VN-Index lấy lại mốc 1.270 điểm bất chấp áp lực bán ròng chưa dứt của khối ngoại
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 252 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất cổ phiếu Vinamilk (VNM) với hơn 67 tỷ đồng. Đây cũng là một trong các mã cổ phiếu kéo VN-Index đi lùi.
Sau phiên giảm về điểm số và thanh khoản, thị trường phiên giao dịch ngày 13/2 biến động không có quá nhiều điểm nổi bật. Các chỉ số giằng co quanh mốc tham chiếu trước sự phân hóa mạnh ở các nhóm ngành cổ phiếu. Áp lực tương đối mạnh xuất hiện khoảng thời gian sau 10h và khiến VN-Index lùi dần về mốc 1.260 điểm. Tuy nhiên, nhờ lực đẩy tốt từ một số nhóm ngành cổ phiếu nên chỉ số nhanh chóng hồi phục. Thanh khoản thị trường trong phiên sáng chỉ ở mức trung bình và tương đương phiên sáng hôm qua.
Sau giờ nghỉ trưa, giao dịch vẫn diễn ra thận trọng. Diễn biến có phần tích cực hơn vào cuối phiên khi dòng tiền tập trung khá mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Dù vậy, nhóm cổ phiếu lớn vẫn ghi nhận sắc xanh chiếm ưu thế và giúp chỉ số đóng cửa trên mức 1.270 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,44 điểm (0,27%) lên 1.270,35 điểm. HNX-Index tăng 0,2 điểm (0,09%) lên 229,52 điểm. UPCoM-Index tăng 0,94 điểm (0,97%) lên 97,74 điểm. Thị trường phiên hôm nay có 377 mã tăng, trong khi có 354 mã giảm và 840 mã đứng giá/không giao dịch. Toàn thị trường vẫn có đến 33 mã tăng trần trong khi có 6 mã giảm sàn.
![Top 10 cổ phiếu tác động đến VN-Index.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_72_51469199/eb9a3832097ce022b96d.jpg)
Top 10 cổ phiếu tác động đến VN-Index.
Dòng tiền trong phiên hôm nay có phần tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Trong đó, các nhóm ngành như phân bón, cảng - vận tải biển, khai khoáng... có biến động rất tích cực. Tại nhóm khoáng sản, sau một vài phiên rung lắc thì đã quay trở lại đà tăng mạnh. Trong đó, các mã như MSR, BMC, HGM, KCB... đều đồng loạt tăng kịch trần.
Ở nhóm phân bón và hóa chất, DPM tăng mạnh 4,7%, DCM tăng 3,9%, CSV tăng 5,9%... Nhóm cổ phiếu ngành phân bón bứt phá trước thông tin giá Urea tăng mạnh do nguồn cung hạn chế và nhu cầu xuất khẩu tăng cao.
Tại nhóm cảng biển và vận tải biển, các cổ phiếu như TOS, MVN, TCL, SGP... cũng đồng loạt tăng mạnh sau khi có khoảng thời gian ngắn rung lắc điều chỉnh trước đó.
Ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VHM bất ngờ tăng mạnh 1,97% và là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index khi đóng góp 0,74 điểm. Bên cạnh đó, GVR cũng tăng hơn 2,4% và đóng góp 0,67 điểm cho chỉ số. Các mã như CTG, TCB, VIC, MBB... cũng tăng giá tốt và góp phần nâng đỡ VN-Index.
Ở chiều ngược lại, FPT và MWG lại là hai “tội đồ” khiến chỉ số rung lắc. Trong đó, FPT giảm 1,3% còn MWG giảm 2,8%. Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) quyết định chi phát hành 19.937.500 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ quản lý chủ chốt của Công ty và các Công ty con (ESOP), tương đương tỷ lệ 1,3642%. Toàn bộ cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm kể từ ngày phát hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 1/2025. Giá bán ưu đãi là 10.000 đồng/cp.
Ngoài ra, các cổ phiếu như GAS, BSR, VNM... cũng đóng cửa trong sắc đỏ và phần nào gây áp lực cho thị trường chung. Ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, NLG, NVL, DXG... cũng biến động không mấy tích cực. NLG bất ngờ giảm gần 2%. NVL cũng giảm 1,5%, DXG giảm 1%.
![Khối ngoại chưa dứt chuỗi bán ròng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_72_51469199/3be4e74cd6023f5c6613.jpg)
Khối ngoại chưa dứt chuỗi bán ròng.
Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE phiên hôm nay đạt 11.741 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với phiên trước, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 900 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 721 tỷ đồng và 770 tỷ đồng.
MWG đứng đầu về giao dịch toàn thị trường với giá trị hơn 625 tỷ đồng. FPT và DPM giao dịch lần lượt 409 tỷ đồng và 335 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 252 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã VNM với hơn 67 tỷ đồng. VPB và MWG bị bán ròng 58 tỷ đồng và 48 tỷ đồng. Chiều ngược lại, DPM được mua ròng mạnh nhất với 44 tỷ đồng. MSN và CSV được mua ròng lần lượt 33 tỷ đồng và 29 tỷ đồng.