Vốn chính sách tiếp sức cho người dân nghèo

Thời gian qua, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách là giải pháp quan trọng, hiệu quả để thực hiện tốt mục tiêu, chiến lược quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn xã Nam Phong (Cao Phong). Nhờ đó, nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình anh Bùi Văn Thương, xóm Trẹo 2, xã Nam Phong (Cao Phong) đầu tư nuôi trâu và trồng bưởi phát triển kinh tế.

Từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình anh Bùi Văn Thương, xóm Trẹo 2, xã Nam Phong (Cao Phong) đầu tư nuôi trâu và trồng bưởi phát triển kinh tế.

Hộ anh Bùi Văn Thương, xóm Trẹo 2 là hộ nghèo nhiều năm liền do không có vốn sản xuất. Nhờ được tiếp cận vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chương trình cho vay hộ nghèo 45 triệu đồng, gia đình anh đầu tư trồng bưởi và nuôi trâu, từng bước ổn định cuộc sống. Đây chỉ là một trong hàng trăm khách hàng vay vốn NHCSXH của xã Nam Phong phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi.

Các chương trình tín dụng của NHCSXH không chỉ tiếp thêm sức cho công tác giảm nghèo, ổn định dân sinh, phát triển kinh tế trên địa bàn xã Nam Phong mà còn góp phần củng cố lòng tin của người dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng, hàng nghìn lượt hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh có cơ hội phát triển và mở rộng quy mô. Nhiều mô hình vay vốn làm ăn có hiệu quả trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ vào công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hiện, xã Nam Phong có 17 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với 722 hộ vay. Xã thực hiện 9 chương trình tín dụng với tổng dư nợ gần 24 tỷ đồng. Xã không có nợ quá hạn. Số dư tiết kiệm đạt trên 550 triệu đồng. Các tổ trưởng tổ TK&VV luôn tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương; chấp hành các quy trình nghiệp vụ của NHCSXH huyện; đồng thời, các thành viên trong tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm hoạt động, cũng như nắm chắc tình hình sản xuất của các hộ vay vốn được giao phụ trách. Qua đó, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn xã từng bước đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả. Các tiềm năng về đất đai, lao động được khai thác, góp phần giảm nghèo bền vững. Xã đã cơ bản chuyển đổi diện tích đất lúa không hiệu quả sang trồng mía, cam, quýt, bưởi có giá trị kinh tế cao hơn. Mấy năm nay, tuy giá mía bấp bênh, nhưng mía vẫn là cây trồng chủ lực của Nam Phong với diện tích khoảng 360 ha, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, diện tích cây ăn quả toàn xã hiện có 150 ha, trong đó gần 1/2 diện tích cho thu hoạch. Ngoài ra, xã phát triển trồng rừng, chăn nuôi, mở mang một số dịch vụ, góp phần quan trọng cải thiện bền vững cuộc sống người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,6%.

Đồng chí Bùi Xuân Tươi, Chủ tịch UBND xã Nam Phong cho biết: Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Vốn tín dụng chính sách thực sự trở thành công cụ hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, không chỉ bởi sự ưu đãi về lãi suất cho vay, thủ tục vay vốn mà còn ở chỗ tạo khả năng tiếp cận vốn thuận tiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các hộ được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách cơ bản sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay.

Hải Linh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/133068/von-chinh-sach-tiep-suc-cho-nguoi-dan-ngheo.htm