VN-Index liệu có giữ được mốc 1.300 điểm?

Kết phiên 13/6, VN-Index tăng nhẹ 1,3 điểm, đóng cửa ở mức 1.301,51 điểm. Trong bối cảnh thị trường biến động liên tục và áp lực bán ròng từ khối ngoại, việc giữ được mốc 1.300 điểm là một dấu hiệu tích cực.

Chốt phiên giao dịch ngày 13/6, VN-Index tăng 1,32 điểm lên 1.301,51 điểm. Phiên giao dịch hôm nay cũng ghi nhận mức thanh khoản cao, với hơn 891,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 23.073,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 246 mã tăng giá, 187 mã giảm giá và 77 mã đứng giá.

Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Sàn HNX ghi nhận chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,02% lên 248,36 điểm, trong khi sàn UpCoM chứng kiến UpCoM-Index giảm 0,12% xuống 99,02 điểm.

Giao dịch trên cả hai sàn diễn ra sôi nổi với tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 204 triệu đơn vị, giá trị giao dịch hơn 2.7 tỷ đồng. Sàn HNX ghi nhận 83 mã tăng giá, 83 mã giảm giá, trong khi sàn UpCoM có 100 mã tăng giá, 123 mã giảm giá.

Tuy nhiên, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh, với tổng giá trị bán ròng trên toàn thị trường đạt 1,405 tỷ đồng. Đáng chú ý, FPT là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị hơn 720 tỷ đồng, gây áp lực giảm giá mạnh.

Trong bối cảnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững mốc 1.300 điểm của VN-Index. Các mã ngân hàng như MBB, TPB, VPB và SHB đều tăng điểm và có khối lượng giao dịch cao, khớp từ gần 39 triệu đến hơn 48,4 triệu đơn vị.

Dù vậy, mức tăng vẫn chưa bứt phá, mã TPB tăng mạnh nhất 2,98% lên 19.000 đồng, MBB tăng 2% lên 23.550 đồng, SHB tăng 1,7% và VPB chỉ tăng nhẹ hơn 0,2%.

Mặc dù dòng tiền nội địa vẫn đổ vào thị trường, nhưng khối ngoại bán ròng vẫn là yếu tố gây áp lực lớn. Khối ngoại đã bán ròng liên tiếp 15 phiên, với tổng giá trị bán ròng tính từ đầu năm 2024 đạt hơn 41,000 tỷ đồng. Điều này tạo ra áp lực không nhỏ lên tâm lý nhà đầu tư nội địa, đặc biệt khi các cổ phiếu lớn như FPT bị xả mạnh.

Sự phân hóa của thị trường cũng là một điểm đáng chú ý. Trong khi nhóm ngân hàng, chế biến thủy sản và một số cổ phiếu công nghệ như CTR và CMG tăng điểm, nhiều nhóm ngành khác như chứng khoán, dầu khí, thép lại giảm điểm.

Nhiều nhóm cổ phiếu ghi nhận sắc xanh, đỏ đan xen. Tuy nhiên, mức tăng hoặc giảm của các cổ phiếu không lớn, thậm chí nhiều mã đứng ở mốc tham chiếu.

Triển vọng giữ vững mốc 1.300 điểm của VN-Index phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm dòng tiền vào thị trường, tâm lý nhà đầu tư và diễn biến của thị trường quốc tế. Trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ là trụ đỡ quan trọng cho chỉ số.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia chứng khoán nếu áp lực bán ròng từ khối ngoại tiếp tục gia tăng và không có sự cải thiện đáng kể từ các nhóm cổ phiếu khác, VN-Index sẽ khó duy trì mốc này một cách bền vững.

Ngoài ra, tình hình kinh tế quốc tế cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Những dự báo về lãi suất và chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn như Fed có thể tạo ra những biến động khó lường cho thị trường.

Khối ngoại vẫn chưa dừng bán ròng.

Khối ngoại vẫn chưa dừng bán ròng.

Trao đổi với PV Nhadautu, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng có 3 động lực chính dẫn đến đà tăng trong phiên hôm nay, đầu tiên là đà tăng của thị trường Mỹ ngày hôm qua khi nhóm cổ phiếu công nghệ tăng tác động lên NASDAQ, bên cạnh đó dòng tiền đã quay lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong đó có ngân hàng và chứng khoán-những nhóm đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt thị trường trong hôm nay. Ngoài ra còn là động thái giảm bán ròng của khối ngoại khi 2 phiên trước họ bán hơn 2.000 tỷ đồng, còn phiên hôm nay chỉ bán quanh mức 500 tỷ đồng.

"Thị trường chứng khoán đã có 2 tuần giằng co đi ngang, đến phiên hôm nay ghi nhận điểm sáng là dòng tiền quay lại nhóm vốn hóa lớn từ đó tạo động lực cho thị trường chung. VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng điểm trong các phiên tiếp theo. Đặc biệt, chỉ số VN30 được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, trong đó ngân hàng hoặc chứng khoán có thể dẫn dắt thị trường", ông Minh nói.

Dù vậy, chuyên gia này lưu ý hiện nay VN-Index có vùng tâm lý là 1.300 điểm và sẽ có sự rung lắc tại vùng này, song sẽ không đáng kể bởi dòng tiền đã quay lại nhóm vốn hóa lớn. Nhà đầu tư có thể mua vào các cổ phiếu chưa tăng nhiều, đặc biệt là 2 nhóm ngân hàng và chứng khoán. Bất động sản cũng là một sự lựa chọn song sẽ có sự phân hóa hơn. Bên cạnh đó, có thể cơ cấu lại danh mục, bán bớt các cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian qua.

Cùng chung quan điểm, trong báo cáo nhận định về thị trường, SSI Research cho biết sau giai đoạn tích lũy, VN-Index đã vượt qua ngưỡng 1.292 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật đều duy trì tín hiệu tích cực ủng hộ cho xu hướng tăng. Nhóm phân tích này cho rằng VN-Index sẽ vận động ngắn hạn trong biên độ 1.297 - 1.314 trong các phiên tới, các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân mới hoặc nâng tỷ trọng.

Về phần mình, Agriseco Research lại đánh giá VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.300 điểm song giá trị giao dịch sụt giảm cho thấy đà tăng thiếu sự xác nhận của thanh khoản và chưa bền vững. Vì vậy, VN-Index có thể sẽ trở lại với xu hướng Sideway để kiểm định lại vùng 1.285-1.300 trong các phiên sắp tới. Nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ danh mục tới khi có tín hiệu đảo chiều kỹ thuật, có thể chốt lời các cổ phiếu đã đạt hiệu suất sinh lời kỳ vọng trong nhịp tăng điểm sớm của thị trường.

Thảo Nhi

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/vn-index-lieu-co-giu-duoc-moc-1300-diem-213548.html