VN-Index điều chỉnh, đánh rơi mốc 1.235 điểm

Thị trường chứng khoán ghi nhận một phiên giao dịch (ngày 15/8) khá ảm đạm khi dòng tiền suy giảm và có phần thận trọng hơn, chỉ số điều chỉnh giảm nhẹ về dưới tham chiếu.

VN-Index mở cửa tăng điểm nhẹ nhưng đã nhanh chóng đảo chiều rơi xuống dưới mức tham chiếu và diễn biến này được duy trì hầu như xuyên suốt cả phiên. Cung giá thấp quay lại khiến thị trường có phiên biến động giằng co dưới vùng tham chiếu.

Kết phiên, thị trường có nỗ lực hồi phục khi VN-Index về còn 1.234 điểm, giảm nhẹ 2,8 điểm (-0,23%). VN30 cũng giảm không đáng kể 0,18% với 17 mã mất điểm. VNMidcap -0,29%, VNSmallcap +0,47%.

VN-Index giằng co trong biên độ hẹp, giảm gần 3 điểm so với tham chiếu.

VN-Index giằng co trong biên độ hẹp, giảm gần 3 điểm so với tham chiếu.

Phần còn lại của thị trường mặc dù sắc đỏ chiếm ưu thế tuy nhiên điểm số không biến động quá lớn. Trên sàn HOSE, số cổ phiếu tăng giá là 232 mã và nhỉnh hơn đôi chút so với số cổ phiếu giảm giá là 221. Độ rộng thị trường khá cân bằng với 8/18 ngành tăng điểm, và dòng tiền có xu hướng tìm đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước vừa có Văn bản số 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%. Nhưng, dường như thị trường rất thờ ơ với thông tin này, không tạo ra chất xúc tác nào tới các cổ phiếu, nhóm ngành. Thậm chí, nhóm Ngân hàng còn giảm tới 0,3%, dù có một số mã duy trì được sắc xanh khi đóng cửa như: TCB (+0,7%), TPB (+1,9%), CTG (+0,3%) và VPB (+0,2%).

Bất động sản và Chứng khoán sau phiên bùng nổ ngày hôm qua cũng rơi vào trạng thái ảm đạm, giảm lần lượt là 0,7% và 1,1%. Không chỉ kéo sụt giảm nhóm bất động sản, VIC còn tạo gánh nặng lớn nhất cho thị trường khi mất 3,5% giá trị, khớp lệnh 14,7 triệu đơn vị.

Diễn biến này khá bất ngờ khi hôm nay, VinFast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ - sự kiện tác động tích cực đến đà tăng của cổ phiếu Vingroup thời gian gần đây. Tuy nhiên, sau chuỗi tăng 2 tuần liên tiếp hơn 40%, việc VIC đối mặt với áp lực chốt lời cũng là điều dễ hiểu.

Ngược lại, VRE bất ngờ tăng 3,3% về cuối phiên đi kèm khối lượng giao dịch tăng vọt, trở thành mã hàng đầu nâng đỡ thị trường cùng với VHM (+0,8%) và FPT (+1,7%).

Ở những nơi khác, một số cổ phiếu đơn lẻ ở các nhóm ngành bất động sản, xây dựng, hóa chất, dược phẩm, dịch vụ nhận lực cầu tương đối tốt như: HAR (+2,9%), CKG (+3,2%), HQC (+3,3%), DHG (+3,4%)...

Thanh khoản ghi nhận sự sụt giảm nhẹ 10%, phần lớn do sự dè dặt trong giao dịch khi các nhà đầu tư chuyển tâm lý thận trọng hơn, nhưng nhìn chung vẫn tương đương mức thanh khoản bình quân trong nhịp tăng giá tính từ đầu tháng 7 đến nay.

Giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt mức 22.466 tỷ đồng với 1,1 tỷ cổ phiếu trao tay. Trong đó, VN-Index là 19.213 tỷ đồng với 912 triệu cổ phiếu, HNX-Index là 2.243 tỷ đồng với 126 triệu cổ phiếu, UPCoM là 1.034 tỷ đồng với 69 triệu cổ phiếu.

Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay, khối này bán ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX và là phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp, với giá trị bán ròng 540 tỷ đồng, tập trung tại VPB (-132 tỷ đồng), VIC (-108 tỷ đồng). Chiều mua ròng ghi nhận chủ yếu ở CTG (+78 tỷ đồng) và HSG (+61 tỷ đồng), góp phần nâng đỡ giá cổ phiếu.

Minh Lâm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/vn-index-dieu-chinh-danh-roi-moc-1-235-diem.html