VN-Index tích lũy trên ngưỡng hỗ trợ, ngành cảng biển có triển vọng tích cực

VN-Index đang xây nền giá trên ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 1.250 điểm, với thanh khoản duy trì ở mức cao.

Dòng tiền vững vàng

Tuần giao dịch cuối tháng 5, VN-Index tiếp tục dao động mạnh, nhưng đóng cửa tại 1.261,72 điểm, gần như không thay đổi so với cuối tuần trước đó. Thanh khoản ghi nhận ở mức cao, với giá trị giao dịch bình quân đạt 22.000 tỷ đồng/phiên.

Diễn biến trong tuần qua cho thấy, áp lực bán gia tăng khi VN-Index ở gần vùng kháng cự 1.290 - 1.300 điểm và áp lực này lan rộng không chỉ ở nhóm vốn hóa lớn, mà còn có nhóm vốn hóa vừa. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy cũng gia tăng, chủ yếu đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân, trong khi nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng kỷ lục với giá trị bán ròng lũy kế từ đầu năm 2024 lên đến hơn 31.000 tỷ đồng.

Như vậy, VN-Index đang xây nền giá trên ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 1.250 điểm. Kịch bản lạc quan là chỉ số tiếp tục dao động ở trên ngưỡng hỗ trợ, tạo nền tảng để kiểm nghiệm lại vùng kháng cự 1.290 - 1.300 điểm. Trong kịch bản thận trọng, VN-Index có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh mạnh, xuyên thủng ngưỡng 1.250 điểm, lùi xuống vùng hỗ trợ tiếp theo tại 1.200 - 1.220 điểm.

Ngành cảng biển có triển vọng tích cực

Thời gian qua, căng thẳng về mặt địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới đã tác động mạnh đến thương mại toàn cầu, đặc biệt là với các tuyến đường biển trong giao thương quốc tế. Các chỉ số về giá vận tải hàng hóa có xu hướng phục hồi so với giai đoạn đầu năm 2024, đặc biệt kể từ khi căng thẳng trong khu vực kênh đào Suez diễn ra.

Trong bối cảnh hiện tại, các tuyến đường vận tải có xu hướng dài hơn do việc hạn chế về tuyến đường, cũng như căng thẳng địa chính trị khiến cho các hãng tàu phải chọn tuyến đường vòng để giảm thiểu rủi ro. Việc kéo dài tuyến đường vận tải khiến chi phí cước vận chuyển tăng mạnh, nhất là với các tuyến từ Đông Á sang châu Âu.

Ngành cảng biển Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ xu hướng giá vận tải trong thời gian qua, với việc giá cước từ các hãng tàu tăng mạnh, các chi phí liên quan trong quá trình vận chuyển như bốc dỡ, vận chuyển nội địa gia tăng. Ngành xuất khẩu Việt Nam đang có mức tăng trưởng dương nhờ vào sự phục hồi sớm của nền kinh tế và sự phục hồi trong các đơn hàng quốc tế, do đó khối lượng container được thông quan đạt được mức tăng tích cực.

Sự tăng trưởng về khối lượng hàng hóa thông quan sẽ tác động lên các doanh nghiệp vận hành cảng biển, trước tiên là cải thiện về mặt doanh thu thông qua gia tăng khối lượng công việc. Xu hướng phát triển của các loại hình cảng biển cũng dần thay đổi, các cảng nước sâu ở khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu được kỳ vọng sẽ có sức tăng trưởng nhanh hơn nhóm cảng sông, do lưu lượng hàng hóa gia tăng gây ra sự chuyển dịch trong xu hướng lựa chọn cảng để bốc dỡ hàng hóa.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cảng biển có thể ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. Biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp có thể cải thiện nhờ vào việc tối ưu hóa công suất ở các cảng biển hiện hữu, cộng với việc điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/vn-index-tich-luy-tren-nguong-ho-tro-nganh-cang-bien-co-trien-vong-tich-cuc-post346399.html