Với Huế, ngày thành quách lặng im
Đó là tựa của một bài thơ tôi viết giữa tháng 4-2014. Hơn mười năm trở lại, ngồi ở quán cà phê trong Thành Nội của Huế, chợt hiện về như một thoáng kỷ niệm: 'Rêu đã phủ và gió như ngừng thổi. Cổ xưa ơi phảng phất tiếng trống chầu'!

Thu lưới buổi sớm trên sông Ngự Hà. Ảnh: T.T.B
1. Quán cà phê có tên Sapo, buổi sáng mát lành với vài người bạn. Bên kia con đường nhỏ, là sông Ngự Hà chảy viền qua Mang Cá. Đi xa vài trăm mét là thành quách Huế xưa, dọc bờ tường gạch còn loang lổ vết đạn thuở chinh chiến dạo nào. Những người bạn cùng lớp 40 năm trước nay đã về hưu, vẫn còn nhớ như in từng câu chuyện một thời sinh viên sắn khoai dằn bữa, tem phiếu đường thịt chực chờ. Mà bên nhau bây giờ vẫn không quên “thức” lại với nhau mấy câu thơ của tuổi trẻ chứa đựng bao điều mộng ước hoa bay lá rụng…
Huế của thuở ấy gian nan trầm mặc. Và Huế của tháng ngày thanh xuân níu tay nhau vượt khó chẳng ai quên. Một người bạn học khoa toán, Đại học Sư phạm Huế, sau này cưới một cô giáo học khoa ngữ văn cùng trường, hồi tưởng: “Căn phòng cư xá của mình, phòng A7 ở trên tầng hai vỏn vẹn mười mấy thước vuông nhét cả 35 đứa, rứa mà vẫn nhắc nhủ nhau học, ráng lên mai sau ra đời đi dạy học, có lương lá chắc đời khấm khá hơn”. Tôi thì ở phòng tầng dưới, là phòng A4, cũng không quên góp vài câu chuyện về ngọn nắng gay gắt ngày hè oi bức, cái lạnh đêm dài lê thê mưa phùn gió bấc mùa đông. Cô bạn lặng đi một hồi rồi nói: “Giờ kể lại cho con cháu nghe, chúng cứ ngỡ rằng ấy là chuyện… cổ tích”!
Ừ, là chuyện thật. Mà nhờ nó chúng ta lớn lên. Đi trăm phương ngàn hướng rồi lại hội tụ giữa lòng của Huế, nơi cưu mang âm thầm bao thế hệ học hành, ra trường tỏa đi mọi ngả. Tôi nhớ dịp hội ngộ kỷ niệm 30 năm ra trường, nhiều đứa quay về căn phòng lớp học, ngồi ngay vị trí ngày xưa chụp vài tấm ảnh. Thoáng chốc ấy, có lẽ líu ríu cả một trời ký ức quay về, ngồi lặng một chút chưa chịu rời chiếc ghế ngày cũ, dường như có nước mắt rân rấn giấu vội quay đi. Tôi cũng nhớ giảng đường A, giảng đường B và nhất là thư viện sách đủ loại với dáng cần mẫn của bác thủ thư đeo kiếng gọng màu chì, lúc nào cũng có hai sợi dây buộc, để khi lúi húi tìm sách cho đám sinh viên tụi tôi không bị tuột kiếng. Nơi ấy, tôi và bạn bè đã say mê đọc như ngấu nghiến từng con chữ, quyển này qua quyển khác, đôi khi giở ra củ sắn gói giấy học trò dấm dúi chia nhau dưới gầm bàn. Từ đó trở đi, có bao đôi lứa hẹn hò…
2. Tạm biệt Thành Nội và những câu chuyện đầy ắp nhớ nhung, người bạn chở tôi lên đồi Thiên An thông xanh vi vút. Khi đã lên phía trên cao, từ bên đàn Nam Giao của bờ nam sông Hương, ngoái nhìn lại phía bên kia bờ Bắc, tưởng chừng những chiếc ô hình vuông, hình chữ nhật bao bọc là thành quách rêu phủ, vẫn lặng im như vài trăm năm đã vậy. Thiên An có một cụm đồi nhỏ nhấp nhô, bao lấy hồ Thủy Tiên lặng sóng. Cứ tầm 5 giờ sáng, người bạn của tôi chạy xe lên đây, đi bộ mấy vòng quanh hồ.
“Nghe chim hót buổi sớm, hương rừng thông thoang thoảng và làn nước nhè nhẹ tỏa lớp sương mờ ảo ảnh. Đó là năng lượng mình được nạp từ thiên nhiên, để dành cho một ngày tất bật”, người bạn kể.
Cũng buổi sáng ấy, bên sự chăm chỉ của mấy chú công nhân đang làm đường quanh hồ cho du khách đi dạo thưởng lãm, tôn tạo cảnh sắc thiên nhiên nơi đây cho sạch đẹp hơn, tôi liên tưởng nhiều nơi mình đã đi qua. Núi đồi sông suối, rừng biển miên man. Nhưng có lẽ chưa bao giờ được đi hết mọi nơi như lòng mình hằng khao khát. Giang sơn này mỗi vùng mỗi nét đẹp riêng khó lẫn, song muốn đi và thu vào tầm mắt bóng dáng của từng thắng cảnh quả thật phải là một sự cố gắng. Còn với nơi mình đã ở, đã đến và từng ghi dấu trong ký ức thì tình yêu ấy lại càng đậm đà, thắm thiết hơn.
Như với Huế, ngày hôm ấy trong tôi lại là một “khám phá” khác với bao lần, khi nhìn những lớp gạch màu xám chạy dài trong Thành Nội, lại có cảm giác như lạc vào một miền cảm xúc không giống với lần trước. Hình như đằm sâu hơn chăng?
Tự hỏi, và thấy đó là một điều hơi lạ lùng khó lý giải!
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/voi-hue-ngay-thanh-quach-lang-im/