Võ Nhai: Vươn tầm phát triển du lịch di sản

Trong tiết trời thu tháng 9, chúng tôi tìm về huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên để tận hưởng không khí trong lành, êm dịu sau những giờ làm việc căng thẳng. Khi bắt đầu rẽ vào cung đường của điểm du lịch, cảnh sắc thiên nhiên yên bình dần hiện ra, núi đồi và những ruộng hoa thơm ngát, thấp thoáng những cô gái mặc trang phục màu sắc rộn ràng thật lay động lòng người.

Sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế so sánh trong phát triển du lịch. Hầu hết các tỉnh miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong các cuộc kháng chiến của dân tộc là những căn cứ địa quan trọng.

Bên cạnh đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn là vùng văn hóa đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Đây là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù như sản phẩm du lịch mang dấu ấn người Mông, người Dao, người Xa Phó, người Tày; sản phẩm du lịch phản ánh sự thích ứng với môi trường, như những khu ruộng bậc thang kỳ vĩ.

Các loại hình canh tác trên nền đất dốc, trên ruộng bậc thang hay những thung lũng ven sông, ven suối đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm... Như vậy, tính đa dạng, phong phú của các di sản văn hóa tộc người đã tạo nên sức hút cho du lịch di sản.

 Hang Phượng Hoàng là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch ở huyện Võ Nhai.

Hang Phượng Hoàng là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch ở huyện Võ Nhai.

Võ Nhai - vùng đất có tiềm năng lợi thế phát triển du lịch, với cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hệ sinh thái động, thực vật phong phú, sông, hồ, hang động đẹp, như: hồ Quán Chẽ, hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, thác Mưa Rơi, Di chỉ khảo cổ học mái đá Ngườm Thần Sa...

Trên địa bàn có nhiều đồi, núi cao với những đồi chè, thảm cỏ, nương ngô... xen giữa những bản làng tạo nên nét đẹp riêng có của vùng cao. Võ Nhai cũng có nền văn hóa đậm đà bản sắc của 9 dân tộc (Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Cao Lan…).

 Đồng chí Hà Thị Bích Hồng - Bí thư Huyện ủy Võ Nhai.

Đồng chí Hà Thị Bích Hồng - Bí thư Huyện ủy Võ Nhai.

Trên địa bàn có 98 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được kiểm kê và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, thuận lợi cho phát triển du lịch. Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, huyện đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, với 4 sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch tâm linh, lịch sử về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch khám phá hang động.

Đồng chí Hà Thị Bích Hồng - Bí thư Huyện ủy Võ Nhai nhận định, phát triển du lịch là một trong những nội dung được cấp ủy, chính quyền huyện đẩy mạnh, nhằm tuyên truyền quảng bá về tiềm năng lợi thế phát triển của địa phương, đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong việc phát triển du lịch huyện cũng có định hướng cụ thể, giải pháp đầu tư xây dựng và quy hoạch bài bản, đáp ứng đủ các tiêu chí du lịch gắn với các yếu tố môi trường sinh thái và văn hóa bản địa.

Lễ hội văn hóa quy mô, đặc sắc

"Võ Nhai nơi cội nguồn" là lễ hội văn hóa quy mô lớn nhất của huyện, nhằm quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, lịch sử, các danh lam thắng cảnh độc đáo của mảnh đất Võ Nhai đến với đông đảo du khách trên mọi miền đất nước, góp phần thúc đẩy tiềm năng du lịch của huyện cũng như tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài lễ hội này, hằng năm, trên địa bàn huyện Võ Nhai còn có nhiều lễ hội độc đáo khác, như: Võ Nhai mùa na chín, Lễ hội đình Mỏ Gà, Lễ hội đền Đình Cả…

 "Võ Nhai nơi cội nguồn" là lễ hội văn hóa quy mô lớn nhất của huyện.

"Võ Nhai nơi cội nguồn" là lễ hội văn hóa quy mô lớn nhất của huyện.

