Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực Mỹ Latinh và Caribe đạt kỷ lục
Hầu hết các quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe đều thu hút được nhiều vốn FDI hơn năm 2022, trong đó Brazil thu hút được tới 41% tổng vốn đầu tư vào khu vực.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) ngày 10/7 cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này đã tăng 55,2% trong năm 2022, lên mức kỷ lục 224,579 tỷ USD, nhờ sự tăng trưởng của tất cả các loại hình đầu tư, đặc biệt là tái đầu tư lợi nhuận và sự gia tăng đầu tư vào ngành dịch vụ.
Kể từ năm 2013, dòng vốn FDI vào các nước Mỹ Latinh và Caribe chưa từng vượt quá 200 tỷ USD. CEPAL nhận định đà tăng trưởng này song hành với quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, tuy không rõ có thể duy trì mức tương tự trong năm 2023 hay không. Báo cáo của CEPAL cũng ghi nhận sự gia tăng tỷ trọng giữa FDI và GDP khu vực (gần 4%).
Báo cáo của CEPAL cho thấy hầu hết các quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe đều thu hút được nhiều vốn FDI hơn năm 2022, trong đó Brazil thu hút được tới 41% tổng vốn đầu tư vào khu vực và đứng thứ 5 trong danh sách điểm đến FDI toàn cầu, tiếp theo là Mexico (17%), Chile (9%), Colombia (8%), Argentina (7%) và Peru (5%).
Costa Rica là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Mỹ, trong khi Guatemala ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Tại khu vực Caribe, Guyana là quốc gia tiếp nhận nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất, theo sau là Cộng hòa Dominicana.
Hơn một nửa số vốn FDI (54%) đổ vào ngành dịch vụ, mặc dù cả lĩnh vực sản xuất và khai thác tài nguyên thiên nhiên đều phục hồi. Mỹ - nước chiếm 38% tổng số vốn FDI - và Liên minh châu Âu (không bao gồm Hà Lan và Luxembourg) chiếm 17% là những nhà đầu tư lớn nhất vào khu vực Mỹ Latinh và Caribe, mặc dù nguồn FDI từ các nước trong cùng khu vực cũng đã tăng đáng kể từ 9% lên 14%.
Năm 2022, số vốn đầu tư ra nước ngoài của các công ty xuyên quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh đã đạt mức kỷ lục 74,677 tỷ USD, mức cao nhất được ghi nhận kể từ khi loại hình này xuất hiện hồi những năm 1990.
Thư ký điều hành CEPAL José Manuel Salazar-Xirinachs nhấn mạnh rằng thách thức không chỉ là việc thu hút và giữ chân các nhà đầu tư mà còn là sự tối đa hóa đóng góp của FDI vào phát triển. Đại diện CEPAL khuyến nghị các quốc gia trong khu vực này quan tâm đến các chính sách nhằm thúc đẩy chuỗi sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, củng cố cơ sở hạ tầng, hậu cần và năng lực địa phương.
Nghiên cứu của CELAC xác định chuyển đổi năng lượng là một trong những lĩnh vực có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Salazar-Xirinachs kêu gọi các quốc gia trong khu vực dành một phần, đóng góp cho quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển sản xuất bền vững./.