Vội đến bệnh viện sau vài ngày bị chó nhà hàng xóm cắn

Bị chó nhà hàng xóm cắn nhưng nghĩ không sao, vài ngày sau vết cắn sưng đau, người bệnh mới vội vàng đến viện.

 Các chuyên gia khuyến cáo ngay khi bị chó cắn, người bệnh nên đi tiêm vaccine ngay. Ảnh: Freepik.

Các chuyên gia khuyến cáo ngay khi bị chó cắn, người bệnh nên đi tiêm vaccine ngay. Ảnh: Freepik.

Chỉ trong một buổi sáng, các bác sĩ Phòng tiêm chủng vaccine, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh đã tiếp nhận hai trường hợp đến tiêm phòng dại với tình huống khác nhau nhưng đều tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng nếu không xử lý kịp thời.

Trường hợp đầu tiên là một người dân bị khỉ hoang cắn khi đang đi du lịch. Do khỉ là động vật hoang dã, không rõ tiền sử tiêm phòng, nguy cơ lây truyền virus dại rất cao.

Tình huống thứ hai là một người bị chó nhà hàng xóm cắn. Vì vết thương nhỏ và tin tưởng rằng “chó nhà thì khỏe mạnh”, người này đã không đi tiêm ngay. Đến khi vết thương sưng đỏ, đau nhức, người bệnh mới tìm đến cơ sở y tế sau vài ngày.

Không ít người khi bị động vật cắn, cào, liếm vào vùng da trầy xước vẫn có tâm lý chủ quan. Với các trường hợp bị chó nhà cắn, nhiều người cho rằng “chó nhà nuôi khỏe mạnh”, “vết thương nhỏ không đáng ngại” nên không đến cơ sở y tế để tiêm phòng.

Thậm chí, họ chọn cách “chờ theo dõi con vật” xem có biểu hiện gì bất thường hay không. Đây là những quan niệm sai lầm, bởi động vật, kể cả vật nuôi trong nhà, hoàn toàn có thể mang vi rút dại trong thời gian ủ bệnh mà không biểu hiện lâm sàng.

Tương tự, những loài động vật hoang như khỉ, dơi, chồn… vốn không rõ tiền sử tiêm phòng, nếu gây ra vết thương dù nhỏ cũng có nguy cơ lây truyền virus dại rất cao. Việc trì hoãn xử lý vết thương hay bỏ qua tiêm phòng có thể khiến người bệnh đánh mất “khoảng thời gian vàng” duy nhất để phòng ngừa căn bệnh gần như 100% tử vong nếu lên cơn dại.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Ninh: “Bệnh dại không loại trừ bất kỳ ai. Hầu hết ca tử vong do dại đều do không tiêm phòng kịp thời. Việc tiêm phòng ngay sau khi bị phơi nhiễm là cách duy nhất để cứu sống người bệnh. Tiêm phòng dại càng sớm càng tốt, không phân biệt chó lạ hay chó nhà, không phân biệt vết thương nặng hay nhẹ”.

Vị chuyên gia khuyến cáo ngay khi bị động vật cắn, cào hoặc liếm vào vùng da tổn thương, người dân cần rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy bằng xà phòng trong ít nhất 15 phút để loại bỏ bớt virus. Sau đó, sát trùng bằng cồn 70 độ hoặc dung dịch iod và đến cơ sở y tế ngay để được tư vấn, tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng dại nếu cần.

Đặc biệt, người dân không nên tự ý đắp lá, cắt lể hoặc áp dụng các phương pháp dân gian vì có thể khiến vết thương nhiễm trùng, làm mất cơ hội điều trị đúng cách. Trong quá trình tiêm phòng, cần tuân thủ đúng phác đồ, không bỏ mũi giữa chừng, hạn chế rượu bia và tránh sử dụng thuốc ức chế miễn dịch nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó, người bệnh cần lưu ý:

Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi trong nhà.
Không thả rông vật nuôi, không tiếp xúc với động vật hoang dã.
Hạn chế trêu đùa hoặc lại gần động vật không rõ nguồn gốc.
Chủ động xử trí và đi tiêm phòng khi bị phơi nhiễm.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/voi-den-benh-vien-sau-vai-ngay-bi-cho-nha-hang-xom-can-post1568582.html