VN-Index 'lao dốc' cuối phiên, khối ngoại bán ròng mạnh MWG
Phiên đầu tuần, VN-Index giao dịch tích cực trên mức tham chiếu suốt phần lớn thời gian giao dịch. Tuy nhiên đến cuối phiên bên bán 'ra hàng' mạnh mẽ khiến chỉ số đảo chiều.

Giao dịch nhóm vốn hóa lớn phiên 17/2.
Kết phiên 17/2, VN-Index lui xuống mốc 1.272,72 điểm, giảm hơn 3 điểm so với đóng cửa phiên thứ Sáu tuần trước.
Ngược chiều, HNX-Index vẫn tăng gần 2 điểm, UPCoM cũng tăng hơn 1 điểm. Thanh khoản gia tăng đáng kể so với mức trung bình thời gian gần đây. Giá trị khớp lệnh đạt hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó khối ngoại chiếm hơn 3.000 tỷ đồng và tiếp tục xu hướng bán ròng.
Trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 600 tỷ đồng, tập trung “xả” MWG với 162 tỷ đồng, VNM hơn 100 tỷ đồng; HDB, FPT hơn 70 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có SSI 45 tỷ đồng; NLG, HCM, DBC trên 30 tỷ đồng; DGC, SAB, FRT, VCB, CTG, VRE, MSN, CTR, VND trên 20 tỷ đồng…
Chiều ngược lại, hai mã được mua ròng mạnh nhất là HPG và EIB với hơn 50 tỷ đồng, kế đến là SHB 45 tỷ đồng, VHM 38 tỷ đồng; PC1, GEX, VIX, VTP hơn 10 tỷ đồng…
Trong tuần trước, khối ngoại bán ròng 1.800 tỷ đồng, giảm so với tuần trước đó (hơn 4.000 tỷ đồng). Cổ phiếu MWG bị bán ròng mạnh nhất với giá trị gần 480 tỷ đồng. Tiếp theo là VNM bị bán ròng hơn 420 tỷ đồng.
Thị trường hôm nay chịu áp lực giảm từ nhóm vốn hóa lớn. Chỉ số VN30 giảm 6,5 điểm về mốc 1.334,01 điểm. Đa số các mã đều kết phiên trong sắc đỏ. Trong đó, hai mã bán lẻ có mức giảm sâu nhất: MSN -2,5%, MWG -2%. Trong đó, MWG của Thế giới Di động lùi về giá 54.100 đồng/cp – mức thấp nhất kể từ tháng 4/2024. Kể từ vùng đỉnh năm 2024 gần 70.000 đồng/cp (hồi tháng 8/2024), mã đã giảm 23% giá trị.
Các mã bluechip giảm đáng kể khác là BVH -1,5%, TCB -1,2%, BID -1,1%, CTG -1%, SAB -1%; các mã khác giảm nhẹ. Chiều tăng có SHB tích cực nhất +1,9%, kế đến là SSB +1,8%. ACB, GAS, GVR, HPG, SSI, STB, VJC tăng nhẹ.
Xét về nhóm ngành, dòng tiền phân hóa theo hướng ưu ái các cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Tại nhóm ngân hàng, một số mã tăng mạnh gồm VAB +7,2%, VBB +4,4%, NVB +5,8%, ABB +4%, PGB +2%... Tuy nhiên vốn hóa toàn nhóm vẫn bị kéo xuống khi đa số các mã đầu ngành như BID, CTG, HDB, MBB, TCB, VPB… đều ở chiều giảm.
Tương tự tại nhóm bất động sản, các mã nhỏ như SJS, CDC, SGR, VCR cùng tăng trần; SCR cũng tăng mạnh 3,5%, TAL +3,8%, EVG +2,6%, LDG +2,7%, HPX +2,3%, BCR +2,2%... Ở nhóm vốn hóa lớn, tăng đáng kể có DIG +1,9%, CEO +1,5%; còn lại đa số ở chiều giảm như VIC, VRE, KBC, NVL, NLG, BCM, IDC, SIP… Tuy nhiên các mã chủ yếu giảm dưới 1%.
Nhóm có đóng góp lớn trong việc giữ chỉ số không bị giảm sâu hôm nay là chứng khoán. Trong nhóm chỉ duy nhất một mã ở chiều giảm là HAC -7,2%. VIX tăng mạnh gần 6%, VND tăng gần 3%, SHS tăng hơn 2%; SSI và HCM, VCI tăng nhẹ. Nhiều mã nhỏ cũng thu hút dòng tiền như AAS +4,6%, APG +4%, APS +3,3%, BVS +3,4%, EVS +6,7%, SBS +3,8%, TCI +3,9%, WSS +4,3%..
Tại các nhóm ngành khác, nhóm khoáng sản vẫn gây chú ý với loạt mã tăng trần, gồm MSR, MTA, KCB, BMC, FCM, DHM, TMG… KSV của Tổng công ty khoáng sản TKV tăng hơn 6% lên mức đỉnh mới gần 300.000 đồng/cp. Vốn hóa doanh nghiệp đạt hơn 59.000 tỷ đồng dù chỉ đang lưu hành 200 triệu cổ phiếu.
Nhóm cao thu cũng cho thấy sức hút dòng tiền với DPR +3,1%, PHR +2,6%, DRI +8,2%, GVR +0,7%...
Bộ đôi cổ phiếu “họ Gelex” tiếp tục diễn biến tích cực với GEX +2,1%, GEE tăng trần. GEE của Điện lực Gelex thiết lập mức đỉnh mới tại vùng giá 52.700 đồng/cp.