VN-Index có thể vượt 1.400 điểm, chọn cổ phiếu nào để đón sóng?

Theo VPBankS, có 8 nhóm ngành nằm trong danh sách tiềm năng của năm 2025...

Bất chấp những ẩn số khó đoán của năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được nhiều chuyên gia tại hội thảo "Vững vàng vượt sóng" đánh giá sẽ vượt 1.400 điểm. Tuy nhiên, do cơ hội không dành cho số đông, nên nhà đầu tư cần phải nhanh chóng giải bài toán “trồng cây gì, nuôi con gì”.

KINH TẾ THÊM NHIỀU ĐỘNG LỰC MỚI

Chia sẻ tại hội thảo trên, ông Vũ Hữu Điền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VPBankS đánh giá, thị trường chứng khoán đã có một năm 2024 không hề dễ dàng.

 Ông Vũ Hữu Điền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VPBankS

Ông Vũ Hữu Điền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VPBankS

Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 3,1 tỷ USD từ đầu năm đến nay, con số này lớn nhất trong suốt 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thêm vào đó, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng và tiền số... càng làm trầm trọng thêm tình hình.

Do đó, phần lớn thời gian VN-Index lình xình trong vùng 1.200 - 1.300 điểm. Mốc 1.300 điểm được xem như kháng cự cứng của chỉ số khi “năm lần, bảy lượt” VN-Index quay đầu giảm ở vùng điểm này. Ở chiều ngược lại, vùng 1.200 điểm là hỗ trợ mạnh khi luôn thường trực lực cầu tham gia “bắt đáy”.

Theo ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), diễn biến của thị trường chứng khoán năm 2024 đã phản ánh rất đúng nền kinh tế Việt Nam. Tức về mặt ngoài có sự cải thiện nhất định nhưng không thể bứt phá, giống với sự trồi sụt của chỉ số VN-Index qua các tháng.

Bước sang năm 2025, ông Thế Anh cho rằng, Việt Nam sẽ đứng trước nhiều câu chuyện lớn, không như trước đây bị bó hẹp trong phạm vi cải cách kinh tế. Còn bối cảnh hiện tại rộng hơn liên quan đến đổi mới thể chế, môi trường kinh doanh, điển hình là sắp xếp lại bộ máy.

Như vậy, Chính phủ Việt Nam cho thấy rõ hướng đi từ cải cách thể chế, sau đó đi vào các chính sách kinh tế lớn có thể kể đến như sân bay Long Thành, điện hạt nhân, thu hút các “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ, đường sắt cao tốc Bắc - Nam… giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

"Đồng thời, về ngắn hạn, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là đầu tư công, với việc khởi động một loạt dự án mới. Tiếp đó là xuất khẩu, mặc dù tăng trưởng có thể chậm lại trên nền cao của 2024, cộng với bất ổn do chính sách thuế của Donal Trump. Động lực cuối cùng là xu hướng chuyển dịch thương mại vào Việt Nam, với không chỉ ưu thế về vị trí địa lý mà còn là chi phí lao động rẻ", ông Thế Anh nói.

Chung quan điểm ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank cho rằng, sang 2025, Việt Nam vẫn có thể đối diện nhiều rủi ro, thách thức nhưng cũng có những lợi thế đặc biệt khi nước ta có nền kinh tế mở và phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, điều này có thể bị ảnh hưởng bởi những biến động từ các nền kinh tế lớn và các thị trường mới nổi. Do đó, vị chuyên gia dự báo GDP của Việt Nam năm 2025 sẽ đạt 6,6-6,8%.

8 NHÓM NGÀNH TIỀM NĂNG

Với nhận định như trên về vĩ mô, ông Sơn cho rằng, bức tranh lợi nhuận năm 2025 vẫn tiếp tục được dự báo khả quan với tốc độ tăng trưởng có thể đạt 25-30% với xu hướng hồi phục của kinh tế vẫn là động lực giúp các nhóm ngành tăng trưởng.

Song hành với tăng trưởng lợi nhuận, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tương đối hấp dẫn so với nhiều nước trong khu vực và Emerging Market, trong khi đó ROE của Việt Nam ở mức cao. Theo đó, P/E hiện của chỉ số đang ở mức gần 15 lần, thấp hơn trung vị 10 năm gần đây.

Năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đối mặt với những rung lắc trong đầu năm 2025. Hiện tại là giai đoạn tích lũy mang tính lịch sử, tương tự như giai đoạn trước sóng WTO, trước sóng thoái vốn Nhà nước và hiện tại tích lũy cho con sóng nâng hạng thị trường nửa cuối 2025.

"Dự báo giai đoạn cuối năm 2024 đến nửa đầu 2025, thanh khoản thị trường có thể tiếp tục đi ngang trên nền trung bình thấp, sau đó tăng cao trở lại từ tháng 8, 9 - thời điểm chuẩn bị kích hoạt việc nâng hạng. Chỉ số VN-Index có thể đạt mức cao nhất là quanh 1.400 điểm", ông Sơn đưa nhận định.

Cũng tại hội thảo, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu VPBankS đưa ra danh sách 8 ngành tiềm năng cho năm 2025, bao gồm: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản công nghiệp, thép, bán lẻ, dầu khí, cảng biển và dệt may. Tuy nhiên, mỗi ngành đều có những cơ hội và thách thức riêng, nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn phù hợp với khẩu vị rủi ro của bản thân.

Vũ Phong

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/vn-index-co-the-vuot-1400-diem-chon-co-phieu-nao-de-don-song-post556685.html