VN-Index giữ thành công mốc 1.290 điểm

VN-Index khởi đầu tuần mới tích cực, tuy có đánh rơi mục tiêu 1.300 điểm nhưng vẫn duy trì được sắc xanh, thành công vượt qua thử thách 1.290 điểm.

Sau 3 phiên liên tiếp “chao đảo” trước mốc 1.290 điểm, chỉ số VN-Index đã chính thức vượt qua thử thách này trong phiên giao dịch tuần ngày 10/6, thậm chí có nhịp tăng tốc khá tốt ngay từ đầu phiên sáng.

Sắc xanh lan tỏa ở nhiều nhóm ngành, cùng thanh khoản cải thiện đưa VN-Index tiệm cận vùng đỉnh cũ 1.300 điểm của tháng 3/2024. Mức cao nhất chỉ số trong phiên sáng nay lên tới 1.297,39 điểm, tăng gần 10 điểm so với tham chiếu. Tuy nhiên, đà tăng không có quán tính, toàn bộ mức tăng này sau đó đã “vấp” phải lực chốt lời sớm, khiến chỉ số lui lại 5 điểm.

VN-Index mở cửa đầu tuần với tâm lý tích cự.

VN-Index mở cửa đầu tuần với tâm lý tích cự.

Bước sang phiên chiều, áp lực gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến chỉ số nhóm VN30 đảo chiều giảm và VN-Index vì thế cũng mất đà đi xuống. Diễn biến giao dịch giằng co chủ yếu đến từ sức ép của nhóm trụ, trong khi dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Đến cuối phiên, lực cầu hấp thụ tích cực đã được kích hoạt, giúp thị trường tìm lại sắc xanh. Kết phiên, VN-Index thành công trụ lại ở 1.290,67 điểm, tăng 3 điểm, tương đương tăng 0,24%. Tổng khối lượng giao dịch đạt 858,65 triệu đơn vị, giá trị 21.617,83 tỷ đồng, tăng hơn 23% về khối lượng và 21,1% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 7/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 79,68 triệu đơn vị, giá trị 2.160 tỷ đồng.

Rổ VN30 cũng tăng hơn 3 điểm, lên mốc 1.311,1 điểm. Dòng tiền ở nhóm trụ phân hóa với với 11 mã tăng và 15 mã giảm, trong đó, chiều tăng mạnh nhất có GVR (+3,4%), CTG (+2,1%), FPT (+1,4%).

FPT vẫn là điểm nhấn của thị trường khi quá trình đi lên dường như chưa có dấu hiệu ngừng nghỉ, xác lập đỉnh lịch sử mới khi đóng cửa tại mức giá 144.000 đồng/CP và thanh khoản vẫn giữ nhiệt sôi động với gần 3,8 triệu đơn vị khớp lệnh. Như vậy, tính trong khoảng 1 năm qua, giá cổ phiếu FPT đã lên hơn gấp đôi, từ dưới mốc 72.000 đồng/CP và hiện vốn hóa thị trường đã lên tới gần 182.880 tỷ đồng.

Ngày 13/6 tới đây, FPT sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt còn lại năm 2023 với tỷ lệ 10%. Ngày thanh toán dự kiến là 20/6. Đồng thời, ngày 13/6 cũng là ngày FPT chốt danh sách cổ đông thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Công ty sẽ phát hành thêm 190,5 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 20:3 (cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ nhận thêm 3 cổ phiếu mới).

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu Vận tải biển nổi bật với vai trò dẫn dắt thị trường nhờ HAH, VOS và hàng loạt mã khác cùng tăng trần như SGP, GSP, VTO, VNA, VNL, CAG, QNP… VSC và GMD cũng tăng hơn 4%, PVT tăng 5,6%. Trong đó, GMD xác lập đỉnh mới ở vùng giá 86.900 đồng/CP.

Diễn biến "dậy sóng" của nhóm cổ phiếu vận tải biển hưởng ứng việc giá cước tăng đáng kể thời gian qua. Nguyên nhân khiến cước tàu biển tăng đến từ xung đột địa chính trị đang làm ảnh hưởng giá cước tàu biển trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Mỹ lên kế hoạch áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa Trung Quốc từ tháng 8 khiến các nhà xuất khẩu nước này đẩy mạnh xuất hàng trước thời hạn. Các công ty xuất khẩu vừa và nhỏ vốn nhạy cảm với những thay đổi về giá cước đường biển lại không thể tìm được tàu.

Nhóm cổ phiếu Cao su, Thép, Xuất khẩu cũng diễn biến khá tích cực, có thể kể đến: DPR tăng trần, GVR (+3,4%), DRC (+2,8%); IDI (+5,4%), ANV (+2,2%), TNG (+3,03%) VHC (+2,98%); HSG (+2,13%), NKG (+3,1%)...

Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục bán ròng với giá trị hơn 1.105 tỷ đồng, tập trung bán ròng ở các mã như FPT (-172 tỷ đồng), HPG (-118 tỷ đồng), VNM (-100 tỷ đồng)… Ở chiều ngược lại, tập trung mua ròng ở các mã như FRT (+44 tỷ đồng), STB (+39 tỷ đồng), GVR (+30 tỷ đồng)…

Minh Lâm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/vn-index-giu-thanh-cong-moc-1-290-diem.html