chính từ áp lực này, tôi đã cẩn thận hơn trong việc nghiên cứu chi tiết từng bút lục trong hồ sơ vụ án, nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan khác trong quá trình giải quyết vụ án, đồng thời, dự thảo các tình huống có thể diễn ra tại phiên tòa để chủ động trong quá trình kiểm sát xét xử, tranh tụng".

Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đông Anh, ông Nguyễn Lâm Bình đánh giá: "Khi thẩm phán được phân công giải quyết một vụ án, bản thân họ vốn đã cẩn thận rồi thì lại càng phải cẩn trọng hơn nữa trong công tác chuẩn bị cho phiên tòa xét xử trực tuyến. Về phía Kiểm sát viên khi tiến hành kiểm sát việc xét xử họ cũng cần chủ động chuẩn bị kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa. Đặc biệt lưu ý tới các kỹ năng xử lý tình huống tại phiên tòa, kỹ năng tranh tụng và đánh giá hệ thống các chứng cứ, tài liệu… Từ đó, đảm bảo đầy đủ các quyền và nghĩa vụ cho người tham gia tố tụng, thực hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm".

 Hội nghị rút kinh nghiệm trực tuyến phiên tòa được kết nối tới các điểm cầu VKS 2 cấp thành phố Hà Nội.

Hội nghị rút kinh nghiệm trực tuyến phiên tòa được kết nối tới các điểm cầu VKS 2 cấp thành phố Hà Nội.

Tham dự và chỉ đạo tại điểm cầu tổ chức ở VKSND huyện Đông Anh, đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Trưởng Ban cải cách tư pháp huyện Đông Anh ghi nhận, biểu dương các cơ quan tư pháp huyện Đông Anh đã tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm trực tuyến hiệu quả, ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo từ cơ sở vật chất đến nội dung phiên tòa của 2 ngành Tòa án và VKS huyện Đông Anh.

Hiệu quả của phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến còn thể hiện ở việc, thông qua phiên tòa, cán bộ tham dự tại các điểm cầu được học tập, rút kinh nghiệm thực tiễn qua phiên xét xử thực tiễn. Đồng thời, thông qua phiên tòa, tại các điểm cầu còn có sự tham dự của đại diện các Ban, ngành, đoàn thể như: Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, nhà trường…. Đạt hiệu quả về tuyên truyền, phổ biên, giáo dục pháp luật, đặc biệt là những vấn đề phạm tội liên quan đến thanh thiếu niên, và bạo lực học đường.

Nhóm PV

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/vksnd-huyen-dong-anh-to-chuc-phien-toa-hinh-su-rut-kinh-nghiem-truc-tuyen-160220.html