VKSND tỉnh Thanh Hóa báo cáo kết quả công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm 2024 tại kỳ họp HĐND

Ngày 8/7/2024, đồng chí Lê Văn Đông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa đã trình bày Báo cáo công tác của VKSND tỉnh Thanh Hóa tại Kỳ họp thứ 20 - HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Theo báo cáo của VKSND tỉnh Thanh Hóa, năm 2024 tình hình tội phạm có giảm so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên, một số loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Đã phát hiện khởi tố 1.180 vụ, 2.358 bị can (giảm 79 vụ, 208 bị can so với cùng kỳ - tương ứng giảm 6,3% về số vụ và 8,1% về số bị can).

Đáng chú ý, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng cả về số vụ và số bị can; tính chất, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi; đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thường là người có trình độ, có chức vụ, nhiều đối tượng là đảng viên; có vụ án liên quan đến nhiều đối tượng, quy mô lớn, diễn biến ra trong thời gian dài, tội phạm chủ yếu được phát hiện liên quan đến lĩnh vực đất đai nên việc phát hiện, xử lý tội phạm gặp nhiều khó khăn.

Đồng chí Lê Văn Đông - Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa trình bày báo cáo tại Kỳ họp.

Đồng chí Lê Văn Đông - Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa trình bày báo cáo tại Kỳ họp.

Tình hình vi phạm trong hoạt động tư pháp: các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cơ bản đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn còn để xảy ra những thiếu sót, vi phạm, như: có dấu hiệu tội phạm nhưng chậm ra quyết định khởi tố; không thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ làm căn cứ cho việc giải quyết tố giác về tội phạm; vi phạm trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ; vi phạm trong việc áp dụng pháp luật; vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử; chậm gửi bản án, quyết định cho Viện kiểm sát…

VKSND tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Trong kỳ, Viện kiểm sát yêu cầu CQĐT khởi tố 5 vụ, 27 bị can (CQĐT đã khởi tố 5 vụ, 27 bị can); hủy bỏ 1 quyết định khởi tố vụ án; yêu cầu thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố đối với 2 vụ, 2 bị can; ban hành 32 kiến nghị yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm, 35 kiến nghị phòng ngừa vi phạm và tội phạm, các kiến nghị đều được chấp nhận, tiếp thu. VKSND tỉnh ban hành 9 thông báo rút kinh nghiệm và 20 văn bản trả lời thỉnh thị cho cấp huyện.

Nổi bật, Viện trưởng VKSND tỉnh đã ban hành 1 kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh về chỉ đạo lực lượng Công an chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện và tập trung đấu tranh triệt phá các đối tượng, ổ nhóm có hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” và 1 kiến nghị đến Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực cấp giấy tờ, thủ tục liên quan đến đất đai, đồng thời tiến hành rà soát, kiểm tra, thanh tra tại các Văn phòng đăng ký đất đai và cán bộ, viên chức Văn phòng đăng ký đất đai trên toàn tỉnh về việc thực hiện, chức năng, nhiệm vụ.

Sáu tháng đầu năm 2024, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả tích cực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm sát được tăng cường, nổi bật như: Hai cấp kiểm sát đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu Quốc hội và VKSND tối cao giao (tính cho 6 tháng), có 51 chỉ tiêu vượt yêu cầu đề chỉ tiêu có tỷ lệ đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Toàn cảnh Kỳ họp.

Toàn cảnh Kỳ họp.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng, hiệu quả giải quyết án được nâng cao, đảm bảo chính xác, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm thuộc trường hợp phải bồi thường hoặc Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội. Các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, án trọng điểm cơ bản được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời. Chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, xác định và thực hiện nhiều nội dung trọng tâm, đột phá.

Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh đã bám sát và tuân thủ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát, phối hợp của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban MTTQ trong hoạt động công tác kiểm sát, công tác xây dựng Ngành. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện tăng cường lãnh đạo đối với các đơn vị VKSND cấp huyện; tăng cường làm việc với cấp ủy, chính quyền cấp huyện để được quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với hoạt động công tác của VKSND cấp huyện.

Phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án nhân dân tỉnh triển khai thực hiện quy chế phối hợp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Phối hợp tổ chức họp xét chọn 152 vụ án trọng điểm; phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức 412 phiên tòa rút kinh nghiệm (Gồm: 275 phiên tòa hình sự, 137 phiên tòa dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại).

Phát biểu tại Kỳ họp, đồng chí Lê Văn Đông, Viện trưởng VKSND tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kiểm sát Thanh Hóa trong 6 tháng cuối năm 2024, trong đó, đặc biệt VKSND hai cấp cần tiếp tục tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc nổi cộm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án, vụ việc về tham nhũng, chức vụ.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp.

Tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả, chất lượng nhiệm vụ trọng tâm đột phá kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc dân sự; đẩy mạnh công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, hành chính ở VKSND hai cấp. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng; kiện toàn tổ chức bộ máy ở Viện kiểm sát hai cấp; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định và hướng dẫn của VKSND tối cao. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản, ngân sách Nhà nước; nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp; tổ chức thực hiện tốt các dự án đầu tư công, đặc biệt là việc xây dựng Trụ sở VKSND tỉnh.

Bên cạnh đó, chủ động kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm và các cơ quan hữu quan loại trừ các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm để bảo vệ quyền, lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, đồng chí Viện trưởng cũng đề xuất một số kiến nghị đối với HĐND tỉnh như:

Tăng cường giám sát hoạt động công tác của các cơ quan tư pháp nói chung và VKSND nói riêng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thực hiện giám sát chuyên đề về thực trạng tình hình vi phạm, tội phạm xâm hại trẻ em và vi phạm, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên.

Tăng cường giám sát hoạt động quản lý, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với việc thực hiện quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các hoạt động kinh doanh dịch vụ có điều kiện nhằm giảm thiểu các ổ nhóm hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường giám sát về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực cấp giấy tờ, thủ tục liên quan đến đất đai (điển hình là giám sát trình tự, thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình...); giám sát về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động công chứng, chứng thực trong lĩnh vực dân sự trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết những khiếu kiện hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai./.

Xuân Sơn - Tuấn Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/vksnd-tinh-thanh-hoa-bao-cao-ket-qua-cong-tac-kiem-sat-6-thang-dau-nam-2024-tai-ky-hop-hdnd-160864.html