VN-Index tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Nỗ lực hàn gắn 'vết thương' của phiên giảm sốc đầu tuần đến hôm nay khá thành công. VN-Index tăng sang phiên thứ 3 liên tiếp, khiến cả tuần mức giảm co hẹp lại còn hơn 9 điểm.

VPB bùng nổ với tin bán vốn công ty con

Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay giao dịch cực kỳ sôi động và hầu hết là tăng tốt. Nhóm này kéo VN-Index là chính, đồng thời cũng giúp tạo thanh khoản.

VPB nổi bật hôm nay với mức tăng 6,36% so với tham chiếu. Thực ra cổ phiếu này chỉ tăng tốt vào buổi chiều. Hôm qua VPB tung ra thông tin bán 49% vốn của công ty con là FE Credit. Thị trường phản ứng không thật sự mạnh, dù giá VPB vẫn tăng 3,4% lên đỉnh cao lịch sử mới. Thậm chí hôm nay cả buổi sáng VPB hầu như đi ngang nhẹ, tăng vài trăm đồng mà thôi.

Cổ phiếu này chỉ thật sự bùng nổ về cuối phiên chiều, khi dòng tiền đẩy giá xuất hiện. VPB tăng cực mạnh bất chấp nhà đầu tư nước ngoài bán dữ dội. Tổng giá trị bán ròng tại VPB lên đến 586 tỷ đồng. VPB lập kỷ lục về thanh khoản nhờ lượng giao dịch 41,5 triệu cổ phiếu, trị giá 2.341 tỷ đồng.

VPB cũng tạo động lực cho nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung, rất nhiều mã quay đầu tăng mạnh ở nửa sau của phiên chiều nay. HDB đóng cửa tăng 1,49%, CTG tăng 2,64%, TCB tăng 2,63%, VCB tăng 1,01% là những mã tiêu biểu. Rất tiếc STB là mã ngân hàng hiếm hoi giảm 1,24%.

Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng, có thể kể tới dầu khí tăng cũng mạnh. GAS tăng 1,95%, PLX tăng 0,6% là hai mã thuộc nhóm VN30. Dầu khí đảo chiều ở vùng giá rất thấp sau một nhịp giảm dài. GAS đã đánh mất hơn 10% giá trị chỉ trong tháng 4 trước khi bật lên. PLX thậm chí bốc hơi hơn 13%.

Nhóm Vin lại không tham gia kéo chỉ số nhiều, ngoài VRE tăng 1,59%. Cổ phiếu này vốn hóa nhỏ, thậm chí chưa góp đến 0,5 điểm cho chỉ số. Ngược lại VIC giảm 0,38%, VHM giảm 1,59%. VHM mới tăng được 2 phiên, hàng chưa kịp về tài khoản đã giảm giá trở lại sát ngưỡng đáy T+3.

VNM cũng là blue-chips đáng chú ý hôm nay do hôm qua giá đã phá đáy trung hạn. Cổ phiếu này tiếp tục bị bán khá mạnh kéo dài đến gần hết phiên. Giá có lúc giảm tới 2,35% so với tham chiếu. VNM cũng bị khối ngoại xả ròng cực lớn tới 216 tỷ đồng. Thanh khoản của VNM rất cao, đạt gần 6,5 triệu cổ phiếu, tăng 29% so với hôm qua. Mặc dù vậy VNM cũng được bắt đáy khá tốt, nhất là cú giật lên đợt ATC tới 1,07 triệu cổ phiếu, giúp giá chỉ còn giảm 0,21%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khá yếu phiên này. Số tăng kịch trần ít mà phần lớn là không có thanh khoản. DCL, BCG, MHC là các mã đáng kể nhất khi tăng trần và có giao dịch nhiều. Sàn HSX cứ 1 cổ phiếu giảm giá có 1,24 cổ phiếu tăng giá, kém hơn hôm qua đáng kể dù về mặt điểm tăng của VN-Index là tương đương.

Hi vọng thị trường tốt lên sau kỳ nghỉ?

Hôm nay là phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ và cũng là phiên các quỹ ETF nội tái cơ cấu danh mục. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh cũng là do ảnh hưởng của các giao dịch này. STB bị bán nhiều nhất và giảm giá.

Việc thanh khoản tăng cao hôm nay cũng rất đáng chú ý. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn đạt 19.802 tỷ đồng, tăng 24,1% so với phiên trước. Dĩ nhiên việc tăng này có hiệu ứng tái cơ cấu quỹ, nhưng cơ bản vẫn là thanh khoản lên cao. Nhà đầu tư mua vào hôm nay chấp nhận rủi ro thông tin trong 4 ngày nghỉ tới, nhất là trong bối cảnh covid đang âm ỉ trong nước. Điều này mặt tích cực là phản ánh kỳ vọng cao rằng sang tháng 5 thị trường sẽ tốt hơn.

Thực tế một số cổ phiếu blue-chips được bắt đáy khá rõ ở ngưỡng hỗ trợ đang là động lực cho nhịp nảy tang của VN-Index hiện tại. Lực cầu đỡ các mã vốn hóa lớn sẽ giúp ổn định chỉ số. Chỉ số không lao dốc nhiều thì tâm lý cũng cân bằng hơn. Dù vậy cần nhìn rõ thực tế là cổ phiếu đang thua lỗ nhiều hơn có lãi. Nhà đầu tư kể cả bắt đáy mà chỉ là cân bằng giá xuống thì rủi ro thua lỗ vẫn không phải là nhỏ.

Khánh Nhi

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2021-04-29/vn-index-tang-phien-thu-3-lien-tiep-103215.aspx