VN-Index giảm mạnh, lùi xuống mức thấp nhất 1 tháng
Áp lực T+3 có lẽ đã chuyển thành T+4, khi hôm nay nhà đầu tư bán mạnh ở nhiều cổ phiếu, đẩy VN-Index lao dốc xuống quanh 1.473 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 1 vừa qua. Thanh khoản hôm nay lại vượt 30 ngàn tỷ và lên mức cao nhất 8 phiên.
Giảm giá lan rộng
Thị trường những phiên vừa qua tuy chỉ số đi ngang nhưng vẫn rất hấp dẫn khi có các nhóm cổ phiếu tăng tích cực. Dầu khí, thép, phân bón, than, khoáng sản... tiến triển rất tốt và dòng tiền tập trung vào đây, bỏ qua xu hướng chỉ số. Hôm nay tình thế thay đổi tiêu cực, khi chỉ số giảm mạnh và đồng loạt các nhóm cổ phiếu đều bị xả.
Cần nhấn mạnh rằng diễn biến giá hàng hóa toàn cầu vẫn đang tăng rất mạnh, thậm chí trong phiên hôm nay giá dầu vẫn đi lên, nhưng cổ phiếu dầu khí bị bán nhiều và giảm sâu. Các mã thép, phân bón cũng chung số phận.
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index
GAS sụt giảm 3,13%, PLX giảm 3,16% là hai cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất và có tác động lớn nhất đến VN-Index. Nhóm thép chứng kiến HPG rơi 3,23%. Nhóm ngân hàng có VCB giảm sốc 4%.
Với 95 cổ phiếu tăng giá trên HoSE nhưng tới 370 cổ phiếu giảm, có thể hiểu rằng cứ 10 cổ phiếu ngẫu nhiên thì chỉ có khoảng 2,5 cổ phiếu tăng giá. Khi số lượng cổ phiếu giảm giá quá nhiều thì không thể đổ lỗi cho thị trường lao dốc là do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn được, dù đây đúng là các mã khiến điểm số mất nhiều nhất.
Cổ phiếu ngân hàng là ví dụ, tăng giá rất ít, thậm chí toàn giảm trong ngắn hạn, nhưng vẫn tiếp tục bị bán. Đó không phải là hành động chốt lời mà là cắt lỗ. Các cổ phiếu dầu khí, than, thép, phân bón tăng mạnh vừa qua bị bán là bình thường. Trong khi đó phía tăng giá đã không còn yếu tố nhóm ngành hưởng lợi nữa, mà thuần túy là dòng tiền đầu cơ có khỏe hay không. Có thể kể tới FTM, DAH, OGC, TGG, SJF... toàn các cổ phiếu đầu cơ “máu mặt” đã từng có sóng mạnh trước đây dù có chiến tranh hay giá hàng hóa cơ bản thế nào...
Nhóm blue-chips dĩ nhiên là các cổ phiếu đáng thất vọng nhất phiên này. VN30-Index đóng cửa giảm 1,26% giá trị và chỉ còn 6 mã tăng được, trong khi 22 mã giảm, trong đó 15 cổ phiếu giảm mạnh hơn chỉ số đại diện. Dầu khí, ngân hàng và thép là các nhóm cổ phiếu điều chỉnh mạnh nhất.
Điều cực kỳ may mắn cho thị trường hôm nay là những trụ lớn vẫn còn “dùng dằng” chưa lao dốc: VIC giảm khá nhẹ 0,76%, VMN giảm dưới 1%, TCB giảm 0,51%, CTG 0,31%. Nhóm này chưa tham gia nhiều vào tạo áp lực kéo điểm số xuống, nên mức giảm 25 điểm cho thấy số còn lại giảm rất mạnh. Trước phiên hôm nay, VN-Index từng chứng kiến mức giảm 30 điểm hôm 14/2 hay hơn 33 điểm hôm 24/1 vừa qua. Đó là những phiên chỉ số bị ảnh hưởng toàn diện bởi các trụ.
Áp lực nội tại
Hôm nay không thể đổ cho thị trường giảm mạnh là do ảnh hưởng của chiến tranh hay điều gì khác. Mọi yếu tố bối cảnh vẫn y hệt ngày hôm qua, thậm chí còn tốt hơn: Chứng khoán thế giới phục hồi, thậm chí các thị trường châu Âu còn tăng điểm, giá hàng hóa cơ bản không hề giảm. Điều này cho thấy cổ phiếu giảm giá có yếu tố áp lực nội tại nhất định.
Nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản phản ánh rõ điều này. Giá dầu tăng cực mạnh nhưng cổ phiếu dầu khí nhiều mã giảm dưới áp lực bán lớn. Cổ phiếu phân bón tăng liên tục cũng có phiên quay đầu giảm. Đây thực sự là các cổ phiếu bị áp lực chốt lời vì nhà đầu tư muốn thu lợi nhuận về.
Thực tế mức giảm mạnh của VN-Index hôm nay có sự cộng hưởng nhất định từ nhóm dầu khí (tiêu biểu là GAS), thép (tiêu biểu là HPG) bị chốt lời mạnh và giảm, với cổ phiếu ngân hàng yếu ớt (tiêu biểu là VCB). Kịch bản đơn giản là nếu cổ phiếu thép và dầu khí vẫn tăng, điểm số sẽ mất không nhiều.
Dù vậy thị trường giảm vẫn cứ là giảm, đặc biệt khi có hơn 300 mã đỏ. VN-Index đang phát tín hiệu xấu hơn về mặt kỹ thuật, khi ngưỡng 1500 điểm không còn. Mốc này ngoài yếu tố tâm lý và số tròn, còn là ngưỡng phân chia hai nửa của vùng dao động đi ngang hiện tại ở chỉ số. Khi VN-Index duy trì trên mốc 1.500 điểm thì cơ hội thuận lợi hơn là chỉ số tiến về vùng đỉnh cũ 1.536-1.540 điểm. Ngược lại nếu giảm thấp hơn thì thuận lợi hơn là chỉ số kiểm định lại đáy ngắn hạn quanh 1420 điểm.