Vốn FDI từ châu Âu: Chưa tương xứng với tiềm năng
Dòng vốn FDI từ các quốc gia châu Âu vào nước ta những năm qua vẫn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của hai bên.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) – cho biết: Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp (DN) châu Âu đã đến Việt Nam để khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó có cả những tập đoàn lớn. Tuy nhiên, thực tế số dự án đầu tư trực tiếp từ các DN châu Âu lại không nhiều.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), top 3 quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại là các quốc gia đến từ châu Á, lần lượt là: Hàn Quốc với hơn 72 tỷ USD; Nhật Bản 63 tỷ USD; Singapore 62,2 tỷ USD.
Trong khi đó, FDI từ các quốc gia châu Âu vào Việt Nam những năm qua lại rất khiêm tốn. Cụ thể, Hà Lan là quốc gia châu Âu đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, nhưng đến nay cũng chỉ đạt 626 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD, xếp thứ 10 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta; tiếp theo là Vương quốc Anh với 424 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 5 tỷ USD; Pháp với 628 dự án và 3,6 tỷ USD; Cộng hòa liên bang Đức với 2,3 tỷ USD…
Đến nay, các DN châu Âu đã đầu tư vào 18/21 ngành, lĩnh vực và hiện diện tại 54/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, nhưng đa số là các dự án có quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng của các DN châu Âu cũng như kỳ vọng của Việt Nam về dòng vốn FDI từ châu Âu.
Thừa nhận, FDI từ các quốc gia châu Âu vào Việt Nam thời gian còn rất khiêm tốn, song ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch VAFIE - cho rằng: Các DN châu Âu rất quan tâm đến sự ổn định về chính sách khi quyết định đầu tư, nên họ sẽ không bỏ vốn đầu tư vào những dự án lớn, dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn vào những nơi mà họ không có sự yên tâm về sự ổn định pháp lý. Đặc biệt, tại Việt Nam, vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức, trong khi các nhà đầu tư châu Âu lại rất chú trọng đến vấn đề này.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Toàn, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã được ký kết, trong đó đặc biệt là EVIPA sẽ là chỗ dựa pháp lý quốc tế rất lớn để nhà đầu tư châu Âu yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Tuy vậy, để hiện thực hóa cơ hội thu hút FDI từ châu Âu, Việt Nam cần chú trọng hơn đến vấn đề minh bạch, ổn định chính sách pháp lý, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời quan tâm hơn nữa vào vấn đề sở hữu trí tuệ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho DN khi đầu tư vào Việt Nam. Nếu làm được như vậy, FDI từ châu Âu vào Việt Nam sẽ thực sự khởi sắc trong thời gian tới.
Việt Nam đang có chủ trương ưu tiên thu hút dự án FDI có chất lượng, giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại và hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu… Đây cũng là những lợi thế mà các DN châu Âu đang nắm giữ.