Đến với lễ hội "Võ Nhai nơi cội nguồn" du khách sẽ được trải nghiệm rất nhiểu hoạt động đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa như: trò chơi dân gian kéo co, tung còn, bịt mắt bắt vịt, bắn nỏ…; múa sạp tập thể; thưởng thức ẩm thực vùng cao tại chợ quê... Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội, phần đa là các tiết mục ca, múa nhạc đặc sắc, dàn dựng công phu thể hiện những nét độc đáo của các dân tộc anh em trên địa bàn…

Trong những năm gần đây, các lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức với quy mô ngày càng lớn. Ngoài việc tạo sân chơi cho người dân địa phương, những hoạt động lễ hội còn được huyện đẩy mạnh nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Võ Nhai đến với du khách gần xa, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo của vùng cao Võ Nhai.

Bà Hoàng Thị Dậu - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Võ Nhai cho biết, để tạo thành nét văn hóa đặc trưng của địa phương nhằm thu hút du khách, chúng tôi đang triển khai các phương án tổ chức các lễ hội theo quy mô lớn hơn, cách thức bài bản hơn và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. "Đây sẽ là một “kênh” tiềm năng để Võ Nhai phát huy thế mạnh về du lịch", bà Hoàng Thị Dậu nhấn mạnh.

 Được tổ chức lần đầu tiên năm 2014, “Võ Nhai nơi cội nguồn” là lễ hội được tổ chức hàng năm, góp phần mở ra co hội phát triển kinh tế - xã hội cho vùng cao Võ Nhai và tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn cho địa phương.

Được tổ chức lần đầu tiên năm 2014, “Võ Nhai nơi cội nguồn” là lễ hội được tổ chức hàng năm, góp phần mở ra co hội phát triển kinh tế - xã hội cho vùng cao Võ Nhai và tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn cho địa phương.

Nhằm hình thành các tour, tuyến du lịch và tạo thuận lợi cho du khách tham gia trải nghiệm, huyện Võ Nhai cũng gắn các lễ hội với những địa điểm nổi tiếng, sản phẩm du lịch độc đáo trên địa bàn. Tiêu biểu như Lễ hội đình Mỏ Gà gắn với Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng; Lễ hội Võ Nhai mùa na chín và trải nghiệm hái na gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn tại xã La Hiện, Lâu Thượng; Lễ hội đền Đình Cả kết nối với điểm du lịch hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà; hoạt động trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với du lịch khám phá Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng…

Vươn tầm trở thành điểm đến lý tưởng

Năm 2022, Võ Nhai thu hút gần 116 nghìn lượt khách du lịch, tăng gần 10 lần so với năm 2021 và đạt 70% so với năm 2019 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Năm 2023 huyện đón trên 130,5 nghìn lượt du khách đến tham quan trải nghiệm tại địa phương, tổng doanh thu du lịch đạt 9 tỷ đồng.

 Trong những năm gần đây, các lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức với quy mô ngày càng lớn.

Trong những năm gần đây, các lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức với quy mô ngày càng lớn.

Đồng chí Hà Thị Bích Hồng - Bí thư Huyện ủy Võ Nhai khẳng định, theo Đề án, huyện Võ Nhai sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, di sản, du lịch; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phát triển du lịch; quảng bá hình ảnh, tiềm năng và sản phẩm nông, lâm, nghiệp gắn với du lịch đến du khách trong và ngoài tỉnh; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các công ty, hợp tác xã nâng cao chất lượng các dịch vụ, hoàn thiện các hạng mục tại điểm du lịch cộng đồng phục vụ khách du lịch; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng liên quan đến hoạt động du lịch…

"Võ Nhai phấn đấu đưa du lịch cơ bản là một ngành kinh tế của huyện và trở thành điểm đến của du lịch Thái Nguyên. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 260 nghìn khách/năm", bà Hà Thị Bích Hồng cho biết.

Hòa Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vo-nhai-vuon-tam-phat-trien-du-lich-di-san-post309313.html