Vợ chồng tuổi trung niên: Có giận dỗi cũng đừng giấu trong lòng
Sự giận dỗi của vợ chồng tuổi trung niên cứ âm ỉ như đống rơm ủ lửa, cần phải được hóa giải kịp thời.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh
Giận dỗi chẳng vì đâu
Vợ chồng chị Thanh Hoàn (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã bước qua tuổi 50. Thời trẻ, anh chị từng là một cặp đôi đẹp, yêu nhau hơn 5 năm rồi mới cưới. Cuộc sống những năm tháng xuân xanh cũng nhiều vất vả, bươn trải nhưng họ vẫn luôn nắm chặt tay nhau vượt qua bao gian khó. Bạn bè, người thân ai cũng khen anh chị "được cả vợ lẫn chồng".
Cô con gái lớn của chị Hoàn đang học thạc sĩ bên Úc, cậu con trai học đại học năm thứ 3 trên Hà Nội. Những tưởng, khi kinh tế khấm khá, các con giỏi giang, vợ chồng chị Hoàn phải càng quan tâm, gắn bó hơn thời trẻ nhưng chẳng ngờ, giữa họ lại nảy sinh nhiều xung đột.
Vừa rồi, anh chị giận nhau cả tháng liền. Hỏi ra mới biết, họ giận nhau chỉ vì bình thường, hai vợ chồng vẫn cùng nhau đi bộ mỗi chiều nhưng bất thình lình anh "bỏ mặc" chị đi bộ một mình để tham gia nhóm đạp xe đạp. Chị "tức điên" vì năn nỉ thế nào anh cũng không chịu quay lại đi bộ cùng vợ.
Trong khi đó, từ lúc "nhập hội" với nhóm bạn đạp xe đạp, anh chỉ nhăm nhăm đi làm về, quẳng ô tô đấy là xách xe đạp ra khỏi nhà. Nhiều hôm, nhìn anh phấn khởi xách xe đi ra khỏi cổng, lòng chị buồn tênh, chẳng còn thiết đi bộ nữa. Chị bỏ thói quen đi bộ mà anh cũng chẳng mảy may quan tâm, động viên vợ.
Cứ thế, nỗi buồn không tên đầy dần lên trong tâm hồn chị Hoàn khiến chị hay cáu bẳn, động tí là khó chịu với chồng - điều mà trước đây chưa từng xảy ra với anh chị.
"Muốn gì, đừng giấu trong lòng"
Câu chuyện của vợ chồng chị Hoàn không phải là hiếm gặp. Thực tế, có rất nhiều cặp đôi hồi trẻ khó khăn thì keo sơn gắn bó, đến lúc gia đình có của ăn của để, con cái phương trưởng thì tình cảm vợ chồng lại trở nên nhạt nhẽo, hay lời ra tiếng vào với nhau.
Tìm hiểu nguyên nhân mới rõ, họ hay xung khắc, giận dỗi nhau không phải vì không còn yêu thương nhau mà thường thì vợ muốn thế này, chồng muốn thế khác; hoặc vợ thích được chồng yêu chiều, nhẹ nhàng, quan tâm như hồi còn trẻ nhưng chồng lại thờ ơ, vô tâm; hoặc chồng về già hay… trái tính trái nết…
Tóm lại, có vân vân và mây mây lý do khác nhau dẫn đến sự "ông chẳng bà chuộc" giữa vợ chồng khi bước vào độ tuổi không còn trẻ.
Để tránh những giận dỗi giữa vợ chồng khi đã có tuổi, từ kinh nghiệm bản thân, chị Nguyễn Hồng Hạnh cho rằng, khi trong lòng mình muốn gì, mưu cầu gì ở chồng, mong anh ấy làm gì cho mình thì hãy chia sẻ ra chứ đừng giấu khư khư trong lòng.
Sở dĩ, khi vợ chồng có tuổi, đàn ông sẽ không đủ kiên nhẫn để dỗ dành vợ hay để ý đến những sở thích của vợ như hồi còn là người yêu, vợ chồng mới cưới. Trong khi ấy, phụ nữ dù có tuổi nhưng vẫn rất lãng mạn, mong muốn vẫn được chồng quan tâm, yêu chiều, tinh tế như ngày xưa.
Khi chồng có biểu hiện vô tâm, thờ ơ, hoặc có quan tâm nhưng thiếu sâu sắc là nhiều phụ nữ trung niên dễ cảm thấy buồn, tổn thương.
Chị Hạnh kể, vợ chồng chị cách nhau 8 tuổi nên sau này, nhiều lúc do công việc, cuộc sống bận rộn, do tuổi tác, anh dần "bỏ quên" những thói quen hồi trẻ như trò chuyện với nhau đến khuya, cùng nhau xem một chương trình ca nhạc hay đi xem phim ở rạp…
Lúc đầu, chị cũng "âm thầm ấm ức, âm thầm buồn" nhưng rồi chị nghĩ, thời gian khiến bao thứ trong cuộc sống đổi thay huống hồ là thói quen con người. Vậy là chị không giữ trong lòng nữa, chị nói hết với anh những ẩn ức, mong muốn của mình.
Đôi khi, lâu lâu không thấy anh động tĩnh gì, chị lại gợi ý để anh mời vợ đi xem một chương trình nghệ thuật hay đơn giản chỉ là đi cà phê, xem một bộ phim mới.
Để "giữ lửa" và làm tăng gia vị hạnh phúc vợ chồng tuổi trung niên, chị Hạnh nhấn mạnh rằng, "đừng vội vàng giận dỗi, đừng nuôi dưỡng nỗi buồn, chủ động sẻ chia và tích cực làm mới tình cảm vợ chồng'.